Xét tuyển ĐH 2021: Bộ GD-ĐT khuyến khích tổ chức bài thi riêng theo nhóm trường

Google News

Đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD-ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường đại học hoặc tổ chức các trung tâm khảo thí độc lập.
 

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về Giáo dục đại học (GDĐH) năm 2020, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nêu 5 vấn đề quan trọng của giáo dục đại học.
Khuyến khích lọc ảo chung
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, trong 5 năm qua, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm đã được đổi mới thành công theo một lộ trình ổn định, giảm áp lực và chi phí cho toàn xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho thí sinh và các trường. Thí sinh không phải thi nhiều lần, được đăng ký nhiều nguyện vọng và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi thi, gia tăng đáng kể cơ hội trúng tuyển.
Xet tuyen DH 2021: Bo GD-DT khuyen khich to chuc bai thi rieng theo nhom truong
 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị.
Các trường phối hợp thực hiện công tác xét tuyển nhẹ nhàng dựa vào phần mềm xét tuyển chung và lọc ảo do Bộ GD-ĐT hỗ trợ; đồng thời thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh với những phương thức khác, phù hợp với yêu cầu riêng.
"Trên cơ sở phát huy những ưu điểm đã nêu, công tác tuyển sinh trong năm 2021 và cho đến năm 2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2020, với một số cải tiến về mặt kỹ thuật đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học.
Đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD-ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thí độc lập", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung với các phương thức tuyển sinh khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký nguyện vọng theo nhiều phương thức tuyển sinh, đồng thời giảm tỉ lệ ảo cho các trường khi sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, cổng đăng ký thi và xét tuyển sẽ được tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia để tăng cường tiếp cận và tương tác với thí sinh trong cả nước.
Thành lập, kiện toàn hội đồng trường, đẩy mạnh chuyển đổi số
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, Luật 34 (năm 2018) và Nghị định 99 (năm 2019) là một bước tiến lớn về hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục đại học, trong đó nội dung cốt lõi là tự chủ đại học. Một trong những điều kiện tiên quyết để các trường thực hiện quyền tự chủ đó là phải thành lập, kiện toàn hội đồng trường theo đúng quy định của Luật 34 và Nghị định 99. Đó không chỉ là yêu cầu tuân thủ pháp luật, mà còn là sự đổi mới cần thiết về mặt nhận thức và tư duy trong quản trị đại học theo mô hình tiên tiến.
Mặc dù toàn ngành đã có nhiều nỗ lực, số liệu báo cáo tới ngày 27/11 cho thấy vẫn còn 50% các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa hoàn thành việc thành lập hoặc kiện toàn hội đồng trường theo luật mới. Bộ GD-ĐT yêu cầu tất cả các trường khẩn trương thực hiện các bước thành lập và kiện toàn hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật, hoàn thành công nhận trước khi kết thúc năm học 2020-2021; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy chế nội bộ, tăng cường phân cấp, phân quyền và công khai, minh bạch để thực hiện hiệu quả mô hình quản trị theo cơ chế tự chủ.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cho biết, Bộ xác định chuyển đổi số là một chiến lược đột phá, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước; Việt Nam phải trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong chuyển đổi số giáo dục và đào tạo.
Ngay trong năm 2021, toàn ngành cần đẩy mạnh triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia và thực hiện chuyển đổi số trong ngành GD-ĐT. Chuyển đổi số phải trở thành một nhiệm vụ chiến lược của mỗi cơ sở giáo dục đại học, được triển khai nhanh chóng và hiệu quả trong quản trị nhà trường, trong tuyển sinh và đào tạo, trong đổi mới dạy và học. Bộ GD-ĐT tăng cường rà soát, bổ sung văn bản chính sách để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy triển khai chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; hướng dẫn các trường triển khai Kiến trúc chính phủ điện tử 2.0 và kết nối vào hệ thống dịch vụ công quốc gia.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, hiện nay, thực hiện Luật 34, Bộ GD-ĐT đã bước đầu xây dựng và hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu cho giáo dục đại học phục vụ thống kê ngành và tuyển sinh đại học; các cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện cập nhật dữ liệu trên hệ thống.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học cũng là một thành phần cốt lõi trong khung chuyển đổi số giáo dục đào tạo, đóng vai trò quan trọng công tác quản trị nhà trường, góp phần công khai minh bạch thông tin, giúp các cơ sở giáo dục đại học thực hiện trách nhiệm giải trình, đồng thời phục vụ công tác phân tích, dự báo, giám sát, thanh tra trong chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
Trong năm 2021, nền tảng cơ sở dữ liệu này cần được cơ bản hoàn thiện trong khuôn khổ dự án SAHEP. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các trường cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ GD-ĐT để triển khai cập nhật dữ liệu, đảm bảo đầy đủ, kịp thời và chính xác./.
Nguyễn Trang/VOV.VN