Từ ngày 16- 21/5, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Phạm Thanh Hải (SN 1966, ở quận Hà Đông, nguyên là Chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty IDT, chủ trang mạng Học làm giàu) ra xét xử tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với cáo buộc lừa 508 bị hại số tiền hơn 400 tỷ đồng.
Kỳ lạ thay, nhiều người được triệu tập đến tòa với tư cách người bị hại đã không nhận họ là bị hại và cho rằng bị cáo Phạm Thanh Hải không lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Họ cho biết, không hiểu sao mình lại có tên trong danh sách người bị hại.
|
Phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Thanh Hải. |
Mỗi khi luật sư trình bày những điều có lợi cho bị cáo, phía dưới vỗ tay rần rần như đang dự hội nghị.
Và trong suốt những ngày diễn ra phiên tòa, dưới cái nắng chói chang của mùa hè, người ta thấy hình ảnh nhiều người cao tuổi ngồi ở vỉa hè ngoài cổng tòa, ôm những tấm biển ghi dòng chữ: "Doanh nhân Phạm Thanh Hải không lừa đảo, chiếm đoạt tiền của chúng tôi"; "Không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự"; "Chúng tôi yêu cầu trả tự do cho doanh nhân Phạm Thanh Hải"...
Ai là người chịu thiệt?
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra nhận được nhiều đơn đề nghị, tố cáo của nhiều bị hại về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Hải.
Theo lời khai các bị hại, thông qua quan hệ bàn bè, người quen và các thông tin trên mạng internet, các cuộc hội thảo do công ty IDT tổ chức, họ biết đến công ty này đang triển khai các dự án có tiềm năng, dự án trồng cây macca có năng suất cao; đưa ra các hợp đồng đầu tư với lãi suất cao.
Họ được giới thiệu Hải là Chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty IDT, là tiến sĩ, chủ trang mạng Học làm giàu, có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh tại Nga, là người tài giỏi, uy tín, qua đó họ tin tưởng và đầu tư vào các dự án mà IDT đã quảng cáo. Họ đã ký kết hợp đồng và góp vốn đầu tư, trong hợp đồng có đầy đủ xác nhận con dấu của công ty.
Họ góp vốn cho Hải vì bị cáo là TGĐ, đại diện pháp luật cho công ty. Nếu biết việc đầu tư cho cá nhân Hải, thì họ không đồng ý tham gia. Có nhiều người sau khi ký hợp đồng chưa nhận được bất cứ một khoản tiền lãi nào như cam kết. Sau khi sự việc bị phát giác, họ không lấy lại được tiền từ Hải và đề nghị Cơ quan điều tra làm rõ sự việc, xử lý đúng người đúng tội và yêu cầu được trả lại tiền.
Cáo trạng cho rằng, ngoài những người nêu trên còn có nhiều người trước đây từ chối làm việc, không hợp tác với Cơ quan điều tra, có đơn đề nghị cho Phạm Thanh Hải được tại ngoại...
Sau đó họ đã đến Cơ quan điều tra trình báo và khai: Trong quá trình Hải bị tạm giam, họ được vợ của Hải và các cá nhân tự xưng là đại diện các nhà đầu tư đề nghị ký tên vào các đơn đề nghị, yêu cầu công chứng, hứa hẹn Hải được tại ngoại sẽ được trả tiền, sau đó kích động, lôi kéo họ và nhiều người khác đến tụ tập tại các trụ sở cơ quan nhà nước...
Tuy nhiên, sau khi biết được bản chất sự việc, họ đã đến Cơ quan điều tra khai báo toàn bộ sự việc, đề nghị Cơ quan điều tra làm rõ và xử lý Hải theo quy định của pháp luật.
Tuyên bị cáo Hải mức án tù chung thân vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HĐXX buộc bị cáo bồi thường cho 508 người bị hại có danh sách kèm theo. Tuy nhiên, trong số 508 người bị hại, có những người tại tòa không yêu cầu bồi thường nên tòa không quyết định phần dân sự.
HĐXX cho rằng, trong vụ án này có rất nhiều đối tượng đã tham gia tụ tập đông người, họ yêu cầu cơ quan pháp luật trả tự do cho Hải. Họ lập các trang mạng kêu gọi mọi người chống đối các cơ quan pháp luật, lôi kéo khống chế người bị hại, buộc một số người bị hại phải làm theo yêu cầu bất lợi cho người bị hại nhất định.
Vậy họ là ai, người bị Hải xâm phạm về tài sản hay người được hưởng lợi % trong vấn đề nhận tiền kết nối (theo kiểu huy động vốn đa cấp) của Hải? Vấn đề này cần đề nghị Cơ quan điều tra sớm làm rõ để xử lý kịp thời đối với hành vi vi phạm pháp luật.
The T.Nhung/Vietnamnet