Cái lí do không đồng tình luôn luôn kèm theo những câu hỏi, và chừng nào Bộ Tài chính chưa trả lời thấu đáo, công khai những câu hỏi này thì đừng nói tới hai chữ đồng thuận.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính: Tổng chi sự nghiệp môi trường năm 2010 là 6,2 nghìn tỷ đồng, năm 2011 chi 7,6 nghìn tỷ đồng, năm 2012 chi 9 nghìn tỷ đồng (thu 11.160 tỷ đồng), năm 2013 chi hơn 9,77 nghìn tỷ đồng, năm 2014 chi gần 10 nghìn tỷ đồng, năm 2015 chi 11.400 tỷ đồng (thu 27.020 tỷ đồng), năm 2016 chi 12.290 tỷ đồng. Theo cách tính này, năm 2015, chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường chưa bằng một nửa số thu, năm 2016 chỉ hơn 1/4 số thu được. Cả giai đoạn 2011-2015, chi cho sự nghiệp môi trường đạt 47.452 tỷ đồng, chỉ cao hơn chút ít so với số ước thu thuế bảo vệ môi trường của cả năm 2016 (thu được 42.393 tỷ đồng). Vậy số tiền rất lớn còn lại nhờ thu thuế bảo vệ môi trường vào giá thành xăng đang sử dụng vào việc gì và việc quản lý nó như thế nào?
|
Dư luận đặt nhiều dấu hỏi quanh đề xuất tăng thuế môi trường xăng lên 8.000 đồng/lít. |
Có hay không việc tăng thu ngân sách qua lý do được cho là “nguỵ tạo” từ thuế môi trường?
Số liệu nào về môi trường do ảnh hưởng của các loại động cơ để chiết tính ra số tiền gọi là “bảo vệ”?
Khi tăng thuế bảo vệ môi trường kịch trần và vô lý sẽ làm tăng giá xăng, làm tăng giá nhiều mặt hàng, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Tại sao không thành lập một Quỹ bảo vệ môi trường để quản lý minh bạch dòng tiền thuế này?
Tại sao không công khai thành tiền những tác hại môi trường đang hiện hữu khổng lồ từ các dự án khai thác mỏ, đập thuỷ điện….và việc buộc các doanh nghiệp phải nộp tiền bảo vệ môi trường trong quá tình khai thác, sản xuất như thế nào, được bao nhiêu và minh bạch nó hàng năm như thế nào?
Người dân sẽ hài lòng và đồng thuận nếu tiền thuế của họ được nhà nước sử dụng đúng, công khai, rõ ràng, tiền thuế bảo vệ môi trường sẽ đóng góp vào việc làm môi trường tốt hơn. Nhưng hiện nay, giữ việc thu thuế và việc thực hiện tiền thuế vào bảo vệ môi trường hoàn toàn đang mù mờ, khó thuyết phục người dân.
Tôn trọng tiền thuế của dân là tôn trọng người dân.
Bạch hoá chi tiêu, bạch hoá thông tin, bạch hoá thu chi là cách để quản lý hiệu quả nguồn tài chính quốc gia, nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Chúng ta thể hiện tinh thần trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân…”
Có nhiều cách để tăng thu ngân sách Nhà nước bằng việc tiết kiệm, bằng việc thực hiện nghiêm ngặt luật chi tiêu ngân sách nhà nước, bằng việc cẩn trọng khi đầu tư dự án, bằng việc sử dụng hiệu quả vốn vay vào những công trình sinh lợi, bằng việc luật hoá chi tiết để chống tham nhũng, bằng việc siết chặt kỷ cương mua sắm tài sản công, bằng việc cắt giảm hội họp, lễ hội, bằng việc cắt giảm mạnh mẽ biên chế, bằng việc cho xã hội hoá hoặc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, hiệp hội…chứ không phải cứ nhăm nhăm vào thu thuế xăng.
Do vậy, xin đừng té nước theo…xăng!
Theo Nguyễn Quang Vinh/Dân Việt