Đà Nẵng không đơn độc
Người dân Đà Nẵng không chỉ ấm lòng mà còn vững tin hơn khi lãnh đạo ngành y, các y, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành sát cánh cùng họ để chống lại dịch COVID-19.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn 2 phòng chống dịch COVID-19 mà Đà Nẵng là trung tâm khi liên tiếp phát hiện những ca nhiễm mới. Dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan nhanh trong diện rộng, con số ca nhiễm không ngừng tăng lên, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe người dân không chỉ có Đà Nẵng mà còn ở một số tỉnh, thành khác.
Trong giai đoạn 1, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công khi kiềm chế được số ca nhiễm COVID-19.
99 ngày không phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng và không có người tử vong do dịch bệnh. Một trong những yếu tố dẫn đến sự thành công của giai đoạn 1 chính là sự phản ứng nhanh nhạy, quyết liệt của "cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc".
Trong đó, sự nỗ lực của ngành y tế, của các y bác sĩ trên cả nước đóng vai trò vô cùng quan trọng. Sự hi sinh, dũng cảm, hết mình của lực lượng y bác sĩ – những "chiến sĩ áo trắng" luôn ở tuyến đầu chống dịch đã góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
|
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra việc lắp đặt cơ sở điều trị COVID-19 tại Cung Tiên Sơn. Ảnh: Bộ Y tế
|
Nhưng, dịch bệnh bùng phát trở lại trong giai đoạn 2 với diễn biến phức tạp hơn. Mọi bão tố bất ngờ đổ dồn lên Đà Nẵng khi địa phương này liên tiếp xuất hiện những ca nhiễm mới và một số ca nhiễm tại các tỉnh thành cũng có yếu tố dịch tễ từ Đà Nẵng.
Số ca nhiễm không ngừng tăng lên, đòi hỏi chúng ta không được chủ quan, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, tiếp tục thực hiện nghiêm quan điểm "chống dịch như chống giặc"- tuyệt đối không lơ là, hoang mang, dao động.
Nhưng Đà Nẵng không đơn độc. Xuyên suốt những ngày qua là một tinh thần đối phó quyết liệt với dịch bệnh. Trung ương họp liên tục với hàng loạt các chỉ thị, quyết sách kịp thời từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ nhằm giúp thành phố định hình ngay những biện pháp cấp bách để truy vết, khoanh vùng dập dịch, ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng.
Các đoàn công tác của Bộ Y tế, những cán bộ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương cùng những phương tiện, trang thiết bị y tế hiện đại được điều động ngay về Đà Nẵng để hỗ trợ thành phố khống chế dịch bệnh, chữa trị các bệnh nhân mắc COVID-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế “Xin ở lại Đà Nẵng, dịch chấm dứt mới về“
Ngay từ những ngày Đà Nẵng phát hiện ca nhiễm đầu tiên trong giai đoạn 2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã dẫn các đội phản ứng nhanh thuộc bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế có mặt tại Đà Nẵng.
Tổ công tác đã thường xuyên đến các khu cách ly ở khu dân cư, hướng dẫn quy trình cách ly, tập huấn cho các nhân viên, tập huấn cho sinh viên của trường Đại học kỹ thuật Y dược Đà Nẵng về các phương pháp lấy mẫu xét nghiệm, tham gia các đội hướng dẫn cách ly trong khu dân cư.
Trong công tác điều trị, các tổ công tác đã hỗ trợ TP Đà Nẵng giảm tải bệnh nhân COVID-19, thân nhân bệnh nhân, các trường hợp nhân viên y tế bị nhiễm ở Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C. Nhờ vậy, đến nay, số lượng người nhiễm trong hai bệnh viện này đã giảm xuống rất nhiều.
Trong thời gian tới các trường hợp điều trị ở 2 bệnh viện này sẽ được xét nghiệm lại lần thứ 2, để bệnh viện sớm có thể mở cửa đón bệnh nhân trở lại.
Ngoài ra, bộ phận thường trực đã phối hợp với Đà Nẵng quyết liệt triển khai hai nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm y tế Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Đến nay, đã hoàn tất dược 2 khu chăm sóc đặc biệt để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đề nghị cần đẩy nhanh công tác xét nghiệm để phát hiện các bệnh nhân mới trong cộng đồng. Ông Sơn cũng nói rằng, tâm lý các bác sĩ rất ổn định, làm việc rất hăng say và xin phép được ở Đà Nẵng cho đến khi dịch chấm dứt mới về.
Có thể nói rằng, trên tuyến đầu phòng dịch tại Đà Nẵng, các y, bác sĩ là những "người lính áo trắng" tiên phong, còn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – với trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch của ngành y tại đây là người "thuyền trưởng" chèo lái con thuyền chở các y bác sĩ, nhân viên y tế vượt qua mọi thách thức, gian khó, nguy hiểm để cùng nhân dân Đà Nẵng ứng phó, kiểm soát dịch bệnh. Sự quyết tâm của lãnh đạo ngành y cũng là động lực tiếp thêm sức mạnh để các y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch vượt qua mọi khó khăn, nguy cơ lây nhiễm để hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả được Đảng, nhân dân tin tưởng giao phó.
Ai cũng biết rằng, đề đẩy lùi dịch bệnh, không chỉ ngành y mà toàn bộ hệ thống chính trị các địa phương, người dân cả nước phải cùng vào cuộc mới đạt được thắng lợi toàn vẹn. Nhưng quyết tâm, ý chí ở lại sát cánh cùng nhân dân Đà Nẵng ứng phó với dịch bệnh của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và lực lượng y bác sĩ chi viện cho Đà Nẵng đã mang lại tinh thần, niềm tin, tiếp thêm sức mạnh để nhân dân Đà Nẵng và cả nước chiến đấu với dịch bệnh.
Để đẩy lùi dịch bệnh, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để “ổ dịch”, các khu vực nguy cơ cao tại thành phố Đà Nẵng; tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, có nguy cơ lây nhiễm.
Đối với Đà Nẵng và các tỉnh thành, tăng tốc, quyết liệt triển khai có hiệu quả các biện pháp truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, xử lý nhanh các ổ dịch trên địa bàn; phát huy tích cực vai trò chủ động của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp và người đứng đầu các cơ quan trong hệ thống chính trị cơ sở trong phòng, chống dịch.
Đối với người dân cần đề cao cảnh giác phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh, không hoang mang, lo lắng và tiếp tục tin tưởng, ủng hộ, tự giác tham gia, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch và Bộ Y tế.
Mỗi người dân tiếp tục là một chiến sỹ, mỗi thôn, xóm, làng, bản, khu phố… là pháo đài, cùng chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh.
>>> Mời độc giả xem video Những lỗ hổng dẫn đến tái bùng phát dịch COVID-19 tại nhiều quốc gia trên thế giới
Tâm Đức