Suốt một thời gian dài hình ảnh người cha Lương Thế Huynh (42 tuổi, ngụ xã Tà Nung, Đà Lạt, Lâm Đồng) chạy xe máy có gắn tấm bảng in hình con trai Lương Thế Vương 3 tuổi rong ruổi khắp nơi tìm con được nhiều người chia sẻ, đồng cảm. Thế nhưng, trải qua 1 năm ròng rã, anh Huynh đau đớn khi chỉ được gặp con trong những giấc mơ.
|
Hình ảnh anh Huynh rong ruổi đi tìm con. |
Đau đớn ngậm ngùi lập bàn thờ cho con
Hơn 1 năm trôi qua, anh Huynh đã dùng xe máy chạy qua nhiều tỉnh thành để tìm con mất tích. Chiếc xe dream cũ kỹ, phía sau là tấm bảng thông báo tìm con, người cha cứ mải miết đi. “Tôi không nhớ là mình đã đi hành trình bao nhiêu km nữa. Hầu như các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, Nam bộ đều đã từng đến, lần xa nhất là ở Quảng Bình”, anh Huynh nói.
Anh Huynh thừa nhận mình như một người bị bệnh nan y, cố gắng vái tứ phương tìm kiếm bất kể cơ hội sống. Miễn nghe nơi đâu có người báo, dù chỉ là một mẩu tin nhỏ về con trai mất tích của mình, dù nơi ấy có xa xôi, người cha cũng không quản ngại tìm đến.
“Mỗi lần đến nơi nào nơi ấy người dân xúm lại quan tâm hỏi han, lấy điện thoại lưu lại thông tin. Có nơi bà con hỗ trợ lộ phí, giúp đỡ chuyện ăn uống sinh hoạt. Có những khi dọc đường ốm nặng quá, phải vào bệnh viện mua thuốc, cứ khỏe là tôi lại lên đường”, người cha chia sẻ.
|
Anh Huynh đi tìm con, đêm ngủ ngay tại công viên - ảnh: Tuổi Trẻ. |
Suốt 1 năm ròng, chỉ cần một thông tin nói rằng ở đâu có người giống con mình là anh lại lên đường. Và có những lần tưởng như chỉ trong một chút mong manh nào đó, con lại về với gia đình anh Huynh. Nhưng thời gian cứ trôi qua, cuốn mọi thứ vào vô vọng.
Và, anh Huynh chia sẻ, hơn 2 tháng nay, anh phải gác lại việc tìm kiếm con trai. “Tôi vẫn khỏe, vẫn đủ sức đi nữa nhưng đành gác lại. Bây giờ cũng không còn nghe thông tin nhiều nữa. Hơn nữa, tôi còn phải đi làm nuôi gia đình”, anh ngậm ngùi nói.
Suốt thời gian gian mải miết đi tìm, dù không muốn nhưng hai vợ chồng anh Huynh đã phải nghĩ đến trường hợp xấu nhất xảy ra. Anh chia sẻ: “Tôi không dám tin là cháu đã bị bắt cóc bán lấy nội tạng rồi bị người ta phi tang xác nhưng cũng có thể điều tồi tệ ấy đã xảy ra. Vì vậy, 3 tháng nay tôi có lập bàn thờ nhỏ cho cháu. Đây cũng là cách để chúng tôi tự an ủi tinh thần”.
Bàn thờ của bé đặt chung với bàn thờ phật, với di ảnh nhỏ của con trai treo một góc nhỏ trên tường. Mỗi ngày gia đình anh đều thắp hương cho cậu con trai bé nhỏ xấu số. Anh Huynh cũng mặc định ngày 21/6, ngày mà bé Vương bị bắt cóc là ngày giỗ.
Vẫn mong chờ điều kì diệu
Từ ngày con trai mất tích, ngôi nhà chẳng còn tiếng cười, hai vợ chồng anh Huynh không tha thiết làm gì nữa, chỉ chầu chực bên điện thoại mong ai báo tin tốt lành đến với họ. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, hai vợ chồng phải tiếp tục với hai chữ “mưu sinh”.
Vợ anh Huynh làm ở xã đã trở lại công việc thường ngày. Anh Huynh ở nhà chăm lo vườn cà phê. Suốt thời gian đi tìm con, rẫy cà phê không ai chăm sóc đã hư hỏng, vừa rồi anh phải chặt đi trồng lại cả một nửa rẫy, thiệt hại biết bao nhiêu tiền của.
Anh kể, để có chi phí đi tìm con, vợ chồng anh đã phải bán nhẫn cưới, các đồ đạc quý giá khác. Hiện tại, hai vợ chồng vẫn đang đối mặt với số nợ nần gần 400 triệu đồng, thường xuyên bị chủ nợ đòi. “Tôi đã rao bán đất mấy tháng nay mà vẫn chưa có ai mua, chỉ có cách đấy mới trả được nợ”, anh buồn bã nói.
|
Con trai Lương Thế Vương bị mất tích đã hơn 1 năm nay. |
Dù đã lập bàn thờ cho con nhưng trong thâm tâm, anh Huynh vẫn luôn mong chờ điều kỳ diệu sẽ đến. Người cha tự nhủ, biết đâu một ngày nào đó, cậu con trai sẽ quay về với căn nhà nhỏ, cha mẹ và chị gái đang mong chờ ở nhà. “Từ ngày bé Vương mất tích, ngày nào tôi cũng mở kinh phật để cầu mong an lành sẽ đến”, anh nói.
Chị Yến (vợ anh Huynh) cũng không còn nước mắt để khóc nhiều như những ngày đầu. Điện thoại chị vẫn để hình nền cậu con trai út như một cách để người mẹ giữ lửa niềm tin. “Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất, bàn thờ con giờ cũng lập rồi nhưng nó mất thì cũng phải thấy xác. Hy vọng sẽ có điều kỳ diệu đến với gia đình. Giờ hai vợ chồng phải cố gắng để nuôi bé lớn trưởng thành”, chị nghẹn ngào chia sẻ.
Bé Hải Anh (7 tuổi, con gái đầu) chưa đủ lớn để hiểu hết nỗi đau của cha mẹ. Trước kia, cô bé vẫn ngây thơ tin rằng em trai đang đi chơi mà “sao em đi chơi lâu về quá”. Nhưng có lẽ, do em đi lâu không về, cô bé cũng dần dà hiểu được sự bất hạnh mà gia đình mình gặp phải.
Trước đó, ngày 21/6/2015, anh Huynh để con trai út Lương Thế Vương (sinh năm 2012) chơi một mình trong nhà, còn anh đi cho cá ăn ở ngoài vườn. Lúc này cửa cổng vào nhà vẫn mở, nhưng từ ao cá nhìn vào nhà bị khuất bởi vườn cà phê.
Tầm 5 phút sau, anh Huynh nghe tiếng kêu “Bố ơi, bố ơi”, nghĩ con chờ lâu gọi nên anh nói lớn “Bố đây, đợi xíu bố vào ngay”. Chưa đầy một phút sau, lại nghe tiếng con kêu “Bố ơi, cứu con với”, anh mới thả chậu cám cho cá ăn xuống vội chạy vào nhà thì đã không thấy con đâu.
Tìm khắp nhà rồi ra ngoài đường, sang hàng xóm lân cận nhưng vô vọng, tới chiều tối vợ chồng anh mới báo tin cho Công an TP Đà Lạt hỗ trợ. Nhưng từ đó tới nay đã hơn 1 năm vụ cháu bé mất tích vẫn chưa tìm ra manh mối.
Theo Người Đưa Tin