|
Khu vực xuất hiện các vết nứt ở Đắk Nông |
Mưa kỷ lục 56 năm
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động tăng cường nên nhiều ngày trong tháng 7, Tây Nguyên và Nam bộ có mưa dông diện rộng, trong đó nửa cuối tháng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa trong tháng 7 ở Tây Nguyên và Nam bộ cao hơn trung bình nhiều năm từ 50-100%, có nơi trên 100%.
Đáng chú ý, một số nơi ghi nhận mưa kỷ lục. Tại Côn Đảo, lượng mưa chiều 29/7 là 178,1mm, trở thành ngày có lượng mưa lớn nhất trong tháng 7 ghi nhận ở khu vực này, vượt qua kỷ lục năm 1966. Tại Kiên Giang, Cần Thơ và Hậu Giang cũng ghi nhận mưa kỷ lục vào ngày 29/7.
Ngoài ra, 10 trạm khí tượng ở Tây Nguyên, Nam bộ ghi nhận lượng mưa trong tháng 7 cao nhất lịch sử, tập trung ở Bình Thuận, Kon Tum, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng.
Trong đó, mưa đỉnh điểm tập trung các ngày 28-30/7 do ảnh hưởng của rìa phía Nam rãnh thấp có trục qua khu vực Bắc bộ, kết hợp đới gió mùa Tây Nam hoạt động cường độ mạnh. Tại đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng, nơi xảy ra vụ sạt lở đất gây chết 4 người, lượng mưa trong 3 ngày lên tới 294,2mm, là nơi mưa lớn nhất ở Lâm Đồng thời gian này.
Cùng với mưa lớn, dông lốc, sạt lở đất đã xảy ra ở nhiều nơi. Theo Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, trong ba ngày cuối tháng 7, mưa lớn, dông lốc, sạt lở đất đã khiến 7 người chết, thiệt hại lớn về hạ tầng, hoa màu.
Liên tiếp xuất hiện động đất, sạt lở
Chiều 1/8, UBND Tuy Đức (Đắk Nông) cho biết, tại bon (buôn) Bu Krắc, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức xuất hiện hàng loạt vết nứt lạ sau tiếng nổ lớn vào đêm 31/7 và rạng sáng 1/8. Các vết nứt có chiều dài khoảng 200m, rộng tầm 10-15cm, xuất hiện ở trong nhà dân và dọc tuyến đường trong bon. Tại vị trí bon Bu Krắk có nguy cơ sạt lở đất cao, 17 hộ với 53 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Ngay lập tức, chính quyền đã cho di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Trước đó, tại khu vực thôn 1 xã Đắk Buk So (huyện Tuy Đức) cũng xảy ra hiện tượng sạt lở đất, trôi xuống tuyến đường DH85, gây lấp đường với chiều dài khoảng 100m. Ngoài ra, cách khu vực sạt lở đất nói trên khoảng 150m hiện tại cũng xảy ra hiện tượng nứt đất, nguy cơ sạt lở rất cao nên chính quyền đã cho di dời người dân đến nơi an toàn.
Mưa lớn những ngày qua cũng gây ngập cầu, khiến hơn 100 hộ dân ở bon N’Jang Bơ, xã Trường Xuân (huyện Đắk Song) bị cô lập; nhiều tài sản, hoa màu ven suối cũng bị nước cuốn trôi, gây thiệt hại lớn. Ngoài ra, Nhà máy thủy điện Đắk R’Tih và Nhà máy thủy điện Đắk Nông (TP Gia Nghĩa, Đắk Nông) cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lũ đột ngột xuất hiện làm sạt lở chân trạm biến áp và sạt lở phần góc sân nhà máy thủy điện.
Theo thống kê ban đầu, chỉ trong một tuần (5-12/7), tại huyện Kon Lông (Kon Tum) đã xảy ra 42 trận động đất, 3 trong số đó có độ lớn 4.0 độ richter trở lên. Đáng chú ý nhất là trận động đất xảy ra vào tháng 8/2022 với 4.7 độ richter. Động đất kích thích xảy ra bắt đầu từ tháng 4/2021, ngay sau khi Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước.
Về tình trạng trên, theo PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, tại Kon Tum động đất xảy ra hơn 2 năm qua với tần suất khá dày. Tần suất và thời gian xảy ra động đất kích thích liên quan chặt chẽ đến môi trường địa chất.
Ông Triều nhận định trong khu vực này thời gian tới sẽ còn tiếp tục xảy ra động đất kích thích, liên quan chặt chẽ đến hoạt động tích nước của hồ chứa thủy điện. Cũng tại địa phương này, động đất tự nhiên cực đại được nhận định có thể đạt khoảng 5.9 độ, động đất kích thích cực đại thấp hơn, có thể dưới 5 độ richter.
Vì vậy, trận động đất mạnh 4.7 độ richter tháng 8/2022 có thể là kích động chính (trận động đất có cường độ mạnh nhất trong chuỗi các trận động đất kích thích) của hoạt động động đất kích thích ở khu vực này. Theo quy luật, sau kích động chính sẽ xảy ra thêm nhiều trận động đất khác nhưng cường độ nhỏ hơn.
Theo Báo Tiền phong