Chồng mua, vợ bán
Tối 11-8-2016, tại ngã ba đường Nguyễn Tất Thành, TX Hương Thủy, TT-Huế, các trinh sát (TS) ma túy của CA tỉnh TT-Huế bắt quả tang Lê Thị Kim Oanh (42 tuổi, trú 54/1-Bùi Thị Xuân, P. Đúc, TP Huế) đang vận chuyển 20 bánh cần sa. Tiếp tục khám xét khẩn cấp nơi ở của Oanh, biết không thể qua mắt lực lượng CA, đối tượng tự nguyện giao nộp thêm 8,5 bánh cần sa cất giấu tại nhà mình và nhà mẹ ruột. Tại cơ quan CA, bước đầu Oanh khai nhận số cần sa trên do Lê Xuân Hiền (chồng của Oanh, thời điểm đó làm ăn ở Lào) gửi cho Võ Ngọc Bình (nhân viên lái xe của Cty P.L chạy tuyến xe khách Lào - Việt Nam) vận chuyển qua Cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) rồi đưa về Huế để giao cho Oanh tiêu thụ.
Qua mở rộng điều tra, cơ quan CA đã làm rõ với phương thức, thủ đoạn tương tự, Hiền từng gửi 20 bánh cần sa từ Lào về Huế cho vợ tiêu thụ. Khi nghe tin vợ bị bắt, Lê Xuân Hiền trốn biền biệt ở Lào. Sau đó, cơ quan CA tỉnh TT-Huế đã ra quyết định truy nã quốc tế đối với Lê Xuân Hiền. Sau một thời gian Hiền lẩn trốn, Đoàn công tác của Cục Cảnh sát truy nã - Bộ CA và CA tỉnh TT-Huế đã bắt giữ đối tượng, dẫn độ về Việt Nam vào cuối tháng 2-2017. Sau hơn 15 tháng trong trại giam, Oanh mới thấm thía nỗi đau khi các con thơ không ai chăm sóc vì cả mẹ và bố đều đang thụ án về tội “Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy”. Theo lời kể của Oanh, trước đây, Hiền qua Lào chạy xe thuê, còn Oanh ở nhà làm thợ may. Cuộc sống không giàu có nhưng vợ chồng cũng vừa đủ trang trải, nuôi các con ăn học. Thế nhưng, khi nghe một số bạn bè nói rằng ma túy ở Huế đắt đỏ thì Hiền nảy sinh lòng tham, quyết định mua ma túy đưa về Huế tiêu thụ. Khi nghe Hiền gọi điện thoại bàn việc mua ma túy chuyển về, còn Oanh ở Huế nhận hàng thì Oanh từ chối. Nhưng khi nghe Hiền nói đến lợi nhuận thì Oanh siêu lòng.
|
Lê Thị Kim Oanh vừa nhận gần 30 bánh cần sa từ Lào gửi về thì bị bắt giữ. |
Chồng kéo vợ vào “nghề”
Tháng 8-2012, TAND tỉnh TT-Huế mở phiên tòa xét xử lưu động tại UBND P. Kim Kong (TP Huế) đối với Âu Văn Đức (1983, trú đường Phú Mộng, TP Huế) và đồng phạm về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy”. Đây là 1 trong 3 vụ án mua bán trái phép chất ma túy xuyên biên giới lớn nhất qua địa bàn tỉnh TT-Huế. Số ma túy Đức và đồng phạm vận chuyển từ biên giới Việt - Lào đưa về Huế tiêu thụ tổng cộng là 47,5kg. Qua việc phân phối từ đại lý cấp 1, cấp 2... các bị cáo đã thu lãi số tiền hơn 500 triệu đồng. Liên quan đến đường dây ma túy này, lực lượng CA đã đánh sập nhiều tụ điểm, điểm ma túy phức tạp tồn tại trên địa bàn TP Huế. Theo kết luận của CQĐT, gia đình của Âu Văn Đức có “truyền thống” về buôn bán ma túy. Sau khi anh em ruột của Đức là Âu Văn Hùng và Âu Văn Toàn bị bắt về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy”, do có liên quan nên tháng 6-2010, Âu Văn Đức trốn vào TPHCM. Đến tháng 9-2010, Đức trở về Huế.
Mặc dù trong khi anh em ruột đang đi tù vì tội mua bán ma túy, nhưng bất chấp, Đức nhiều lần qua Lào, lên Cửa khẩu Lao Bảo lân la, làm quen với nhiều đối tượng nghiện hút và câu móc thiết lập đường dây ma túy. Quá trình này Đức được các con nghiện giới thiệu đến một thanh niên tên Tò để mua ma túy. Tháng 11-2010, Đức mua của Tò 2 lần 6kg cần sa. Số ma túy này Đức đưa về Huế bán lại, trừ chi phí thu lãi 50 triệu đồng. Tiếp đó, Đức 10 lần đi xe khách lên khu vực Cửa khẩu Lao Bảo mua 35kg cần sa của Tò với số tiền hơn 101 triệu đồng. Số cần sa này Đức đem về nhà phân thành nhiều gói nhỏ để bán kiếm lời.
Sau nhiều lần mua ma túy trót lọt từ biên giới Việt - Lào đưa về Huế, Đức cho rằng nếu tiếp tục đi thì sợ CA theo dõi, phát hiện nên từ tháng 3-2011, đối tượng giao cho vợ là Nguyễn Thị Phi Phi (1986) sang Lào trực tiếp liên lạc với Thắng (người Việt Nam đang làm ăn tại Lào) để thực hiện giao dịch. Sau khi lên phương án, Đức đưa tiền cho vợ sang Lào xách ma túy về. Với sự “chỉ đạo” của Đức, chỉ trong vòng chưa đầy 5 tháng, Phi đã 5 lần qua Lào mua 12,5kg ma túy đưa về Huế. Tất cả số ma túy mà Phi mua từ Thakhet - Lào đều được bỏ trong các gói bánh quy và được che giấu trong các túi áo quần. Sau khi mua ma túy từ Lào đưa về Huế, nhằm tạo vỏ bọc, tránh sự phát hiện của cơ quan CA, Đức không trực tiếp bán ma túy cho các con nghiện nữa mà móc nối với một số đối tượng nghiện lâu năm để đứng ra làm “đại lý” phân phối. Từ tháng 11-2010 đến 8-2011, Đức đã bán ma túy hàng trăm lần cho các đại lý cấp 1. Các đối tượng cầm đầu các “đại lý” cũng đã bị truy tố và đang đối mặt với các mức án khác nhau.
Theo H.Lan/CADN