Yêu em yêu như yêu… câu hò ví dặm
Ở Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh Duy Tiên (Hà Nam), ai cũng ngưỡng mộ câu chuyện tình đẹp của “cặp đôi nghệ sỹ” Tống Bá Hựu- Trần Thị Nga. Ông Hựu quê ở Chương Mỹ, Hà Nội, vốn là lính pháo binh chiến đấu bảo vệ từ Vĩnh Linh đến nam sông Gianh.
Trong lần đơn vị bị máy bay Mỹ phản kích, ông bị thương ở mắt được đưa về tuyến sau chữa trị, rồi điều dưỡng ở trung tâm. Bà Nga quê ở Nghệ An, là con liệt sỹ kháng chiến chống Pháp, bị bom đạn kẻ thù cướp đi đôi mắt khi đang dạy học. Bà được chuyển ra trung tâm an dưỡng theo chính sách con liệt sỹ. Khi đó, cả hai đều độ tuổi đôi mươi.
|
“Cặp đôi nghệ sỹ” Hựu - Nga đang sống vui tuổi già tại Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh huyện Duy Tiên. Ảnh: Xuân Tùng. |
Tổ ấm của vợ chồng ông bà Hựu - Nga ở trung tâm điều dưỡng là căn phòng khang trang, luôn gọn gàng, ngăn nắp. Tiếp chuyện chúng tôi hai ông bà cứ nắm chặt tay nhau. “Ông trời không lấy của ai tất cả. Mặc dù chiến tranh lấy đi ánh sáng đôi mắt nhưng bù lại cho chúng tôi được gặp nhau ở đây và nên duyên vợ chồng”, bà Nga mở đầu câu chuyện.
Bà Nga kể, hồi đầu ở trung tâm mắt mờ dần rồi chỉ thấy bóng tối, bà đã khóc rất nhiều và nghĩ quẩn. Có lúc bà tưởng chừng không vượt qua được nhưng cuộc đời bà bắt đầu thay đổi khi nhận được sự chia sẻ của những người cùng cảnh và tham gia hoạt động văn nghệ. “Lúc đó ở trung tâm, anh Hựu có cái radio thường mang đến phòng tôi cùng nghe, và rủ tôi tập hát theo chương trình phát thanh. Cả hai đều thích các bài dân ca Nghệ Tĩnh nên thường tập song ca với nhau”, bà Nga chia sẻ.
Ông Hựu không nhìn thấy gì nhưng khi trò chuyện luôn hướng về phía người vợ với nét mặt rạng ngời yêu thương. “Không nhìn thấy nhau, chỉ cảm mến qua giọng nói xứ Nghệ sâu nặng mà tôi thích chia sẻ tâm tình, rồi thương nhau tự lúc nào không hay.
Từ những lần tập song ca bài hát đầu tiên “Đảng là cuộc sống của tôi”, rồi “Nghệ Tĩnh mình đây”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”... Yêu người Nghệ Tĩnh thì mình phải biết hát về trong đó, trước hát và giờ vẫn hát...”, ông Hựu nói và ngẫu hứng hát: “Thương nhớ nhiều đường xa chẳng quản/Anh về đây cùng Nghệ Tĩnh quê em/Về đây nghe điệu ví dòng Lam/Xem nắng rọi trên đỉnh cao núi Hồng...”.
“Vợ chồng chúng tôi không cưới ở ngoài đây đâu mà cưới trong quê ngoại ở Nghệ An. Chúng tôi cưới theo nếp sống mới chỉ có bánh kẹo và nước chè...”, ông Hựu nhớ lại. Giờ đây, vợ chồng ông có hai người con trai đều đã lớn khôn, người làm việc ở Quảng Ngãi, người an cư làm ăn ở quê nội Chương Mỹ.
Hát để chống chọi với bệnh tật
“Cuối năm 1983, cháu đầu cất tiếng khóc chào đời ở trung tâm này, hai vợ chồng ứa nước mắt vì hạnh phúc, và vì thương con thiệt thòi. Những lần cho con ăn, tay cầm bát, tay còn lại phải sờ tìm miệng cháu để đút thức ăn…”, bà Nga nhớ lại giai đoạn chăm con vất vả.
Năm 1986, vợ chồng xa cách nhau khi bà Nga phải chuyển về Trung tâm nuôi dưỡng thân nhân liệt sỹ Diễn Châu, Nghệ An. Thương vợ bụng mang dạ chửa đứa con thứ hai, hằng tháng ông Hựu nhờ người chở ra bến bắt xe, vượt hàng trăm kilomet vào Nghệ An. Mỗi lần vào thăm vợ con là vất vả, tốn kém, nhưng ông cứ đi.
Thời bao cấp, tiền trợ cấp thương tật thấp, để nuôi con hai vợ chồng ông phải xoay đủ đường và nhờ hai bên nội ngoại trợ giúp. Ông Hựu phải xa vợ xa con đằng đẵng gần 30 năm trời. “Giờ nghĩ lại mà thấy vất vả, nhưng may mắn khi các cháu đều chăm ngoan, khôn lớn”, ông Hựu nói.
Năm 2014, sau khi có nguyện vọng và được lãnh đạo Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh huyện Duy Tiên chấp thuận, vợ chồng ông bà Hựu-Nga lại được sum vầy. “Cuộc sống giờ yên ấm rồi, vợ chồng tự chăm sóc, vui tuổi già và dạy dỗ con cháu”, ông Hựu nói.
Anh Trần Minh Hải, cán bộ trung tâm cho biết: “Chúng tôi hay gọi vợ chồng bác Hựu - Nga là “2 nghệ sỹ ưu tú của xóm”. Sau những lần gồng mình chống chọi với bệnh tật, vợ chồng bác ấy lại vui vẻ, cất cao tiếng hát, mang lại niềm vui cho bản thân và những người xung quanh mình”.
Ông Nguyễn Sỹ Lương, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh huyện Duy Tiên, cho biết, hiện trung tâm có trên 20 gia đình gồm vợ con thương binh đang sống tại trung tâm. “Chuyện tình yêu của ông Hữu và bà Nga rất đặc biệt. Những giây phút cùng nhau tập hát đã giúp họ có cơ hội trò chuyện, chia sẻ với nhau những vui buồn, có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật và sau đó đến với nhau bằng tình yêu chân thành”, ông Lương nói.
Theo Xuân Tùng-Quang Lộc/Tiền Phong