|
Hàng hóa của Yên Phú được cho là thiệt hại do bị nước ngập |
Bị thiệt hại do ngập lụt
Theo đại diện Công ty TNHH Yên Phú có trụ sở và nhà xưởng nằm trên trục đường Cảng Hương Lý đi ga Văn Phú (địa bàn huyện Yên Bình), trong quá trình cải tạo, nâng cấp tuyến đường Cảng Hương Lý đi ga Văn Phú, theo đề nghị của cơ quan chuyên môn, ngày 3/8/2015 UBND tỉnh Yên Bái có Văn bản số 1679/UBND-XD cho phép điều chỉnh cục bộ thiết kế bản vẽ thi công và điều chỉnh bổ sung hạng mục rãnh dọc kiên cố đoạn Km0-Km0 +758,9 bằng bê tông xi măng M150; và Cty Phát triển và Kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái (Công ty KDHTCKCN) là chủ đầu tư thực hiện dự án.
Thực tế tuyến đường này đã được Công ty KDHTCKCN sửa chữa nâng cốt đường mới cao hơn mặt đường cũ gần 1m đã làm cho mặt bằng trụ sở và nhà xưởng của Yên Phú bị thấp hơn mặt đường mới và rãnh thoát nước, dẫn đến tình trạng ngập lụt mỗi khi trời mưa to.
Ngày 28/7/2016, thị trấn Yên Bình có mưa lớn, nên nước mưa từ mặt đường và rãnh thoát nước đã tràn vào nhà xưởng và trụ sở Yên Phú dẫn đến ngập lụt, làm cho nhiều tài sản bị hư hỏng nặng. Sau khi sự việc xảy ra, Yên Phú đã mời các cơ quan chức năng đến lập biên bản sự việc, đồng thời có văn bản kiến nghị gửi Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái và các cơ quan có liên quan yêu cầu giải quyết.
Ngày 12/12/2016, Sở GTVT tỉnh Yên Bái có Văn bản số 1675/SGTVT-QLKCHTGT trả lời kiến nghị của Yên Phú với nội dung: Đối với ảnh hưởng của Yên Phú do thi công Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Cảng Hương Lý đi ga Văn Phú, đề nghị Yên Phú liên hệ với Công ty KDHTCKCN là chủ đầu tư dự án để được giải quyết yêu cầu.
Sau đó Yên Phú đã nhiều lần có văn bản yêu cầu và trực tiếp đến làm việc với Công ty KDHTCKCN, nhưng Yên Phú cho rằng chủ đầu tư dự án đã đùn đẩy trách nhiệm, không có động thái bồi thường, khắc phục hậu quả do sự tắc trách của mình gây ra với Yên Phú.
Yên Phú làm đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu tòa án tuyên buộc ban quản lý (BQL) các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái là cơ quan kế thừa quyền và nghĩa vụ của Công ty KDHTCKCN ra tòa, yêu cầu phải bồi thường cho Yên Phú số tiền hơn 4,4 tỷ đồng.
Tòa xác định sai tư cách người tham gia tố tụng?
Ngày 21/11/2018, TAND TP Yên Bái đã đưa vụ án “Tranh chấp bồi thường thiệt hại về tài sản” giữa nguyên đơn là Yên Phú do ông Nguyễn Duy Vượng làm người đại diện theo pháp luật và bị đơn là Công ty KDHTCKCN, kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng là BQL các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái ra xét xử.
Tại Bản án số 12/2018/DS-ST ngày 21/11/2018 và Quyết định sửa chữa, bổ sung Bản án số 07/2019/QĐ-SCBSBA ngày 19/3/2019 của TAND TP Yên Bái đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Yên Phú về việc yêu cầu BQL các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái phải bồi thường số tiền hơn 4,4 tỷ đồng.
Không đồng tình, đại diện theo pháp luật của nguyên đơn đã kháng cáo toàn bộ nội dung của bản án sơ thẩm.
Ngày 9/4/2019, TAND tỉnh Yên Bái xử phúc thẩm và tại Bản án phúc thẩm số 03/2019/DS-ST quyết định không chấp nhận kháng cáo của Yên Phú, giữ nguyên quyết định của Bản án dân sự sơ thẩm.
Theo ông Vượng, quyết định của bản án đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của Yên Phú. Trong vụ án này, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm và phúc thẩm đã xác định sai tư cách người tham gia tố tụng của bị đơn.
Tại phiên phúc thẩm, dù HĐXX nhận định việc TAND TP Yên Bái xác định bị đơn là BQL các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng Công ty KDHTCKCN là chưa đảm bảo tính chính xác theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Tố tụng Dân sự, nhưng HĐXX phúc thẩm vẫn tiến hành xét xử và không tuyên hủy bản án sơ thẩm là không thỏa đáng. Đồng thời, HĐXX phúc thẩm lại xác định bị đơn là Công ty KDHTCKCN, còn BQL các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái là đơn vị kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng cũng chưa khách quan.
Theo nguyên đơn, trong vụ án này, bị đơn phải là Trung tâm Phát triển hạ tầng và Dịch vụ công nghiệp vì Trung tâm này được hợp nhất bởi Công ty KDHTCKCN và Trung tâm tư vấn đầu tư và dịch vụ công nghiệp.
Hơn nữa, trong quá trình giải quyết vụ án, HĐXX sơ thẩm đã không tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Yên Phú và việc kéo dài thời gian tiến hành thu thập chứng cứ đã kéo dài thời gian xét xử, gây khó khăn trong việc đánh giá mối quan hệ nhân quả giữa nguyên nhân gây thiệt hại và xác định giá trị thiệt hại thực tế của Yên Phú…
Do không đồng tình với án sơ thẩm án phúc thẩm, ông Vượng đã làm đơn gửi TAND Cấp cao tại Hà Nội, VKSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét lại toàn bộ vụ án một cách khách quan, toàn diện vụ án theo trình tự giám đốc thẩm.
Theo Trung Thứ/Báo Pháp luật