Yêu cầu sĩ số lớp tiểu học không quá 35 học sinh, có khả thi?

Google News

Đối với Hà Nội, TP HCM..., để thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT theo Điều lệ trường tiểu học quy định sĩ số không vượt quá 35 học sinh/lớp sẽ rất khó khả thi.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng vừa ký hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với bậc tiểu học. Trong đó có yêu cầu các cơ sở giáo dục đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định Điều lệ trường tiểu học 35 em/lớp, đồng thời có đủ thiết bị dạy học tối thiểu. Đảm bảo tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên đủ dạy các môn học, hoạt động giáo dục...
Nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục cho rằng yêu cầu này đối với Hà Nội là rất khó trong tình hình hiện nay.
Tăng dân số cơ học gây áp lực lên các trường công
Trao đổi về vấn đề này, cô Lê Thị Thanh Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Bàn A (quận Long Biên, TP Hà Nội) cho biết: Trước khi có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2024-2025 của Bộ GD&ĐT, phòng Giáo dục quận Long Biên cũng đã chỉ đạo, điều tiết công tác tuyển sinh đối với cấp tiểu học trên địa bàn để giảm tải sĩ số lớp học cho các trường. Với Trường Tiểu học Thạch Bàn A, từ tháng 5/2024 cũng đã có kế hoạch tuyển sinh cho năm học mới.
Những năm trước đây, sĩ số học sinh của mỗi lớp dao động từ 45-48 học sinh/lớp. Nhưng năm học vừa qua, do Trường đã được quận Long Biên đầu tư, cải tạo, nâng cấp khu nhà chức năng và bố trí được thêm 5 phòng học nên cũng góp phần giảm tải sĩ số học sinh trên mỗi lớp. Hiện nhà trường có 30 lớp học. Tuy nhiên, do địa bàn có các khu chung cư, hạ tầng phát triển nên rất nhiều người từ các nơi về mua nhà hoặc thuê mặt bằng làm ăn, kinh doanh... ngoài ra, số công nhân làm ở khu công nghiệp trên địa bàn thuê trọ cũng đông..., làm tăng dân số cơ học và số học sinh cũng tăng theo. Đây thực sự là vấn đề đang gây áp lực với các trường công lập như Thạch Bàn. 
Năm nay, Trường tiểu học Thạch Bàn đón 260 học sinh vào lớp 1, với chỉ tiêu là 7 lớp, trung bình 37 học sinh/lớp.
Một khó khăn khác là tách lớp, thêm lớp cũng cần phải thêm giáo viên. Trong khi thực tế, giáo viên được giao biên chế không nhiều. Chưa kể, hiện phần lớn các trường không có đủ giáo viên để đảm bảo quy định 1.5 giáo viên/lớp theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2024-2025 của Bộ GD&ĐT. Nếu thực hiện hướng dẫn mới của Bộ GD&ĐT, nhà trường chỉ còn cách xin chỉ tiêu cho giáo viên hợp đồng để đảm bảo nhân sự.
Có thể là hình ảnh về trẻ em và văn bản
Một khó khăn nữa là để đảm bảo sĩ số học sinh theo hướng dẫn mới đây của Bộ GD&ĐT, nhà trường cần được đồng bộ về cơ sở vật chất như tăng số phòng học cho đủ để bố trí lớp học. Tuy nhiên, vấn đề cơ sở vật chất, nhà trường không thể giải quyết được mà phải do quận, thành phố quyết định. 
Giảm sĩ số cần phải có lộ trình
Theo cô Phương, việc giảm sĩ số xuống 35 học sinh/lớp cần phải có lộ trình, không thể bắt các trường giảm ngay được vì còn liên quan đến cơ sở vật chất, nguồn nhân lực...Và để giải quyết bài toán giảm tải sĩ số lớp theo quy định hiện nay, địa phương cần phải đầu tư, cải tạo nâng cấp trường cũ, xây thêm thêm trường mới. Khi đó, quận sẽ điều chuyển tuyến tuyển sinh và các trường lân cận cũng sẽ giảm áp lực sĩ số học sinh trên mỗi lớp để đảm bảo đúng quy định Điều lệ trường tiểu học. Và Sở, Phòng nội vụ cũng cần có bài toán giải quyết nguồn nhân lực cho các trường tiểu học để đảm bảo số giáo viên/lớp theo quy định. 
Cô Phương cũng mong muốn, trước mắt, khi nhà trường chưa chuẩn bị đủ cơ sở vật chất phòng học, giáo viên..., Bộ GD&ĐT nên cho phép sĩ số ở mức 40 học sinh/lớp ở cấp tiểu học tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM là phù hợp, nhà trường vẫn đảm bảo được chất lượng cho học sinh.
Yeu cau si so lop tieu hoc khong qua 35 hoc sinh, co kha thi?
Khuôn viên trường Tiểu học Thạch Bàn A, quận Long Biên, Hà Nội 

Từng công tác tại một trường tại quận Cầu Giấy, cô giáo Thu Trang cho biết, mấy năm nay, lớp cô chủ nhiệm chưa khi nào dưới 48 học sinh, có những năm sĩ số còn trên 50.

Theo cô Trang, tại Hà Nội không hiếm gặp những lớp tiểu học hơn 50 học sinh, thậm chí có lớp lên tới 60. Với diện tích phòng học như hiện nay, các dãy bàn chật kín cả lối đi, gây khó khăn cho việc dạy và học. Lớp đông, giáo viên cũng không thể kiểm soát và uốn nắn kịp thời từng học sinh trên lớp. 

"Vì thế, năm học tới nếu chỉ có 35 học sinh/lớp sẽ là mơ ước của giáo viên và phụ huynh. Tuy nhiên, quy định là một việc còn thực tế lại là việc khác. Với sĩ số quá đông như hiện nay, muốn giảm, buộc phải có thêm phòng học, xây thêm trường, có thêm giáo viên mới có thể san sẻ sĩ số, tách lớp. Nhưng hiện nay chỉ còn 1 tháng nữa là năm học mới bắt đầu, liệu có kịp để chuẩn bị?", cô Trang băn khoăn.

Theo cô, việc giảm sĩ số học sinh cần có lộ trình cụ thể mới có thể thực hiện. Việc áp dụng luôn trong năm học tới là rất khó.

Năm 2023, toàn quốc có gần 9 triệu học sinh bậc tiểu học, giảm hơn 313.000 em so với năm học trước. Sĩ số trung bình học sinh/lớp của toàn quốc là 32 em/lớp, ổn định so với năm học trước. Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT, một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến số học sinh/lớp vượt tỉ lệ quy định của Bộ GD&ĐT như: Hà Nội,TP HCM, Hải Phòng, Bình Dương... và một số thành phố, trung tâm của các tỉnh.
 
 >>> Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) trao đổi về vụ việc cháu bé 5 tuổi bị bỏ quên tử vong trên xe đưa đón học sinh:
 
Bình Nguyên