Yêu sách, sự ngang ngược và chiến dịch “bắt nạt” của Trung Quốc trên Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở hầu hết khu vực Biển Đông, đồng thời, coi các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là trái pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là điều có lợi cho Việt Nam trong các cuộc đấu tranh bảo bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Trung Quốc đang đưa ra yêu sách đường 9 đoạn phi pháp
Ngày 13/7 (rạng sáng ngày 14/7 theo giờ Việt Nam), Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở hầu hết khu vực Biển Đông. Mỹ cũng coi các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là trái pháp luật.
Đáng chú ý, trong tuyên bố này, Bộ Ngoại giao Mỹ hoàn toàn bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với cái gọi là "Đường chín đoạn" mà Bắc Kinh đưa ra năm 2009; bác bỏ mọi tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các vùng biển xung quanh Bãi Tư chính của Việt Nam.
Mỹ cũng không chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng biển nằm ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.
Đồng thời, nêu rõ, mọi hành động của Trung Quốc nhằm quấy nhiễu hoạt động đánh bắt cá hay khai thác dầu mỏ của các nước khác tại các vùng biển này, hoặc tiến hành các hành động như vậy một cách đơn phương, đều bất hợp pháp.
Yeu sach, su ngang nguoc va chien dich “bat nat” cua Trung Quoc tren Bien Dong
 Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của VN bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng thành đảo nhân tạo phi pháp.
Tuyên bố trên, Mỹ chính thức bác bỏ các luận điểm cụ thể của Trung Quốc. Đồng thời, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh quan điểm của Mỹ về các yêu sách trên biển của Trung Quốc giống với phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 từng bác bỏ các yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc vì không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Mỹ tuyên bố quyết định của Tòa trọng tài là cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý đối với cả hai bên. Một lần nữa cho thấy, yêu sách đường “lưỡi bò 9 đoạn” của Trung Quốc là phi pháp, không được quốc tế, trong đó có Mỹ công nhận.
Lật lại lịch sử, ngày 7/5/2009, Trung Quốc gửi lên Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ “đường 9 đoạn” (hay còn gọi đường lưỡi bò), nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông. Theo yêu sách này, Trung Quốc chiếm khoảng 2 triệu km2 diện tích biển và 13 km2 diện tích đất trên biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scaborough. Đây là văn bản đầu tiên trong hơn 60 năm qua thể hiện quan điểm chính thức của Trung Quốc về biên giới biển đồng thời bộc lộ yêu sách đầy tham vọng của chính quyền Bắc Kinh. Thêm nữa, đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức lưu hành bản đồ thể hiện “đường 9 đoạn”.
Thời điểm Trung Quốc công bố “đường 9 đoạn” diễn ra ngay sau khi Malaysia và Việt Nam nộp báo cáo chung về ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng khu vực phía nam biển Đông lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc (UNCLCS). Chính vì vậy, sự việc này nhanh chóng trở thành vấn đề "nóng" trên chính trường thế giới.
Tuy nhiên, ngay khi Trung Quốc công bố tấm bản đồ trên, nhiều nước trong khu vực không công nhận “đường 9 đoạn” mà chính quyền Bắc Kinh vạch ra. Nguyên do là vì trong suốt nhiều thập kỷ qua, Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa; tranh chấp chủ quyền giữa 5 nước (Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) và một vùng lãnh thổ (Đài Loan) về chủ quyền quần đảo Trường Sa.
Việt Nam và Philippines đã có công hàm gửi Liên hợp quốc bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý này của Trung Quốc. “Đường 9 đoạn” ban đầu gồm 11 đoạn nhưng nó hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và lịch sử. Cụ thể, "đường chín đoạn” được Trung Quốc vẽ ra một cách tùy tiện khi không có tọa độ, đứt đoạn và luôn thay đổi (trước kia là 11 đoạn với 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ, sau đó là 9 đoạn).
Theo quan điểm của Việt Nam, “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra trái với Công ước Luật biển năm 1982 mà Trung Quốc là một bên tham gia. Vùng biển mà “đường 9 đoạn” bao trùm không thể là vùng lãnh hải hay đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Trung Quốc, nó hoàn toàn đi ngược lại với các quy định về vùng biển của quốc gia ven biển của Công ước quốc tế. Các văn bản pháp luật về biển của Trung Quốc cũng không đề cập đến yêu sách này.
Năm 2012, mẫu hộ chiếu mới của Trung Quốc có in "đường 9 đoạn" phi lý được lưu hành và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia trong khu vực.
Đáng chú ý, tháng 7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông sau hơn 3 năm thụ lý. Theo đó, PCA đưa ra phán quyết Trung Quốc không có quyền lịch sử ở Biển Đông. “Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong đường 9 đoạn”, trích nội dung phán quyết của PCA.
Từ yêu sách phi pháp đến sự ngang ngược 'bắt nạt” của Trung Quốc tại biển Đông
Dù yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là phi pháp. Tuy nhiên, suốt thời gian qua, nhằm hợp thức hóa yêu sách này, Trung Quốc ngang ngược xây dựng các công trình trên các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông để tăng cường sự hiện diện trên thực tế.
Tháng 4/2020, Bộ Dân chính Trung Quốc tự tiện công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông. Trung Quốc cũng công bố kinh độ và vĩ độ của các đảo, bãi đá và thực thể. Nhiều đảo đá và thực thể này xuất hiện ở phần phía Tây Biển Đông và nằm dọc theo “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ ra. Đáng chú ý, trong những thực thể này có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở khoảng 50 hải lý.
Trước đây, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, sau đó tiếp tục xâm chiếm một số cấu trúc địa lý tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc cũng lợi dụng thế mạnh về kinh tế, kỹ thuật để bồi đắp trái phép những đảo chiếm đóng trái phép thành các đảo nhân tạo lớn với nhiều công trình quy mô.
Thực tế, nhiều năm qua, Trung Quốc ngang ngược tiến hành những động thái nâng cấp, xây dựng các đảo chìm, đảo nổi, các bãi cạn tại Biển Đông như việc xây dựng sân bay, quân cảng, khu hậu cần lớn trên đảo Gạc Ma, Chữ Thập...cũng như những thực thể địa lý khác mà họ đã đánh chiếm được. Đây cũng là phương cách ngụy tạo để “hợp thức hóa” đường biên giới “lưỡi bò” đang bị dư luận phản bác.
Mới đây, Trung Quốc còn ngang ngược thành lập cái gọi là “huyện Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “huyện Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa” (tỉnh Hải Nam) để thâu tóm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Theo đó, cái gọi là “huyện đảo Tây Sa” sẽ đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cái gọi là “huyện đảo Nam Sa” đặt tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thời gian gần đây, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát toàn cầu, Trung Quốc “thừa nước đục, làm càn” khi liên tiếp gây ra hàng loạt hành động phi pháp tại biển Đông, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này.
Yeu sach, su ngang nguoc va chien dich “bat nat” cua Trung Quoc tren Bien Dong-Hinh-2
Tàu sân bay USS Ronald Reagan (giữa) và tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ hoạt động ở Biển Đông. 
Hàng loạt hành động ngang ngược của nước này như tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi khi đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, ra lệnh cấm đánh bắt cá trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Bắc Kinh cũng đồng thời công bố “các trạm nghiên cứu” mới trên những căn cứ quân sự mà nước này xây dựng ở Đá Chữ Thập và Đá Xubi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), đồng thời cho hạ cánh máy bay quân sự đặc chủng xuống Đá Chữ Thập. Trung Quốc cũng tiếp tục triển khai lực lượng dân quân trên biển xung quanh quần đảo Spratly (thuộc quần đảo Trường Sa).
Thâm chí, ngày 23/3, Trung Quốc gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản hồi tài liệu của Philippines, cho rằng Trung Quốc “có chủ quyền với quần đảo Nam Sa và vùng biển gần kề”, “có quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng biển liên quan, với đáy biển và lòng đất”. Bắc Kinh cũng cho rằng mình “có quyền lịch sử" ở Biển Đông, dựa trên "bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Trong công hàm phản hồi tài liệu của Malaysia ngày 12/12/2019, Trung Quốc cho biết, nước này có chủ quyền với quần đảo ở Biển Đông, bao gồm quần đảo Đông Sa, Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Trung Sa và Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Trung Quốc cho rằng chủ quyền với các quần đảo này là “quyền lịch sử” với vùng nước khai thác.
Trước sự việc trên, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc chính thức gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres phản đối lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Đồng thời, Việt Nam bày tỏ lập trường nhất quán về vấn đề Biển Đông. Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.
Đáng chú ý, ngày 17/4, trong công hàm gửi lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã ngang ngược cáo buộc Việt Nam "đưa quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp các đảo, đá thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc hòng tạo ra tranh chấp". Công hàm do phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đệ trình còn nhấn mạnh Bắc Kinh đã liên tục "phản đối sự xâm lược và chiếm đóng trái phép của Việt Nam" trước khi lớn tiếng "yêu cầu Việt Nam rút tất cả người và phương tiện, thiết bị ra khỏi các đảo, đá đã xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp".
Thực tế đã chứng minh Trung Quốc là nước duy nhất sử dụng vũ lực để kiểm soát và chiếm đóng trái phép các đảo, đá trên Biển Đông. Trong số đó phải kể đến trận chiến ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã xua tàu chiến chiếm đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đồng thời, năm 2014, Trung Quốc ngang nhiên cải tạo Gạc Ma thành đảo nhân tạo và biến nó thành một tiền đồn quân sự phục vụ cho các yêu sách chủ quyền vô lý của mình trên Biển Đông...
Cách nào “trị” Trung Quốc?
Những tuyên bố trên của Mỹ nhấn mạnh, thế giới sẽ không cho phép Trung Quốc được coi Biển Đông như đế chế trên biển của mình. Đồng thời khẳng định Mỹ sẽ cùng với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á bảo vệ quyền chủ quyền của mình đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của những nước này theo luật pháp quốc tế. Mỹ cũng tuyên bố cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ tự do hàng hải và tôn trọng chủ quyền cũng như phản đối mọi nỗ lực áp đặt khái niệm “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” tại Biển Đông và trong toàn khu vực.
Taylor Fravel, một chuyên gia nghiên cứu về các tranh chấp lãnh thổ và quân đội Trung Quốc tại Viện công nghệ Massachusetts cho rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với phán quyết của Tòa trọng tài thường trực.
Trong khi đó, bà Bonnie Glaser, Cố vấn Cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng bộ Ngoại giao Mỹ đang tìm các cách để có thể hành đông và lên tiếng ủng hộ những nước nhỏ hơn cũng có tuyên bố chủ quyền nhưng bị Trung Quốc bắt nạt.
Ông Gregory Poling, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về Đông Nam Á kiêm Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho rằng tuyên bố của ông Pompeo về cơ bản cho thấy Mỹ sẽ không còn giữ im lặng trước những tuyên bố bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chuyên gia chuyên gia Poling cho rằng, tuyên bố này lại là một nước đi quan trọng và có thể là lúc các nước xung quanh kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng sau khi Mỹ đã tiên phong.
Ông Poling cho rằng, hiện giờ Washington, Hà Nội và những đối tác cùng chí hướng khác cần phải sử dụng thời cơ này để công khai làm rõ hành vi phi pháp của Trung Quốc cũng như tạo sức ép lên các đối tác khác lên tiếng, ví dụ châu Âu.
Mới đây, trả lời trên báo PL TP HCM, PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam cho rằng, tuyên bố của Mỹ hoàn toàn thống nhất với quan điểm từ trước tới nay của Mỹ. Đó là duy trì hòa bình, ổn định, thực thi tự do biển cả theo luật pháp quốc tế; phản đối các hành động vũ lực và ép buộc bằng vũ lực trên biển.
Theo ông Ca, tuyên bố của Mỹ cũng có thể được coi như một bằng chứng cho thấy sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường và quan điểm đúng đắn, phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam. Điều đó có lợi rất lớn cho Việt Nam trong các cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao và pháp lý để bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia của Việt Ban trên vùng biển và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Chiều 15/7, bình luận đầu tiên liên quan tới tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo về lập trường của Hoa Kỳ đối với các yêu sách biển ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó".
Theo người phát ngôn, Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này.
>>> Mời độc giả xem thêm video Các nước phản đối Trung Quốc ngang ngược trên biển Đông

Nguồn: VTC Now. 

Tâm Đức (t/h)