Bóc trần mánh buôn gian bán lận của Công mô tô

Google News

Bằng cách nào, Công mô tô và các đối tượng liên quan "hô biến" những mô tô siêu sang từ nước ngoài để đưa vào tiêu thụ trong nước với giá rẻ.

Trò tinh quái trong vụ hợp thức hóa xe "khủng" vào Việt Nam. Dư luận Sài Gòn còn đang bàng hoàng trước thông tin "đại gia chơi ngông" Công mô tô (tên thật là Huỳnh Văn Xuân, SN 1970, người tình một thời của siêu mẫu Vũ Hoàng Điệp) bị khởi tố thì thông tin về việc nhóm cán bộ thuộc chi cục Quản lý thị trường và chi cục Thuế tỉnh Hải Dương cũng lần lượt vướng vòng lao lý vì nhiều lần "đi đêm" với đại gia này đã khiến vụ "lùm xùm" lan rộng.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra và quan tâm là, tại sao một doanh nhân cỡ bự đất Sài thành lại chọn Hải Dương, cụ thể là một huyện thuần nông như Ninh Giang để móc ngoặc làm ăn? Và bằng cách nào, nhóm người này lại có thể "hô biến" những xe mô tô giá trị hàng chục ngàn USD từ nước ngoài để đưa vào tiêu thụ trong nước với giá xe "đồng nát"?
Lập "liên minh ma quỷ"...
Ngày 20/9, nguồn tin từ Bộ Công an cho biết, cơ quan này đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam 7 bị can để điều tra về hành vi "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Trong 7 người bị bắt giữ, có 4 người là lãnh đạo các đội thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hải Dương gồm Trần Quốc Huy (49 tuổi, nguyên đội trưởng Đội quản lý thị trường số 3), Phạm Đình Quang (40 tuổi, nguyên đội phó Đội quản lý thị trường số 3), Ngô Văn Tới (50 tuổi, nguyên đội phó Đội quản lý thị trường số 2), Phạm Đăng Duyên (33 tuổi, nguyên đội phó Đội quản lý thị trường số 5).
Các bị can còn lại gồm Nguyễn Văn Thắng (44 tuổi, nguyên đội trưởng Đội quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế thuộc Chi cục Thuế huyện Ninh Giang), Bùi Mạnh Hùng (39 tuổi, nguyên phó phòng tài chính - kế hoạch, nguyên trưởng phòng kinh tế - hạ tầng huyện Ninh Giang) và Huỳnh Văn Xuân (43 tuổi, giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thành Công Sài Gòn). Trong nhóm đối tượng trên, có lẽ đáng chú ý nhất là Huỳnh Văn Xuân, người được biết đến với tên gọi Công "mô tô", đại gia nổi tiếng của đất Sài thành.
 
Về câu chuyện vướng vòng lao lý của những cái tên vừa được điểm qua, theo tài liệu ban đầu của cơ quan công an, các nhà chức trách tình nghi các bị can này có hành vi cố ý làm trái khi tịch thu 85 mô tô phân khối lớn do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc, có giá trị cao sau đó thông đồng, lập hồ sơ bán đấu giá cho Xuân với giá trị thấp hơn giá trị thực của xe cả trăm lần. Khi công ty của Xuân bán số xe trên ra thị trường đã thu lời nhiều tỷ đồng. Đáng chú ý, cơ quan điều tra còn tình nghi số xe thu giữ được không có thật vì khi các bị can lập hồ sơ chuyển sang cơ quan chức năng làm thủ tục đấu giá thì không có tài sản đi kèm.
Cụ thể, theo tìm hiểu của nhóm PV, từ tháng 7/2007 đến tháng 4/2008, hồ sơ lưu của đội Quản lý thị trường số 3 thể hiện đội này đã lập hồ sơ bắt giữ và xử lý 34 vụ việc, tịch thu 85 mô tô phân khối lớn không rõ nguồn gốc trên địa bàn, phạt cảnh cáo 8 trường hợp, phạt tiền 26 trường hợp với số tiền 13,5 triệu đồng. Tuy nhiên, việc phạt tiền và tịch thu 85 chiếc xe này không được Đội báo cáo lên lãnh đạo chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương. Những chiếc mô tô phân khối lớn này (mặc dù thực tế đều là xe xịn rất đắt tiền) đã được đội "điều chỉnh một chút trên giấy tờ" để trở thành xe cũ nát, không giấy tờ, không đủ các bộ phận do nước ngoài sản xuất. Đội số 3 cũng tự định giá những chiếc xe khoảng 5 triệu đồng/chiếc và ra quyết định tịch thu.
Để giải quyết số xe trên, đội quản lý thị trường số 3 bàn giao cho Phòng Tài chính - kế hoạch huyện Ninh Giang làm thủ tục đấu giá tài sản. Tuy nhiên khi đi vào tìm hiểu thực tế, cơ quan điều tra xác định đội quản lý thị trường số 3 chỉ chuyển hồ sơ giấy tờ sang chứ không có tài sản cần định giá và đấu giá đi kèm. Thế nhưng những hồ sơ đấu giá này sau đó vẫn được hoàn thiện một cách chóng vánh, bán cho người thắng thầu có tên trong hồ sơ chính là "đại gia" Huỳnh Văn Xuân ở tận Sài Gòn.
... để làm khống giấy tờ
Phát hiện ra mập mờ đó, cơ quan điều tra đã quyết định làm rõ và sau đó xác minh những người có tên trong hồ sơ là chủ của những mô tô phân khối lớn bị tịch thu đều hoàn toàn không liên quan gì đến việc bắt giữ xe. Thực tế, trong 85 xe mô tô phân khối lớn bị tịch thu bán sung công quỹ trên, có tới 83 xe đã được giải quyết đăng ký tại TP.Hồ Chí Minh. Theo cơ quan công an, qua xác minh, những người đăng ký và sử dụng số xe này đều phải bỏ ra số tiền rất lớn để mua. Cụ thể, chỉ tính 11 xe cơ quan điều tra xác minh, thì giá trị xe là 111.900 USD và 574 triệu đồng. Trong khi hóa đơn của Công ty TNHH TMDV Thành Công Sài Gòn xuất bán, chỉ ghi mỗi xe trị giá từ dưới 10 đến 12 triệu đồng/xe.
Các bị can khác không thuộc đội quản lý thị trường số 3 là Ngô Văn Tới (50 tuổi, nguyên đội phó Đội quản lý thị trường số 2); Phạm Đăng Duyên (33 tuổi, nguyên đội phó Đội quản lý thị trường số 5); Nguyễn Văn Thắng (44 tuổi, nguyên đội trưởng Đội quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế thuộc Chi cục Thuế huyện Ninh Giang) và Bùi Mạnh Hùng (39 tuổi, nguyên phó phòng Tài chính - kế hoạch, nguyên trưởng phòng kinh tế - hạ tầng huyện Ninh Giang) được cho là cũng bị khởi tố về bắt giữ về các hành vi tương tự, liên quan đến đơn vị công tác của mình.
Như vậy, cơ quan điều tra đã xác định sai phạm của các cá nhân trên trong việc tự ý tịch thu, định giá và đấu giá số xe thu giữ được của các bị can, lập khống hồ sơ hợp thức hóa từ xe đắt tiền thành xe cũ nát, giá trị thấp là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho Nhà nước trong việc đấu giá. Cơ quan điều tra cũng không loại trừ việc các bị can tại Đội quản lý thị trường số 3 lập hồ sơ khống chứ không thu giữ được phương tiện trên thực tế. Từ những bộ hồ sơ khống này, các bị can sẽ sử dụng việc hợp thức hóa cho những chiếc mô tô phân khối lớn có giá trị hàng trăm triệu đồng.
Theo thống kê của sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM, hiện trên địa bàn TP.HCM có 14 CLB mô tô đăng ký hoạt động với khoảng 1.000 thành viên tham gia đều đặn. Nhưng bên cạnh đó, còn có hàng chục CLB xe mô tô hoạt động tự phát khác, số lượng thành viên tham gia còn cao hơn. Hoạt động của các CLB này rất đa dạng như: Tham gia kinh doanh, mua bán xe mô tô phân phối lớn, trao đổi kinh nghiệm chơi xe, trang trí xe, tổ chức biểu diễn, làm từ thiện…
Mặc dù số lượng không đông đảo như ở TP.HCM và chỉ có duy nhất 1 CLB chính thức là CLB Mô tô Hà Nội, ở Thủ đô Hà Nội, số lượng thành viên tham dự CLB này cũng ngót nghét 1.000 người, chia theo dòng xe để sinh hoạt với nhau như: Harley divison; duccati… Ngoài ra, cũng có nhiều nhóm nhỏ khác tự phát. Còn ở Đà Nẵng, số lượng theo một thống kê chưa chính thức, có tới 33 CLB nhỏ chơi xe phân khối lớn.
Theo Người đưa tin