Chúng tôi quen nhau qua một lớp tập thể dục, cùng cảnh góa bụa, chúng tôi thường hay tâm sự, động viên nhau. Và rồi, khi tôi ngỏ lời yêu, bà ấy đã đón nhận. Trong cách đối xử với tôi, bà ấy rất ân cần, chu đáo, thể hiện một tình cảm tha thiết. Tôi vô cùng hạnh phúc, dự tính sẽ cầu hôn bà ấy. Thế nhưng, có một chuyện khiến tôi đau đầu.
Đó là hè này, tôi sắp xếp một chuyến đi nghỉ ở nước ngoài cho tôi và bà ấy cùng với gia đình hai con trai tôi. Tôi muốn bà ấy và các con tôi có sự làm quen, gắn kết tình cảm dần. Tuy nhiên, bà ấy đã cáo bận, từ chối và nửa đùa nửa thật: Em không đi được, anh quy suất em ra tiền đưa em là được. Tôi suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng quyết định thử đưa bà ấy tiền xem sao. Không ngờ, bà ấy cầm thật. Trong tôi bỗng ngập tràn cảm giác thất vọng. Có phải bà ấy là người quá thực dụng không? Bà ấy có yêu tôi không, hay chỉ yêu tiền của tôi thôi? - Đoàn Tiến Mạnh (Hà Nội).
|
Ảnh minh họa. |
Bác Mạnh kính mến, giả sử tình huống nếu bác ấy chỉ yêu tiền của bác thôi thì hẳn bác ấy phải tính toán khéo léo để làm sao “moi” được nhiều tiền của bác mà lại không bị phơi bày “âm mưu” một cách lộ liễu thế này. Còn nếu xác định là bị “lộ” thì số tiền “mẻ cuối” ấy cũng sẽ phải lớn, chứ không chỉ tương đương một suất đi du lịch như vậy.
Cho nên, theo Tri Giao suy đoán, thì có lẽ lý do nằm ở việc bác ấy nhìn nhận chuyện này quá đơn giản và mối quan hệ của hai bác đã ở mức thân thiết. Vì thế, bác ấy đã chẳng cần “giữ ý” hay suy nghĩ sâu xa, thấy “bạn trai” đưa thì “hồn nhiên” nhận. Có khi bác ấy còn cho rằng đây như một món quà, bác có “lòng” thì bác ấy có “dạ”.
Để hiểu một người cần phải có thời gian, nếu bác thấy vẫn còn băn khoăn thì cứ hãy để tình cảm mình được thử thách thêm, sau đó mới quyết định tới chuyện trọng đại. Chúc bác hạnh phúc.
Tri Giao