Thu Hương, 28 tuổi, là quản lý một cơ sở giáo dục ở Hà Nội. Khi mang bầu 4 tháng, cô phát hiện Văn - chồng mình ngoại tình với bạn gái cũ thời đại học.
Họ từng có cuộc tình đẹp rồi cô gái đi định cư ở nước ngoài. Nhiều năm sau gặp lại trong một buổi họp lớp, mặc dù đôi bên đều đã có gia đình nhưng 'tình cũ không rủ cũng đến' họ bất chấp tất cả, lao vào nhau như con thiêu thân.
Chứng kiến cảnh đó, Hương đau khổ đến độ bị trầm cảm. Sau cùng Văn cũng quay về với gia đình, tuy vậy nỗi đau trong tim Hương vẫn chưa nguôi, dù Văn rất thành khẩn hối lỗi. May mắn là cậu con trai chào đời đã giúp hai vợ chồng hàn gắn tình cảm.
Hết kỳ nghỉ thai sản, Hương đi làm lại nhưng không bao lâu thì dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Nơi làm việc tạm thời đóng cửa, toàn bộ nhân viên chuyển qua làm trực tuyến ở nhà. Riêng Văn là giám đốc một công ty lương thực nên những ngày này anh vẫn đi làm bình thường.
Một hôm Văn đi làm về thấy nhà cửa bừa bộn y như bãi chiến truờng, cơm tối chưa nấu, con đói khóc. Anh đi tìm vợ thì thấy cô đang ngồi ở ngoài ban công, bộ dạng thất thần. Hốt hoảng, anh hỏi chuyện gì xảy ra.
- Tôi thực sự đau đớn mỗi khi nhớ đến quãng thời gian tôi bụng mang dạ chửa, bị ốm nghén đến vật vã, còn anh thì nói dối đi công tác, thực ra là đưa người yêu cũ đi du lịch nghỉ dưỡng, tận hưởng thế giới hạnh phúc của hai người. Nói thật, lắm lúc tôi không hiểu tại làm sao anh có thể bội bạc như vậy...
Đang yên đang lành tự nhiên vợ đào bới lại chuyện cũ khiến Văn cảm thấy tự ái. Thế là tiếng bấc ném qua, tiếng chì ném lại, họ cãi nhau ầm ĩ.
Sau đó, những tưởng vợ chồng chỉ 'chiến tranh lạnh' vài hôm rồi thôi nhưng tình hình ngày càng tệ hơn. Hương có lúc cáu gắt, giận hờn vô cớ, dễ khóc, lúc lại như chiếc bóng hoàn toàn im lặng trước Văn. Cô chuyển ra ngủ riêng với con, né tránh chuyện chăn gối. Thậm chí có lần, cô còn đòi tự tử vì giận chồng.
Thấy không ổn, Văn lựa lúc Hương bình tĩnh, thuyết phục vợ gọi điện thoại cho chuyên gia tâm lý để xin tư vấn, giúp đỡ.
Sau khi nghe hai vợ chồng chia sẻ và qua các bài kiểm tra tâm lý, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân (Hà Nội) nhận định, Hương bị trầm cảm trở lại.
Ở hoàn cảnh nhà Hương, do bác giúp việc về quê rồi gặp lệnh cách ly toàn xã hội nên chưa quay trở lại được, Hương phải ở nhà làm việc trực tuyến, trông nom cậu con trai nhỏ 8 tháng tuổi và làm nội trợ.
Buổi tối Hương lại chỉ ngủ chập chờn do con liên tục đòi ăn đêm khiến cô bị rút cạn năng lượng, rơi vào vòng xoáy của suy nghĩ tiêu cực, bị hồi tưởng lại chuyện ngoại tình của Văn trước đây...
Nhận diện nguồn gốc khiến Hương bị trầm cảm trở lại, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân tư vấn cho hai vợ chồng một số giải pháp để giúp Hương điều chỉnh, ổn định sức khỏe tâm lý. Theo đó, Hương đã học được cách tập luyện cho con trai ngủ xuyên đêm nên cô cũng có một giấc ngủ ngon. Ban ngày bé cũng ngoan hơn để cô làm việc.
Hiểu được đối với người bị trầm cảm, việc tập thể dục là điều không tự nhiên nên mỗi buổi sáng trước khi đi làm, Văn cố gắng kéo vợ ra khỏi giường cùng tập yoga hoặc chạy bộ trên máy 30 phút. Sau đó Hương đánh thức con dậy, cho ăn rồi hai mẹ con đưa nhau ra ban công tắm nắng vừa tốt cho bé vừa tốt cho bệnh trầm cảm của mẹ.
'Lúc rảnh tôi lại chăm sóc, tưới tắm cho khóm hoa hồng leo mới trồng ở nhà theo kiến nghị của chuyên gia tâm lý. Tôi thích hoa hồng, hoạt động ngoài trời thường xuyên quả thật giúp tôi bình tâm và điều tiết cảm xúc tốt hơn. Không còn bị tình trạng hồi tưởng lại quá khứ', Hương tâm sự.
Mới đây Văn cũng mua tặng vợ cái máy rửa bát để giúp cô giảm bớt thời gian làm việc nhà. Mỗi tối anh còn nhận nhiệm vụ trông con giúp Hương 'cách ly' hoàn toàn khỏi bé một giờ đồng hồ.
Hương tranh thủ thời gian này nghỉ ngơi, thư giãn sâu hoặc giải quyết công việc tồn đọng trong ngày.
Nhờ giữ ổn định lịch sinh hoạt lành mạnh, Hương nói, cô đã duy trì được sức khỏe và tâm lý vững vàng hơn trong những ngày đại dịch.
Theo Linh Giang/Vietnamnet