Đúng là duyên số
Chị Phạm Thị Lan (26 tuổi ở Thủ Dầu Một, Bình Dương) rời quê Quảng Bình năm 13 tuổi, đi theo người làng giới thiệu vào làm cho một tiệm may gia công ở Sài Gòn. Vì nhà nghèo, em đông, không được học nên chị sớm biết làm thành thạo việc nhà. Được chủ nhà thương quý nên ngoài lương hằng tháng chị còn được cho thêm tiền để dành, được bao nhiêu chị gửi về quê phụ cha mẹ nuôi em. Làm được khoảng ba năm thì ông chủ bị tai nạn qua đời, vì không quản lý được công việc làm ăn của chồng nên người vợ bán cơ sở rồi về miền Tây. Vốn quý mến nhà chủ nên chị lại theo bà chủ xuôi về Cà Mau để kiếm việc làm. Cũng tại đây, sau hai năm đi làm mướn chị gặp anh Phương (chồng chị bây giờ) rồi nên duyên vợ chồng.
Theo lời chị Lan, nghe con gái lấy chồng miền Tây, ba mẹ chị lo lắng, bởi xưa giờ nghe con trai miền Tây hay nhậu lắm, làm có bao nhiêu nhậu bấy nhiêu, chưa kể là nhậu thiếu ở quán rồi vợ đi làm trả hoặc có người ăn chơi tới mức bán cả chục công ruộng vườn đi nhậu, mặc sức cho vợ con than khóc. Ngược lại với quê chị, đất cằn người đông nên làm được đồng nào lại phải lo để dành phòng thân khi đau bệnh. Hơn nữa, ông bà còn hứa làm xui gia với người ở quê. Ngăn cản mãi không được nên ông bà cũng thuận tình nhưng không hài lòng về chàng rể và ông bà xui thì bằng mặt chẳng bằng lòng. Ngày cưới chị Lan, họ nhà gái chỉ có ba mẹ, chị phải nhờ người quen bên bà chủ cũ năm xưa chị làm công để có người họ hàng cho bớt tủi thân.
|
Chị Lan tâm sự: "... mình cũng xác định là lấy chồng là phải theo chồng dù khổ hay sướng hoặc đi bất cứ nơi đâu". |
Khổ mấy cũng phải chịu
Sau khi cưới, vợ chồng chị Lan được cha mẹ chồng cho năm công ruộng để ra riêng. Được một thời gian thì đúng như cha mẹ chị đã lo, chồng chị lại kết thân với một đám bạn nhậu nên đi uống suốt ngày chẳng thiết tha gì đến chuyện làm ăn.
Lúc đầu chị còn về kêu cứu gia đình bên chồng. Khuyên con mãi không được, trái lại chồng chị còn ngang tàng hơn nên ông bà nói từ con mình. Không chịu làm mà còn nhậu nhiều nên mấy công ruộng của vợ chồng chị cũng sớm hết, bạn bè từ đó cũng thưa dần. Mừng thầm vì hết tiền bạn bỏ nên chị Lan định bụng sẽ khuyên nhủ chồng đi làm rồi dành dụm mua vườn trở lại, ngờ đâu anh lại mắc vào lưới tù hai năm vì tội đánh nhau và để lại một đống nợ. Không dám kể cho cha mẹ ruột, không muốn bỏ chồng lúc tù tội nên chị trở lại tháng ngày làm mướn để chờ chồng mãn hạn tù.
Ngày anh ra tù, đến đón chồng chị mừng đến rơi nước mắt khi thấy chồng quyết tu chí làm ăn. Hai vợ chồng rời bỏ quê nên Cần Thơ đi bán vé số, dắt nhau lên Sài Gòn làm phụ hồ vài năm, kiếm được một số vốn rồi lại ngược về Bình Dương làm ăn. Lúc này đã có ít vốn lại thêm tính chịu khó nên chị nhận may màn sáo cho các xí nghiệp, nhà máy. Nhờ vậy mà cuộc sống hai vợ chồng ngày càng khá dần.
Chị Lan tâm sự: "Bởi vì mình chọn nên khổ mấy cũng phải chịu chứ không dám than nửa lời với bố mẹ. Hồi mới về làm dâu mình làm suốt ngày không hết việc mà thấy người nhà chẳng quan tâm hay nói gì nên tủi thân lắm. Mãi về sau mình mới ngẫm ra tính cách người miền Tây dễ dãi chứ không lo toan như miền Trung, hôm nay làm không xong mai làm tiếp. Nghĩ lại thời cực khổ không có ăn, nợ nần mà khiếp quá, mà mình cũng xác định là lấy chồng là phải theo chồng dù khổ hay sướng hoặc đi bất cứ nơi đâu".
Quỳnh Anh