Con dâu tôi sinh con, hai vợ chồng nó kinh tế chưa dư dật nên tôi đã quyết định lên thành phố trông cháu giúp các con, đỡ phải thuê người. So với ở quê, nhà cửa chật chội, với người già đã là một nỗi khổ. Chưa kể việc tôi để lại ông nhà sống một mình, trong lòng nhiều mối không yên. Tôi xác định, thôi thì cố khắc phục, tất cả vì con vì cháu. Thế nhưng, con dâu tôi lại không hiểu những hy sinh của bố mẹ chồng, đối xử với tôi nhiều điều quá đáng. Ngay trong việc chăm sóc đứa bé, con dâu tỏ thái độ thiếu tin tưởng, bài xích những lời khuyên, kinh nghiệm của tôi.
Cháu cũng thường xuyên có những lời nói khó nghe, như thể tôi là người "ăn nhờ ở đậu" khiến tôi rất tủi thân. Bao lần, tôi định mắng cho con dâu một trận, xả hết uất ức trong lòng, rồi cuốn gói về quê, nhưng nghĩ lại, rồi thiệt thòi con trai, cháu nội mình lại gánh chịu. Tôi không biết mình sẽ chịu đựng được bao lâu nữa. Tôi nên xử trí thế nào đây? - Đỗ Thu Hà (Từ Liêm, Hà Nội).
|
Ảnh minh họa. |
Bác Hà kính mến, suy nghĩ, lối sống giữa hai thế hệ có nhiều khác biệt, đặc biệt trong việc chăm sóc cháu nhỏ có rất nhiều gia đình đã xảy ra xung đột chỉ vì quan điểm "cũ" và "mới" giữa mẹ chồng và nàng dâu. Sự chịu đựng của bác sẽ giống như cơn sóng ngầm, bề ngoài có vẻ như là gìn giữ hòa bình, nhưng thực ra, sự hủy diệt của nó là ngấm ngầm, chỉ là chưa bộc phát mà thôi.
Bác nên góp ý nhẹ nhàng với con dâu, phân tích cho chị ấy hiểu lễ nghĩa trong việc ăn nói với mẹ chồng. Song song với đó, bác cũng cần có cái nhìn khách quan, xem nếu chỗ nào tư tưởng con dâu "tiến bộ", khoa học hơn so với kinh nghiệm của các cụ để lại thì bác nên thừa nhận, để cháu bé được chăm sóc tốt hơn. Bác cũng đừng ngại tâm sự với con trai về nỗi khó xử trong lòng mình, để có gì anh ấy "rút kinh nghiệm" với vợ. Kính chúc bác sức khoẻ.
Tri Giao