Sau khi cưới ít lâu, chị mang ra 2 chiếc hộp bằng gỗ giống hệt nhau. Chị đưa cho anh 1 chiếc và bảo hãy xem chiếc hộp này là ngân hàng có kỳ hạn 1 tháng, ngăn bên trái là ngăn “tiết kiệm niềm vui”, ngăn bên phải là ngăn “trả nợ nỗi buồn”.
Từ nay, mỗi lần vợ hoặc chồng nhận được niềm vui từ “đối phương” mang lại cho mình thì gửi vào trong hộp một ít tiền, sau đó nhớ ghi lại việc vui 2 người cùng trải qua và kẹp bên ngoài số tiền muốn ký gửi rồi đem cất ở ngăn bên trái. Hạnh phúc càng lớn, thì số tiền bên gửi càng nhiều.
|
Ảnh minh họa |
Còn ngăn bên phải thì ngược lại, khi 1 trong 2 người gặp chuyện buồn do “đối phương” đem đến thì sẽ chuyển số tiền từ ngăn niềm vui sang trả nợ. Nỗi buồn càng lớn, thì số niềm vui tích lũy mất đi càng nhiều.
Khác là, họ sẽ không ghi lại cụ thể nỗi buồn, mà chỉ chú thích mức độ của nó bằng các loại giấy nhớ. Giấy nhớ màu đỏ là nỗi buồn có mức độ tổn thương cao, giấy nhớ màu vàng là nỗi buồn thoảng qua bé xíu.
Nếu tháng nào, số tiền tiết kiệm được ở ngăn niềm vui không trả đủ số nợ ở ngăn bên phải, thì có quyền ghi giấy nợ chuyển đến tháng sau. Người nhận được giấy nợ phải làm sao để ngăn niềm vui của “đối phương” ở tháng kế tiếp tăng nên gấp bội, ngăn nỗi buồn thì giảm đi càng nhiều càng tốt.
Những nằm đầu, ngăn niềm vui bao giờ cũng đầy ăm ắp tiền ký gửi, có khi hạnh phúc vụn vặt cũng trở nên đáng giá. Ngày…tháng…, gửi 200k vì anh đã đợi em cùng bước lên cầu thang cuốn trong siêu thị.
Ngày…tháng…, gửi 500k vì em đã mỉm cười thay cho lời nhăn nhó khi anh về muộn. Ngày…tháng…, gửi 250k vì anh đã nhận ra chiếc áo mới của em chỉ sau năm nốt nhạc. Ngày…tháng…, 2 vạch rồi, gửi một nửa số lương của anh, anh yêu em!…
Bấy giờ, ngăn nỗi buồn thường được đánh dấu bằng giấy nhớ màu vàng, dù nhiều khi lỗi lầm to như “quả đất”. Trừ 300k vì anh đã đập vỡ bộ ấm chén mới mua. Trừ 200k vì em đã “quát” anh “không - hề - nhẹ” trước mặt bạn bè của anh…
Họ dễ dàng bao dung và tha thứ cho những sai phạm của nhau chỉ bằng những niềm vui nho nhỏ bù đắp lại. Họ lựa chọn yêu thương thay vì trừng phạt. Xóa nợ 350k vì sáng nay em đã cười với anh một cái, hòa nhé! Xóa nợ 600k vì anh đã cố gắng không phàn nàn tiếng nào khi cùng em đi mua sắm…
Chị thường đổi một niềm vui để trả nợ cho rất nhiều nỗi buồn anh mang tới. Anh lại hay tích lũy thật nhiều hạnh phúc mà cố tình “bỏ sót” những phiếu ghi nợ hàng tháng chị “quên” trả.
Thế nhưng một thời gian lâu sau, họ bắt đầu thay đổi cách “đối xử” với chiếc hộp trò chơi hôn nhân của mình. Họa hoằn lắm họ mới gửi tiết kiệm vào ngăn niềm vui vì bây giờ hạnh phúc là một thứ xa xỉ. Họ không thể cười với nhau ngay sau những cuộc cãi vã.
Họ quên trao nhau những lời tử tế, thay vào đó chỉ cần nói với nhau nhiều hơn nửa câu cũng đủ gây ra một cuộc khẩu chiến. Chị phóng to những lỗi lầm của anh, đến mức ngăn nỗi buồn ngập chìm trong sắc đỏ.
Anh “phá sản” vì những giấy ghi nợ không có khả năng hoàn trả. Cả 2 trở nên khó tính tới mức không dễ dàng xí xóa cho nhau vì niềm vui không đủ, vì lúc nào cũng thấy hạnh phúc nhọc nhằn, khó kiếm. Trong một thời gian dài, ngăn tiết kiệm của họ hoàn toàn đóng băng, không có bất kỳ một hoạt động giao dịch nào diễn ra thêm nữa.
Cho đến một ngày, họ quyết định ly hôn, mà vẫn không hiểu được lý do vì sao cuộc hôn nhân tan vỡ. Chị nhớ tới 2 chiếc hộp, và nghĩ trong đó hẳn có câu trả lời. Họ lựa chọn đọc tất cả những tờ giấy trong ngăn niềm vui trước, coi như tiêm thuốc giảm đau trước khi phẫu thuật.
Những ký ức vui vẻ và hạnh phúc lần lượt hiện về. Khi đọc đến tờ giấy cuối cùng, họ thoáng nhìn nhau cười sau nhiều tháng im lặng.
Theo Thiên Bình/ Phụ nữ Việt Nam