Lọc bớt kiến thức thừa trong chương trình
PGS Văn Như Cương cho rằng, chúng ta vẫn thường nói đến một nền giáo dục toàn diện nghĩa là chú trọng đến cả 4 mặt giáo dục: đức, trí, thể, mỹ. Nhưng hầu như chỉ chú trọng đến "trí" mà thôi. Vì sao vậy? Bởi vì một khi học để đi thi thì cố nhiên "thi gì học nấy, không thi không học". Bởi vậy các môn học "làm người" không được coi trọng, trở thành những môn phụ hoặc rất phụ.
Ngay trong việc học các kiến thức thì chương trình của chúng ta bao gồm những vấn đề viển vông, không gắn với thực tế, học không đi đôi với hành, lí luận không gắn với thực tiễn... Học sinh được đào tạo không nhằm mục đích để làm việc, mà chỉ biết lí thuyết suông.
Vì thế, cần có một cuộc sàng lọc những nội dung không cần thiết, bổ sung những kiến thức hữu ích cần thiết cho cuộc sống. Cần giảm mạnh khối lượng kiến thức văn hóa trong tất cả các môn học: Toán, Lí, Hóa, Sinh, Sử, Địa...
Chỉ giữ lại những gì hết sức cơ bản, cần thiết và phổ thông. Tăng cường một cách thích đáng về thời lượng và chất lượng các môn học làm người: Thái độ và kỹ năng sống, biết giao tiếp và hòa nhập, thân thiện với môi trường, biết lao động và quý trọng lao động, biết rèn luyện và giữ gìn sức khoẻ, biết thưởng thức và cảm thụ nghệ thuật một cách lành mạnh.
|
Cần xác định, học để lấy kiến thức. |
Thay đổi quan niệm về bằng cấp
Theo PGS Văn Như Cương, nền giáo dục chúng ta đang ở trong trạng thái của một nền "giáo dục ứng thí". Mục đích đi học chỉ là để đi thi, đi thi để có một văn bằng, càng cao càng tốt. Nếu chưa có việc thì dùng văn bằng tìm việc, nếu đã có việc rồi thì dùng văn bằng để thăng quan tiến chức. Nguyên nhân là vì xã hội chúng ta hiện nay quá coi trọng bằng cấp. Dường như đã có một "chủ nghĩa bằng cấp" trong việc đánh giá năng lực con người, trong việc thăng quan tiến chức... Vì thế, phải thay đổi cách đánh giá, thay đổi quan niệm xã hội về việc học và vai trò của việc học.
PGS Văn Như Cương cho rằng, hiện nay điều bất cập nhất chính là xu hướng chạy theo bằng cấp của xã hội. Các em không muốn phân luồng đi theo hướng học nghề bởi người ta vẫn chuộng cái bằng tốt nghiệp THPT hơn và lên bậc cao hơn thì lại tham vọng kiếm tấm bằng đại học bằng mọi giá. Đã đến lúc xã hội phải thay đổi cách quan niệm về bằng cấp. Cần phải xác định học để lấy kiến thức để có thể làm việc kiếm sống chứ không nên suy nghĩ là chỉ nhằm lấy tấm bằng. Bên cạnh đó, cũng phải nhận thức được rằng những em đi học nghề sớm hoàn toàn có cơ hội học lên ĐH, CĐ bằng hình thức đào tạo cởi mở như liên thông, từ xa, vừa học vừa làm...
Cấu trúc cấp học nên phân bố lại. Cấp tiểu học và THCS: Chỉ có một chương trình. Cấp THPT được phân thành hai nhánh: Một nhánh tạm gọi là THPT và nhánh kia gọi là TH có dạy nghề. Nhánh THPT đào tạo những học sinh sau khi tốt nghiệp có thể thi vào các trường đại học. Chương trình bao gồm 5 môn học bắt buộc: Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ, Giáo dục Công dân, Giáo dục Thể chất. Ngoài ra là các môn tự chọn: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Ngoại ngữ 2, Ngoại ngữ 3 và các chuyên đề tự chọn. Mỗi học sinh có thể chọn 3 môn tự chọn và một chuyên đề tự chọn. Nhánh trung học có dạy nghề đào tạo học sinh sau khi tốt nghiệp có trình độ THPT và có một nghề. Học sinh có thể ra làm nghề hoặc học liên thông lên cao đẳng nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp.
Cần xây dựng một xã hội học tập, tức là một xã hội trong đó mọi thành viên đều luôn luôn cố gắng học tập để hiểu biết nhiều hơn, để làm việc hiệu quả hơn. Một xã hội như vậy không tôn vinh bằng cấp một cách quá đáng, không lấy bằng cấp để làm thước đo mỗi người, để cất nhắc cán bộ, bằng cấp không nhất thiết phải có trong lời giới thiệu, trong lời kính thưa, kính gửi, kính mời... |
Hà Bình (ghi)