Học sinh hư, nay quỳ trước bục giảng, mai đứng thẳng làm người, cô giáo có gì sai?

Google News

(Kiến Thức) -Với những học sinh phạm lỗi nhiều lần, cá biệt, dù đã được thầy cô “khiển trách trước lớp” mà vẫn tái phạm thì việc áp dụng các hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn là điều cần thiết.

Sự việc cô giáo Lê Thị Quy – Trường THCS Tô Hiệu (huyện Thường Tín, Hà Nội) phạt học sinh quỳ trước bảng lớp đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Một số ý kiến trên các diễn đàn mạng xã hội cho rằng, việc cô giáo bắt học sinh hư quỳ được xem là phương pháp giáo dục được áp dụng từ xưa đến nay để giúp các em vào khuôn phép, thay đổi để học tập tốt. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, phạt học sinh quỳ trước lớp đã không phù hợp với thời điểm hiện tại, thậm chí phản khoa học, phản giáo dục, không đúng với quan điểm giáo dục và phương pháp sư phạm và sai so với các quy định của pháp luật. Hiểu sao cho đúng?
Từ xưa đến nay, bên cạnh việc giảng dạy kiến thức cho học sinh, các thầy cô cũng đảm nhiệm vai trò vô cùng quan trọng khi giáo dục hình thành nên nhân cách con người. Quá trình giảng dạy kiến thức, để hình thành nhân cách con người, bao giờ các thầy cô cũng áp dụng các hình thức thưởng, phạt. Học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập sẽ được tuyên dương, học sinh vi phạm, cá biệt sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Hoc sinh hu, nay quy truoc buc giang, mai dung thang lam nguoi, co giao co gi sai?
Cô giáo bắt nam sinh quỳ trước bục giảng. 
Lật giở lại hàng nghìn năm trước đến nay, nước ta vốn được coi là “quốc gia lễ nghĩa”, coi trọng sự học. Thời phong kiến, từ nhỏ các học trò đã được gia đình gửi gắm đến nhà các thầy đồ để học chữ “thánh hiền”, lễ nghĩa và đạo đức để làm người, đạo cư nhân xử thế ở đời.
Thời đó, nếu học trò nào hư, các thầy đồ cũng áp dụng nhiều hình thức xử phạt như cầm roi vụt, bắt quỳ, trả về cho gia đình. Khi đó, dù bị phạt khi có lỗi, các học trò đều răm rắp chịu phạt, sợ thầy còn hơn cả sợ cha, cung kính khiêm nhường. Bởi vậy, mới có những hình ảnh thầy đồ xưa tay cầm roi mây ngồi giảng dạy được lưu truyền tới tận ngày nay.
Câu nói “thương cho roi cho vọt” cũng xuất phát từ đó để nói về việc dạy dỗ nghiêm khắc nhưng giúp ích nhiều trong nhận thức của học trò.
Hàng nghìn năm qua, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước, phương pháp giáo dục đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, hình phạt với những học sinh hư vẫn thường xuyên được các thầy cô giáo áp dụng dù đã có phần theo nội quy, quy định của nhà trường như bắt chép lại bài, làm bảng kiểm điểm, bắt lau bảng, dọn vệ sinh, đứng góc lớp, thậm chí quỳ trước bảng…
Quay trở lại việc cô giáo Lê Thị Quy – Trường THCS Tô Hiệu (huyện Thường Tín, Hà Nội) bắt học sinh quỳ khi nói chuyện trong lớp. Theo nữ giáo viên, việc phạt nam sinh quỳ trước bục giảng là làm theo yêu cầu của phụ huynh, từng trao đổi rằng con rất hư, bỏ học nhiều buổi.
Rõ ràng, sự việc trên xuất phát từ việc học sinh hư, bỏ học, nói chuyện trong lớp. Với những học sinh hư, việc cô giáo áp dụng hình phạt là cần thiết.
Theo quy định, giáo viên chỉ có thẩm quyền "khiển trách" học sinh hư trước lớp, các hình thức khác phải do nhà trường quyết định.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông đang được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 08/TT, ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, trong 5 hình thức kỷ luật đối với học sinh bao gồm: Khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần lễ và đuổi học một năm, giáo viên chỉ được “khiển trách trước lớp”. Với hình thức này, không đủ tính răn đe, giáo dục với những học sinh hư, cá biệt. Khi quyền hạn của giáo viên bị giới hạn trong việc xử phạt những học sinh cá biệt thì rất khó để có thể thay đổi nhận thức của những học sinh đã nhờn với sự khiển trách trước lớp.
Từ thực tế cuộc sống, khi ở nhà, con cái hư, bố mẹ vẫn thường xuyên áp dụng các hình phạt như bắt đứng góc nhà, thậm chí đánh mắng để mong con cái thay đổi nhận thức thì việc cô giáo phạt học sinh quỳ thiết nghĩ cũng không sao. Bởi không áp dụng hình thức xử phạt sẽ khiến học sinh nhờn giáo viên, khó có thể thay đổi, giáo dục để thành con ngoan, trò giỏi.
Dù biết rằng, không phải thầy cô lúc nào cũng đúng trong việc giảng dạy cũng như việc đưa ra các hình phạt. Những thầy cô yếu kém về kỹ năng xử lý tình huống sư phạm, áp dụng các hình phạt phản giáo dục như bắt học sinh tụt quần trong lớp, liếm ghế, nhúng đầu vào nước bẩn, ăn ớt, súc miệng bằng nước giẻ lau, im lặng 4 tháng khi lên lớp...đáng bị lên án. Thực tế, các học sinh hiện nay cũng cần phải được giáo dục sự phản biện, không phải lời thầy cô là “chân lý duy nhất và luôn đúng”, học trò phải răm rắp nghe và làm theo.
Trong môi trường giáo dục, để có một học sinh ngoan, giỏi, thầy cô phải áp dụng nhiều phương pháp khen thưởng, kỷ luật kịp thời nhưng nếu học sinh quá hư, thường xuyên phạm lỗi dù đã được “khiển trách trước lớp” thì thầy cô cũng phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc hơn. Trong trường hợp ấy, dù học sinh có quỳ nhưng sau này thành người có ích cho xã hội thì với người thầy cô dù có bị lên án, xử lý họ vẫn sẽ làm, chứ không phải cứ thấy học sinh hư là an phận thủ thường, phạt cho có.
Bên cạnh đó, phụ huynh ai cũng thương con nhưng hãy luôn nhớ câu “thương cho roi cho vụt”. Nếu ai cũng thương con kiểu con muốn gì được nấy, con hư nhưng vẫn nuông chiều, khi đi học, con hư bị phạt thì trách móc thầy cô…Thương con kiểu đó khác gì hại con.
Thiên Nga