|
Ảnh minh họa. |
Tôi đã chứng kiến một cháu học sinh lớp bảy đi học về, nhìn thấy bố đợi ở cửa, đã giơ tay chào: “Hello bố”. Người bố chắc hơi ngượng với xung quanh, nên sẵng giọng: “Vào nhà cất sách vở còn ăn cơm!”, “ok yên tâm có ngay” cậu con đáp! Vừa hay lúc ấy, cô con gái mặc chiếc váy ngắn cũn cỡn vừa chạy ra, vừa chào: “Bye bye cụ Khốt con đi picnic đây”...
Một thứ ngôn ngữ “lổn nhổn” tây ta lẫn lộn, làm cha mẹ ai nghe và nhìn cử chỉ ấy mà không buồn nẫu ruột! Xin các vị, suy nghĩ làm gì cho giảm tuổi thọ. Con cháu đang tuổi học đòi các ngôn từ thời đại @, ngăn sao được, lớn lên chúng sẽ tự bỏ thôi.
Nói đi cũng phải nói lại, bản thân các từ ấy không xấu, nó còn đẹp nữa là đằng khác. Nó xấu là tại người lạm dụng biến nó thành lai căng sống sượng, không đúng lúc, đúng chỗ, kèm theo cử chỉ quá trớn nên đã bị kết tội oan uổng.
Dù sao, đấy cũng là trẻ con, trách nhiệm này thuộc về bố mẹ. Giờ ta thử thâm nhập vào mảnh đất của giới văn nghệ sĩ thời showbiz đang được cổ súy xem sao? Ta lại gặp những ngôn từ tây ta cũng khá là lổn nhổn. Nào là “Idol” thần tượng trẻ, nào là “The Voice” giọng hát Việt, nào là hot girl, hot boy cứ loạn xạ, chả hiểu thế nào, nghe mà chướng tai, gai mắt. Nhưng làm gì được, giới văn nghệ sĩ có nhu cầu thế, họ phải làm thế mới câu được những “fan” đang cuồng nhiệt. Âu cũng là cái bệnh giới nghệ sĩ trẻ ngộ nhận có “pha trộn” mới là nghệ thuật “đương đại”.
Chúng ta hoan nghênh sự sáng tạo và vận dụng từ ngoại để thêm phong phú cho tiếng Việt. Nhưng phải là những từ trong sáng, sạch đẹp, dùng đúng lúc, đúng chỗ, hợp văn cảnh. Chúng ta không thể không khe khắt với cách dùng bát nháo, lai căng, lạm dụng tây ta lẫn lộn, làm hỏng đi cái hay, cái tuyệt mĩ vốn có của từ Việt.
Cách dùng từ ngữ không chỉ là nét đẹp văn hóa, mà nó còn có tác dụng giáo dục đạo đức và lối sống của nhân dân ta. Chúng ta nên nhớ nền văn học nghệ thuật của dân tộc ta trải hàng ngàn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm bị đô hộ vẫn giữ được bản sắc Việt. Lẽ nào chúng ta đang được sống trong một nước độc lập lại để bị lai căng, đồng hóa hay sao?
Linh Đạo (206 Quang Trung, Hà Đông Hà Nội)