"Mức phạt nặng nhẹ không bằng sự nhận thức, sám hối"

Google News

(Kiến Thức) -Việc kỷ luật trụ trì chùa Ba Vàng không xét về nặng nhẹ mà ở sự nhận thức của bản thân người trong cuộc. Đôi khi nhận thức đó là sai thì có thể chấp nhận hình phạt nặng hơn và sám hối nhiều hơn nhưng vẫn không nhận thức mình sai thì hình phạt nào cũng không có tác dụng.

Suốt thời gian qua, những thông tin về việc chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) diễn ra hoạt động thỉnh vong, giải oan gia trái chủ, chữa bệnh cho người dân và phật tử có nhu cầu, trong nghi thức có việc gọi vong, nhập hồn, phán số kiếp, buộc phải trả nợ cho vong bằng tiền qua hình thức công đức vào chùa hoặc làm công quả lao động, không đúng với nghi lễ Phật giáo truyền thống xuất hiện dày đặc trên mặt báo và thu hút sự quan tâm của dư luận.
PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh, Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức – Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam xung quanh những thông tin về chùa Ba Vàng.
Ky luat tru tri chua Ba Vang: Muc phat nang nhe khong bang su nhan thuc, sam hoi
Chùa Ba Vàng. 
Hành động từ quan niệm sai lầm
-Vừa qua những thông tin về chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) diễn ra hoạt động thỉnh vong, giải oan gia trái chủ, chữa bệnh cho người dân và phật tử có nhu cầu và có thu tiền qua hình thức công đức và làm công quả khiến dư luận bức xúc. Ông đánh giá sao về sự việc này?
Là một trong những người nghiên cứu về văn hóa truyền thống, tôi nhận thấy khi chùa Ba Vàng để diễn ra hoạt động thỉnh vong, giải oan gia trái chủ, thu tiền...Trụ trì và các Phật tử cũng dựa trên một số quan niệm để họ hoạt động.
Thực chất, trong Phật giáo không liên quan gì đến vong. Nói về mặt lịch sử, những cái về vong, về tâm linh thường thiên về đạo giáo hơn. Thế nhưng trong lịch sử hàng nghìn của đất nước, có thời kỳ giao thoa tam giáo đồng nguyên (từ thời Lý, Trần). Tại những nhà chùa cũng có phần quan tâm đến vong nhưng khi đó người ta giải thích, do nhu cầu của người dân, họ chỉ dùng giáo lý Phật giáo để trợ duyên, giúp cho người dân chứ không phải là một triết lý của Phật giáo. Do vậy, thực tế, có những người khi mất đi, gia đình mang lên chùa cúng, siêu thoát hay gửi cả những hộp tro cốt ở chùa. Về nguyên tắc, Phật giáo giúp cho những người dân bằng cái cách làm phúc.
Ky luat tru tri chua Ba Vang: Muc phat nang nhe khong bang su nhan thuc, sam hoi-Hinh-2
 Hoạt động gọi vong tại chùa Ba Vàng diễn ra nhiều năm qua. Ảnh: Báo Lao động.
Tuy nhiên, chuyện biến nhu cầu của người dân trở thành thứ để thực hành như chùa Ba Vàng làm vừa rồi rất là không ổn. Hiện nay về mặt tâm linh có rất nhiều tranh cãi. Ngay cả trên thế giới, người ta dùng những khoa học rất hiện đại để nghiên cứu về tâm linh. Vấn đề là trong sự tranh cãi và giải thích đó phải có những bằng chứng đưa ra được. Việc gọi vong lên để thỉnh giải oan gia trái chủ thì không chứng minh được. Nếu nhà chùa có thể chứng minh được điều đó, mời các Hội đồng khoa học vào chứng minh việc thỉnh vong có thật như vậy thì mới có được sự thuyết phục.
Tại sao có vong báo oán, lại không có vong báo ân?
- Điều đó có nghĩa, việc thỉnh vong không thuyết phục và sai về mặt giáo lý Phật giáo?
Thực tế, việc thỉnh vong không thuyết phục về mặt khoa học và sai về mặt giáo lý Phật giáo. Mặc dù Phật giáo phát triển hàng nghìn năm nay, rất nhiều tông phải, việc tu tập, nghiên cứu, thực hành khác nhau nhưng hoàn toàn không có chuyện thỉnh vong như ở chùa Ba Vàng.
Tại sao các nhà sư, Phật tử chùa Ba Vàng giải thích với người dân lúc nào cũng là oan gia trái chủ báo oán. Nếu thực tế chuyện đó xảy ra thì tại sao không có chuyện báo ân. Trong cuộc đời một con người có cái tốt, cái xấu, cũng có cái ân, cái oán khác nhau, giả định có vong kiếp trước tại sao người ta không báo ân, người ta gửi tiền qua chùa để chùa phát lại cho những người đi thỉnh vong. Tại sao tất cả những người lên chùa thỉnh vong cũng đều oan trái cả. Phải theo sự giải thích đó mới thấy, vấn đề rất là sai từ sự nghiên cứu phát triển lý thuyết mà nhà chùa đưa ra cho đến việc thực hành.
Ky luat tru tri chua Ba Vang: Muc phat nang nhe khong bang su nhan thuc, sam hoi-Hinh-3
Trụ trì chùa Ba Vàng - Đại đức Thích Trúc Thái Minh.
- Dư luận có ý kiến cho rằng, việc thu tiền cúng dường dù dưới danh nghĩa nào cũng là cái sai nghiêm trọng, ông nghĩ sao về việc này?
- Việc thu tiền cúng dường là một cái sai vô cùng nghiêm trọng dù đã được biến hóa như tiền công đức, tự nguyện. Thu tiền rất nhiều, chúng ta không thể nhầm lẫn việc thu tiền và sử dụng tiền được. Anh có thể sử dụng tiền với mục đích xây chùa, đúc chuông làm cho chùa to đẹp ra... nhưng thu tiền của những người rất là đau khổ, người nghèo, người bệnh tật, người mà khi gặp khó khăn trong cuộc sống người ta mới đến thì hoạt động này phải xem xét lại từ khía cạnh tôn giáo cho đến khía cạnh pháp luật.
Mặc dù người ta tự nguyện cúng, tự nguyện đưa như vậy nhưng nếu không có sự dẫn giải, không chịu sự thiết chế hay tại chùa Ba Vàng không thực hành việc đó thì người ta không làm việc cúng tiền như vậy. Khi có một nơi thực hành việc đó và thực hiện việc tuyên truyền từ người này sang người khác từ các kênh trực tiếp, trên mạng xã hội facebook, youtube... dẫn đến rất nhiều người đã đến chùa Ba Vàng để thỉnh vong, giải oan gia trái chủ.
Thực tế những người đi thỉnh vong, về mặt kinh tế họ là những người mất tiền. Tuy nhiên, những cái mà họ thu được như họ nói thì phải có sự kiểm chứng bằng khoa học chứ không phải là bằng nhận thức suy nghĩ như vậy được.
Ky luat tru tri chua Ba Vang: Muc phat nang nhe khong bang su nhan thuc, sam hoi-Hinh-4
TS. Đặng Vũ Cảnh Linh phát biểu tại một cuộc hội thảo.
          
Làm sao để thức tỉnh những u mê?
- Hiện nay, đã có một lượng người rất lớn tin vào thỉnh vong, giải oan gia trái chủ do họ tiếp nhận thông tin từ chùa Ba Vàng và có thể từ nhiều kênh khác, nơi khác. Làm sao để tuyên truyền cho người dân hiểu bản chất của những việc như vậy để đổi thay trong nhận thức?
- Trong một xã hội văn minh thì tất cả phải bằng sự đối thoại. Kể cả tôn giáo ở các nước đều có những nhà khoa học giỏi, chúng ta phải tăng cường sự đối thoại một cách rất công bằng. Đại đức Thích Trúc Thái Minh có giải thích tại buổi tuyên truyền trực tiếp như vậy, những vấn đề đó cần tranh luận và đưa ra một cách công khai từ trong Giáo hội cho đến các nhà khoa học. Ví dụ như những câu chuyện trong điển tích Phật giáo, Đại đức Thích Trúc Thái Minh có dẫn ra thì những câu chuyện đó chỉ là câu chuyện từ sách vở mà không ai nhìn thấy. Vậy câu chuyện vong có hay không? Phải chứng minh bằng khoa học để tất cả người dân được biết. Không thể bằng niềm tin mang tính chất của các Phật tử hay tín đồ đó được.
Để tuyên truyền cho người dân hiểu, phải làm rõ được đúng hay sai ở trong câu chuyện thỉnh vong từ nguyên lý đến thực hành. Và cần phải có sự đối thoại giữa các nhóm xã hội với nhau. Bản thân các nhóm Phật tử phải đối thoại với nhau. Những câu chuyện người này kể người kia thì người khác cũng phải phản biện để tìm ra một chân lý. Trong giáo hội khi chùa Ba Vàng nói như vậy thì các chùa khác cũng phải xem xét. Giữa cái Phật giáo và khoa học cũng phải như vậy mới có thể trả lời được. Nếu chúng ta không có cơ quan nào để làm trọng tài trả lời rõ cái gì đúng, cái gì sai thì sẽ rất khó. Bởi có những người bằng niềm tin của mình, họ cứ tin như vậy dù giải thích kiểu gì cũng không thể giải thích được. Trừ khi đã được đối thoại được đưa ra ánh sáng tất cả những câu chuyện này.
Sự tự sám hối quan trọng hơn mức xử phạt nặng hay nhẹ
- Trước những gì đã xảy ra tại chùa Ba Vàng, Thường trực Hội đồng Trị sự khu vực phía Bắc đề xuất Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN ngay lập tức ra quyết định tạm đình chỉ tất cả các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Đại đức Thích Trúc Thái Minh phải sám hối Đại Tăng. Dù mức độ kỷ luật hay nhẹ nhưng dư luận cho rằng, điều quan trọng nhất là sự tự sám hối của thầy Minh?
- Theo quan niệm của cá nhân tôi dù hình thức xử phạt thế nào, quan trọng nhất là người trong cuộc nhận thức như thế nào. Ở đây là trường hợp Đại đức Thích Trúc Thái Minh – Trụ trì chùa Ba Vàng. Chính nhà sư phải nhìn nhận lại con đường mình đi có đúng hay không. Ví dụ, con đường dùng một phương pháp nào đó để phát triển kinh tế của chùa, mở rộng tầm ảnh hưởng, cách làm như vậy có đúng hay không? Hay như câu chuyện thỉnh vong cũng có rất nhiều tầng tầng, lớp lớp không phải chỉ một mình thầy trụ trì. Cũng có thể, mới đầu không như vậy nhưng sau đó với sự phát triển dẫn đến trở thành một mạng lưới rộng lớn thì phải xem xét lại việc mình kiểm soát như vậy đúng hay sai trong toàn bộ quá trình đó.
Việc sám hối phải chính tự tâm mình và những người tu tập, họ rất hiểu câu chuyện đó mình đúng hay sai. Nếu chùa Ba Vàng hiểu đúng được các vấn đề khi đối thoại, đưa ra ánh sáng những chuyện đúng sai rõ ràng và sám hối một cách tích cực thì đó là một may mắn. Vì không phải chỉ có chùa Ba Vàng, biết đâu còn có nhiều chùa khác vẫn còn có sự tiêu cực như thế?
Giáo lý Phật giáo rất là đẹp, hàng nghìn năm nay, Phật giáo đồng hành với dân tộc Việt Nam, đóng góp cho sự xây dựng đất nước, một vài hình ảnh như vậy có thể làm hỏng đạo Phật của Việt Nam. Do vậy, xử phạt không xét về nặng nhẹ mà ở sự nhận thức của bản thân người trong cuộc. Đôi khi nhận thức đó là sai thì có thể chấp nhận hình phạt nặng hơn và sám hối nhiều hơn nhưng vẫn không nhận thức mình sai thì hình phạt nào cũng không có tác dụng.
Ky luat tru tri chua Ba Vang: Muc phat nang nhe khong bang su nhan thuc, sam hoi-Hinh-5
 Quan trọng nhất là sự sám hối của những người trong cuộc.
- Trong suốt thời gian diễn ra sự việc chùa Ba Vàng, cộng đồng mạng, dư luận xã hội khi tiếp nhận thông tin có không ít người bình luận với ngôn ngữ nặng nề. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi có theo dõi diễn biến sự việc chùa Ba Vàng và có theo dõi cả trên mạng xã hội cũng như nhiều kênh khác và bản thân tôi cho rằng, cộng đồng mạng, dư luận xã hội cũng nên bình tĩnh lại. Khi tất cả mọi việc phải được đưa ra bằng ánh sáng, khoa học thì mọi người nên kiềm chế, không nên chửi bới quá đà, dùng ngôn ngữ quá nặng nề. Sự chửi bởi này rất ảnh hưởng đến Phật giáo Việt Nam điều đó là không nên. Dù thực tế có câu chuyện tiêu cực xảy ra như vậy nhưng chúng ta có pháp luật, có giáo hội để chứng minh, chấn chỉnh, xử lý điều đó. Nếu chúng ta mất bình tĩnh, dùng lời lẽ nặng nề ngay các nhà sư khác họ sẽ rất đau lòng chứ không sung sướng gì những chuyện như vậy!
Xin cảm ơn ông Đặng Vũ Cảnh Linh về cuộc trò chuyện này!
Hải Ninh (Thực hiện)