NHNN cho biết quá trình xử lý nợ của ngân hàng gặp khó khăn do việc giãn cách xã hội, dẫn tới nguy cơ nợ xấu tín dụng đối với một số ngành tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trong đó tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông đang phải đối mặt với khả năng nợ xấu tiếp tục tăng lên
Từ báo cáo gửi Quốc hội phục vụ quá trình thẩm tra tình hình, kinh tế xã hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết quá trình thẩm định, giải ngân tín dụng, xử lý nợ của ngân hàng gặp khó khăn do việc giãn cách xã hội tại một số địa phương. Báo cáo cho biết hầu hết nhà đầu tư có năng lực tài chính hạn chế, khó có khả năng hỗ trợ dự án khi có biến động trái chiều. Đồng thời, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa cũng giảm mạnh do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, đặc biệt là việc giãn cách xã hội trong đợt dịch thứ 4.
Bên cạnh đó, nhiều dự án sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu. Ba nguyên nhân chính bao gồm: chính sách thu phí không ổn định (giảm phí theo chỉ đạo của Chính phủ, chưa được tăng phí theo lộ trình theo hợp đồng dự án...); mất an ninh, trật tự tại trạm thu phí dẫn đến nhiều dự án chưa được thu phí hoặc phải dừng thu phí; lưu lượng xe giảm do xuất hiện các tuyến đường song hành.
|
Nợ xấu từ các dự án BOT, BT giao thông có nguy cơ leo thang Ảnh minh họa |
Theo NHNN, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ, thiếu vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, trình độ quản trị doanh nghiệp hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu thiếu chính xác, thiếu tài sản bảo đảm.
Báo cáo cho biết các doanh nghiệp chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ. Các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ thời gian qua cũng chưa đạt được như kỳ vọng.
Cũng tại báo cáo, NHNN cho biết ngành xây dựng đang phải đối mặt với sự "chững" lại của thị trường bất động sản từ năm 2019 và dịch COVID-19 năm 2020.
Năm 2021, giá nguyên vật liệu đặc biệt là giá thép tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; giải ngân đầu tư công chậm. Trong khi đó, các dự án có nhu cầu vốn lớn, dài hạn trong khi vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn.
Đối với hoạt động tín dụng ngành thương mại, dịch vụ, NHNN cho biết các doanh nghiệp trong ngành như vận tải, dịch vụ lưu trú ăn uống, du lịch, ... gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh gây áp lực cho ngành ngân hàng như nguy cơ nợ xấu tăng.
Tính đến tháng 7, dư nợ tín dụng đối với hoạt động thương mại ghi nhận tăng 8,71% so với cuối năm 2020, lên gần 2,3 triệu tỷ đồng. Đối với chương trình tín dụng hỗ trợ nhà ở theo Nghị định 100 của Chính phủ, NHNN cho biết các NHTM được chỉ định chưa cho vay.
Theo đó, Ngân sách Nhà nước (NSNN) chưa bố trí nguồn vốn cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong giai đoạn 2016-2020. Tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cũng chưa cân đối bố trí nguồn vốn cấp bù chênh lệch lãi suất cho TCTD được chỉ định để cho vay theo Nghị định 100.
Mai Lê (T/H)