Như báo Tri thức và Cuộc sống đã thông tin ở bài viết trước, chỉ sau một trận lụt hồi tháng 5/2022, kè đê hữu sông Cầu đoạn qua thôn Ngô Đạo (Tân Hưng, Sóc Sơn, Hà Nội) đã bị xuống cấp, sụt lún, nứt vỡ nghiêm trọng.
Sự việc không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của hàng chục hộ dân ven sông, mà còn đe dọa trực tiếp đến an toàn đê bao thôn Ngô Đạo, trước mùa mưa lũ cận kề.
Được biết, bờ kè này thuộc công trình xử lý cấp bách năm 2019 nhằm đảm bảo an toàn cho dân cư quanh tuyến đê bao Ngô Đạo. Công trình do Ban quản lý và duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn Hà Nội thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Phương, có trụ sở tại xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội, đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Thức.
Công trình khởi công cuối năm 2019, hoàn thành vào tháng 8/2020, có 14 hộ dân đã ký cam kết xin hiến đất làm kè.
|
Đoạn mặt kè đê đã được bóc lên nham nhở |
Khẩn trương khắc phục sự cố?
Có mặt tại Ngô Đạo ngày 27/7/2022, chỗ đoạn kè dài cả trăm mét trước sụt hẳn xuống, nghiêng sang 1 bên đã được bên thi công bóc dỡ. Lớp đá kè đê cũng được lật ra nham nhở.
Tại điểm sụt lún chỗ nhà ông Trương Văn Phụng, PV đo thủ công, điểm sụt ước lượng cỡ 40cm.
“2 hôm trước không biết vì sao mà người ta về kiểm tra nhiều lắm, mấy xe ô tô cơ, cả thành phố lẫn trên huyện. Trước dân chúng tôi có kêu nhưng không thấy gì, mà cũng chỉ biết kêu lên trưởng thôn, lên xã chứ biết kêu ai. Giờ nhà có có trôi cũng phải chịu, đất thì đã hiến cho nhà nước, có kè cũng như không”, anh Trương Văn Du, con trai ông Phụng thở dài.
Ông Trương Văn Phụng kể lại, ngay sau thời điểm PV báo Tri thức và Cuộc sống có mặt và ghi nhận sự việc, đơn vị thi công đã có mặt và bóc hết những chỗ sụt lún. Tuy nhiên, phía trên cách nhà ông chừng vài chục mét, cũng có đoạn tương tự như vậy, nghiêng hẳn sang 1 bên, vẫn chưa thấy triển khai khắc phục.
|
Một đoạn chỗ kè đê hữu sông Cầu sụt lún Ảnh chụp ngày 27/7/2022 |
Hỏi tiếp những người dân có mặt tại khu vực kè đê hư hỏng, sạt lở, tất cả đều mong muốn sự việc được nhanh chóng giải quyết, để họ có thể yên ổn trước mùa mưa lũ cận kề.
Liên quan đến câu chuyện, ngày 26/7/2022, Hạt Quản lý đê Sóc Sơn đã có văn bản gửi UBND xã Tân Hưng, do Hạt trưởng Nguyễn Văn Bảo ký, về việc nghiêm cấm xây dựng, chất tải vật liệu trên khu vực kè xóm 11 thôn Ngô Đạo tương ứng K22+500 đê Hữu Cầu huyện Sóc Sơn.
|
Văn bản số 09/BC-QLĐSS ngày 26/7/2022 |
Văn bản này đề nghị UBND xã Tân Hưng có biện pháp xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm xây dựng, cải tạo công trình phụ, nhà xưởng, chất tải vật liệu trên khu vực đỉnh kè theo quy định của Luật đê điều, phối hợp với Hạt quản lý đê Sóc Sơn và các đơn vị có liên quan để quản lý, theo dõi, báo cáo kịp thời các diễn biễn hư hỏng của kè nếu có phát sinh.
Dân tố đơn vị thi công sử dụng đất thải?
Hỏi về nguyên nhân, những người dân khu vực xóm Kè cho biết họ không hiểu gì về chuyên môn, tất cả đều phải chờ kết luận của cơ quan chức năng.
Một vài người từng đi làm xây dựng ở các nơi có ý kiến lo ngại, cho rằng nếu bên đơn vị thi công nếu có bóc lên và sau này xây lại bờ mặt kè như hiện tại, đó cũng chỉ là biện pháp khắc phục tạm thời, không phải là gốc rễ của vấn đề. Chỉ sợ nếu làm như vậy, mùa mưa lũ sắp tới hay những năm sau nữa, việc hỏng hóc lại có thể tiếp tục diễn ra.
Tuy nhiên, laị có người khẳng định, sự cố kè này là do đơn vị thi công sử dụng đất thải.
|
Ông Đỗ Văn Thê khẳng định việc hỏng hóc kè đê là do đơn vị thi công sử dụng đất thải |
Chỉ vào đoạn bờ mặt kè đang bị vỡ từng mảnh, ông Đỗ Văn Thê kể lại, không hề có đất nền chuẩn ở dưới, thay vào đó toàn là đất thải. Thời điểm 2 năm trước lúc làm kè, đơn vị thi công nạo vét đất thải bờ sông lên, ko có chỗ đổ, mới rải ra bên bờ kè một đoạn dài cỡ 100m, bảo là gửi tạm, sẽ bốc đi, rồi sau ko chuyển mà cứ thế xây đè lên. Những điểm hỏng hóc sụt lún chính là những chỗ mà 2 năm trước bên thi công đã đổ thải.
Ông Thê ôm đầu: “Đợt lũ tháng 5 vừa rồi, nước to, bùn nhão, mặt kè cứ thế lún xuống, nước luồn vào, rồi trở nên như hiện tại. Đấy là vì chúng tôi thiếu hiểu biết, cứ để cho bên thi công làm, hiện tại tôi cũng không biết họ ở đâu nữa”.
|
Vết sụt lún chỗ nhà ông Trương Văn Phụng đã lên tới 40cm |
Trong khi đó, anh Trương Văn Du (con trai ông Trương Văn Phụng, ngôi nhà bị vết nứt ngay giữa sân/PV) chán nản: “Nhà chúng tôi bị lấp đất nhiều nhất”.
Theo anh Du, đất bờ sông nhà mình trước khi hiến làm kè vốn ấm ướt, phong hóa vì đã trông ngô, trồng khoai lâu năm. Hôm làm kè, công nhân móc lên rồi cứ thế xin đắp vào mặt đê, đắp cả vào diện tích nhà.
Vốn chỉ quanh năm chài lưới, không hiểu gì về xây dựng, lại nghĩ đỡ mất công mua thêm mấy xe đất đổ vào làm nền, nên anh Du cùng gia đình cứ để im cho bên thi công làm. Sau đó yên tâm lát gạch vào cái sân giữa nhà đã được lèn bằng phẳng. Ai ngờ mới 1 trận lũ, nền đã tụt hẳn xuống, nứt nẻ, giờ hối hận cũng đã muộn.
Cũng trong ngày 25/7/2022, làm việc với báo Tri Thức và Cuộc sống, ông Nguyễn Văn Thức, đại diện đơn vị thi công vẫn khẳng định, họ hoàn toàn làm đúng quy trình, thiết kế.
Liên quan đến câu chuyện, nhằm làm rõ nguyên nhân trực tiếp gây nên sự cố nghiêm trọng này, cũng như các biện pháp khắc phục triệt để, nhóm PV đã đặt lịch làm việc với Sở NN&PTNT Hà Nội mong tìm câu trả lời. Nội dung cụ thể sẽ được chuyển tiếp tới độc giả trong những bài viết tiếp theo.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
Nhóm PV