Hội đồng quản trị của Tasco thông qua chương trình tái cấu trúc lớn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của Tasco, với tầm nhìn xây dựng Tasco thành một Tập đoàn đầu tư, phát triển dịch vụ & hạ tầng giao thông số 1 tại Việt Nam. Chiến lược phát triển của Công ty trong 5 năm tới đây được dựa trên hệ sinh thái chi tiêu cho đầu tư lớn nhất Việt Nam mà Công ty xác định là “Nền Tảng Cuộc Sống”. Công ty thực hiện tăng vốn để sở hữu SVC Holdings, đầu tư vào Tasco Land và Công ty bảo hiểm của Tasco, nhằm hiện thực hóa mô hình chiến lược dài hạn “FOUNDATION OF LIFE” (Nền tảng cuộc sống), hệ sinh thái phục vụ chi tiêu đầu tư. Hệ sinh thái Nền Tảng Cuộc Sống – Foundation of Life phục vụ phần lớn nhu cầu chi tiêu cho đầu tư của người Việt Nam
Trước đó, từ khi ông Vũ Đình Độ lên giữ chức Chủ tịch HĐQT vào tháng 10 năm ngoái, Tasco đã chủ trương tái cấu trúc và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, vốn góp tại 7 công ty con/công ty liên kết thuộc lĩnh vực không trọng yếu với giá trị thoái vốn tối thiểu khoảng 600 tỷ đồng.
Ông Vũ Đình Độ sinh năm 1982, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng: Chủ tịch HĐQT tại CTCP Nhựa Đồng Nai (mã DNP), CTCP Tân Phú Việt Nam, CTCP Đầu tư ngành nước DNP, CTCP Thủy Điện Nậm La…. Ông từng làm kiểm toán cho KPMG Việt Nam, KPMG Singapore, là trưởng phòng, Giám đốc khối và Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Ngân hàng Đầu tư tại nhiều tổ chức tài chính lớn.
Năm 2012, khi các cổ đông thời kỳ đầu của DNP bắt đầu thoái vốn, bán cổ phần, ông Vũ Đình Độ đã nắm bắt cơ hội và được bầu vào HĐQT. Đến năm 2014, ông Độ giữ chức Tổng giám đốc của công ty này và một năm sau, ông chính thức trở thành chủ tịch HĐQT DNP.
Cổ phiếu “lặng gió “trước kế hoạch tăng vốn khủng
Từng “làm mưa, làm gió” trên thị trường 3 tháng đầu năm, cổ phiếu HUT của “trùm BOT” Tasco có thời điểm đã leo lên đạt đỉnh 51.300 đồng/cổ phiếu ngày 21/3, ghi nhận mức tăng 2,5 lần sau đúng 2 tháng. Tuy nhiên, cổ phiếu này đã “lật mặt” phũ phàng ngay tại đỉnh và liên tục giảm sốc như chính cách đi lên dựng đứng trước đó.
|
Tasco được mệnh danh là trùm BOT Ảnh tư liệu |
Sau tròn 1 tháng đổ đèo từ đỉnh, HUT rơi xuống dưới 25.000 đồng/cổ phiếu và gần như đánh mất toàn bộ thành quả tăng giá trước đó. Cổ phiếu này sau đó đã hồi nhẹ lên vùng 30.000 đồng/cổ phiếu nhưng lại đang có dấu hiệu quay đầu tiếp tục dò đáy.
Nhịp hồi ngắn ngủi của cổ phiếu HUT diễn ra ngay trước thềm Đại hội cổ đông thường niên 2022 với nhiều nội dung quan trọng được thông qua. Trong đó, đáng chú ý là kế hoạch tăng vốn lên trên 10.000 tỷ đồng.
Cụ thể, Tasco sẽ phát hành cho cổ đông hiện hữu tối đa 116,2 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng một cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện quyền mua là 3:1. Với 1.162 tỷ đồng dự kiến thu được từ đợt phát hành này, Tasco sẽ góp 550 tỷ đồng vào công ty TNHH Tasco Land, 612 tỷ còn lại để góp vốn vào công ty bảo hiểm.
Bên cạnh đó, Tasco cũng dự kiến phát hành thêm 543,8 triệu cổ phần để hoán đổi với 21 nhà đầu tư của SVC Holdings (tỷ lệ 1:1). Thời gian hạn chế chuyển nhượng là 1 năm. Sau thương vụ M&A trên, Tasco sẽ trở thành chủ sở hữu duy nhất sở hữu 100% vốn điều lệ của SVC Holdings.
SVC Holdings hiện đang là cổ đông lớn nhất, chiếm 53,68% cổ phần của CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico – mã SVC). Ngoài mảng phân phối 10 hãng ô tô phổ thông của Savico, SVC Holdings còn sở hữu các công ty phân phối ô tô Volvo. Đây cũng là chủ sở hữu Savico Hà Nội - chủ đầu tư của dự án Trung tâm Savico Megamall 4,6 hecta tại số 7-9 Nguyễn Văn Linh.
Mục tiêu tăng trưởng liệu có mang tính tham khảo?
Với kế hoạch tăng vốn khủng, đương nhiên Tasco cũng phải “vẽ” ra một viễn cảnh đủ hấp dẫn cổ đông cũng như nhà đầu tư. Trong 3 năm tới, Tasco đặt kế hoạch doanh thu tăng đột trưởng đột biến từ 11.400 tỷ đồng năm 2022 lên 48.600 tỷ đồng vào năm 2024 và lợi nhuận cũng theo đó tăng từ 250 tỷ đồng lên 1.350 tỷ đồng trong giai đoạn này.
Nếu hợp nhất Savico, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2022 của Tasco không khó để đạt được. Tuy nhiên, tăng trưởng đột biến trong giai đoạn 3 năm 2022-2024 lại không hề đơn giản bởi thực tế Tasco mới chỉ có lãi trở lại trong 2 quý gần đây sau 6 quý thua lỗ liên tiếp trước đó.
Trong quý 1/2022, Tasco ghi nhận doanh thu thuần gần 240 tỷ đồng, chỉ nhích nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hoạt động thu phí vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, với gần 180 tỷ đồng. Nhờ doanh thu tài chính tăng đột biến lên 126 tỷ đồng chủ yếu đến từ lãi thoái vốn, chuyển nhượng đầu tư, Tasco lãi ròng 88,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ hơn 24,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, Savico đã trải qua 3 năm liên tiếp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm. Từ mức đỉnh cao 300 tỷ đồng đạt được vào năm 2018, lợi nhuận của doanh nghiệp này đã liên tục giảm và chỉ đạt 211 tỷ vào năm ngoái. Doanh thu cũng liên tục sụt giảm trong 2 năm gần nhất từ mức kỷ lục 18.200 tỷ đồng năm 2019 xuống 14.200 tỷ đồng năm 2021.
Với kết quả đạt được những năm qua, liệu có dễ thuyết phục nhà đầu tư về tính khả thi của kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng mà Ban lãnh đạo Tasco vẽ ra? Vì thế, không bất ngờ khi cổ phiếu này bị bán tháo mạnh gần đây bởi lo ngại rủi ro.
|
Hệ sinh thái DNP-Tasco Ảnh CafeF |
Ma trận sở hữu của hệ sinh thái "DNP-Tasco"
Bên cạnh những nhóm ngành thay nhau nổi sóng do biến động của giá cả hàng hóa hay kỳ vọng của nhà đầu tư, những ngày trung tuần tháng Ba này đã có một nhóm cổ phiếu mới "họ DNP" thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.
Nhóm cổ phiếu trên chính là nhóm cổ phiếu liên quan đến một số lãnh đạo chủ chốt của CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP), trong đó có ông Vũ Đình Độ, chủ tịch DNP. Bên cạnh DNP còn các cổ phiếu khác được nhận định là ở trong nhóm này là Tasco (HUT), CTCP Du lịch bất động sản Ninh Vân Bay (VC9), CTCP Xây dựng số 9 (VC9), CTCP Dịch Vụ Tổng Hợp Sài Gòn – Savico (SVC) và CTCP Đầu tư và Phát triển Y tế Việt Nhật (JVC).
Nếu như DNP, JVC hay VC9 chỉ mới trần cứng từ đầu tuần thì HUT đã có đà tăng giá từ nửa năm qua, tăng phi mã từ dưới 10.000 đồng lên quanh 45.000 đồng như hiện nay.
Mặc dù có nhiều mối liên quan đến nhau nhưng sự liên kết giữa các công ty như DNP, Tasco, Savico hay JVC chủ yếu thông qua các cá nhân.
Tân chủ tịch Tasco Hồ Việt Hà là phó chủ tịch DNP Water, ngoài ra còn là chủ tịch của Ninh Vân Bay (NVT). Một lãnh đạo của nhiều công ty trong mảng nước của DNP là ông Nguyễn Danh Hiếu cũng tham gia vào HĐQT của Tasco.
|
Chủ tịch HĐQT Tasco Vũ Đình Độ Ảnh tư liệu |
Với cơ cấu sở hữu cũng như có tên tuổi và quy mô tài sản lớn, Tasco dường như đang được định hình thành công ty holding đóng vai trò sở hữu nhiều công ty trong nhóm.
Mới đây, Tasco vừa thông qua kế hoạch tăng vốn để hoán đổi 100% phần vốn góp tại SVC Holdings – công ty sở hữu 54,1% cổ phần của Savico, 100% cổ phần của CTCP Savico Hà Nội, 80% cổ phần CTCP Ô tô Bắc Âu (Volvo Việt Nam). Tasco cũng đang có kế hoạch nắm giữ cổ phần của Ninh Vân Bay.
Như vậy có thể thấy khi hợp nhất SVC Holdings, Tasco sẽ là một tập đoàn đa ngành trải rộng trên nhiều lĩnh vực như hạ tầng giao thông, bất động sản – du lịch, kinh doanh ô tô…
Đối với DNP mặc dù có rất nhiều mối liên quan nhưng hiện không rõ liệu có kế hoạch được hợp nhất với Tasco để hình thành nên hệ sinh thái thống nhất hay không.
Trong những năm qua DNP đã miệt mài đầu tư vào hàng chục công ty cấp thoát nước lớn nhỏ ở các địa phương cũng như thực hiện thâu tóm CMC Tile (CVT) – một đơn vị lớn trong lĩnh vực gạch ốp lát.
Liên quan đến phía DNP còn có một số cái tên khác như CTCP Đầu tư và Phát triển Y tế Việt Nhật (JVC) – công ty do vợ của chủ tịch DNP Vũ Đình Độ làm chủ tịch hay VC9.
Bên cạnh những nhân vật chủ chốt trong liên minh DNP – Tasco như chủ tịch DNP Vũ Đình Độ hay chủ tịch Tasco Hồ Việt Hà, Phùng Quang Việt, Phạm Thành Thái Lĩnh còn có một người đáng chú ý khác là Chủ tịch HĐQT Chứng khoán DNSE Nguyễn Hoàng Giang, người hiện giữ vị trí thành viên HĐQT của Ninh Vân Bay và Savico.
Lê Mai (Tổng hợp)