Vì sao có quan niệm: “Cửa địa ngục phóng thích trong tháng 7 âm lịch”?

Google News

(Kiến Thức) - Theo quan niệm dân gian của người Việt, tháng 7 âm lịch còn được gọi là tháng cô hồn. Trong tháng này, cửa địa ngục sẽ mở ra, giải phóng cho ma quỷ có thể tự do trở về dương gian để tìm đồ ăn. Vậy, đâu là nguồn gốc sâu xa của quan niệm này?

Trong văn hóa dân gian của người Việt và một số nước đều có quan niệm tương đồng về tháng 7 âm lịch, khi cho rằng, đây chính là thời điểm cửa địa ngục được phóng thích, vì vậy, tháng này được coi là tháng của ma quỷ. Và ngày “xá tội vong nhân” trong dịp Rằm tháng 7 là tên gọi vô cùng phổ biến trong quan niệm thờ cúng của người dân. Ngày 15/7 Âm lịch cũng được coi là ngày “âm khí xung thiên”.
Vi sao co quan niem: “Cua dia nguc phong thich trong thang 7 am lich?”
 Theo quan niệm dân gian, cửa địa ngục sẽ được mở ra để phóng thích các linh hồn trong tháng 7 âm lịch. Ảnh minh họa. Nguồn: Lichngaytot.vn. 
Trong ngày này, người trần thường cúng cháo, gạo, muối kèm các vật phẩm tiền vàng, quần áo… để quỷ đói không quấy nhiễu, làm hại tới mình. Tuy nhiên với nhiều người, việc cúng các cô hồn vất vưởng chốn dương gian trong tháng 7 âm lịch ngoài mục đích để chúng khỏi quấy phá, mà còn vì muốn làm phúc, giúp các linh hồn khi trở về cõi dương được bữa no nê, đỡ tủi thân tủi phận. Đó cũng là ý nghĩa nhân vân hết sức cao đẹp liên quan tới quan niệm “xá tội vong nhân”, dẫu rằng khi sống con người ta có gây nên lỗi lầm tội ác gì thì trong quá trình phải chịu hình phạt, quả báo, cũng được ngày xá tội cho bớt khổ cực, tủi thân…
Riêng bàn về sự tích xá tội vong nhân, mở cửa địa ngục phóng thích linh hồn trong tháng 7 âm lịch, trong quan niệm của Phật giáo tồn tại hai câu chuyện.
Một câu chuyện hết sức phổ biến được lưu truyền bấy lâu nay đó là, ngày trước, quỷ thường hay quấy phá làm hại người, khiến con người không thể yên ổn làm ăn. Vì quá khổ sở, con người bèn kêu lên Phật. Đức Phật thấu tỏ nỗi thống khổ của con người, nên giúp trục quỷ, đày chúng xuống địa ngục. Nhưng vì lượng cả từ bi, Đức Phật lại cho phép chúng trở lại dương gian mỗi năm một lần vào dịp Rằm tháng 7.
Chính vì điều đó, nên hàng năm, cứ vào ngày này, mọi người lại kiêng ra đường, đặc biệt là vào buổi tối, sợ ma quỷ bắt bóng vía. Điều kiêng kỵ này được áp dụng với tất cả, nhưng ưu tiên hàng đầu là những trẻ nhỏ hay người yếu bóng vía. Bên cạnh đó là hoạt động cúng bái, sắm sanh thực phẩm, lễ vật, tiền vàng, quần áo để cúng chúng sinh, mong cho quỷ đói khỏi quấy phá chốn dương gian. Ở một số nơi, người ta còn rắc vôi bột, treo tỏi trước nhà để trừ tà đuổi quỷ…
Vi sao co quan niem: “Cua dia nguc phong thich trong thang 7 am lich?”-Hinh-2
 Vào tháng 7 âm lịch, nhiều gia đình làm lễ cúng cô hồn với mong muốn quỷ đói được bữa no nê và không còn quấy nhiễu cuộc sống của con người. Ảnh: Lao động. 
Một chuyện khác kể rằng, một đại đệ tử của Phật là đức A Nan Đà một buổi tối đang ngồi trong tịnh thì thấy một con ngạ quỷ người gầy quắt, cổ dài, miệng nhả ra lửa bước vào, nói rằng 3 ngày nữa A Nan Đà sẽ chết và cũng trở thành quỷ miệng lửa (diệm khẩu) như nó. Quỷ nói: “Nếu muốn tránh thì ông phải bố thí cho lũ ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc đồ ăn, và cúng dường Tam bảo giúp chúng tôi, để chúng tôi được tái sinh vào cõi trên thì ông cũng được tăng thọ”.
Tôn giả A Nan Đà đem chuyện này nói với đức Phật. Phật bèn làm một bài chú tên là “Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ đà la ni”, đem tụng trong lễ cúng tam bảo để cầu siêu thoát cho quỷ đói miệng lửa. Về sau, dân gian hiểu rộng ra thành lệ cúng và cầu phúc cho vong nhân nói chung, nhất là những cô hồn không có thân nhân cúng tế, phải vật vờ không nơi nương tựa. Lễ cúng vốn mang tên “phóng diệm khẩu”, tức thả quỷ miệng lửa, dần dần thành xá tội vong nhân – tha tội cho mọi người đã chết.
Còn theo quan niệm của Đạo giáo, bắt đầu từ ngày mùng 2 tháng 7 âm lịch, Diêm Vương sẽ ra lệnh mở Quỷ môn quan, khiến ma quỷ được trở về cõi trần gian, cho tới ngày Rằm tháng 7, tất cả linh hồn âm gian sẽ phải trở về, cửa địa ngục vì thế cũng đóng lại.
Còn theo quan niệm dân gian của người Việt, việc kiêng kỵ đề phòng ma quỷ không chỉ trong ngày Rằm mà dường như bắt đầu ngay từ ngày mùng 1 tháng 7 âm lịch và kéo dài tới suốt nửa đầu tháng. Chính vì vậy, tại nhiều địa phương, các nhà tiến hành việc cúng lễ trước ngày Rằm tháng 7 khá lâu, chứ không phải tới Rằm mới cúng. Việc cúng lễ này ngoài cúng chúng sinh, cô hồn còn có lễ cúng ông bà tổ tiên nhà mình.
Cũng bởi xuất phát từ những quan niệm về ngày mở cửa địa ngục, mà trong quan niệm dân gian của người Việt luôn tồn tại yếu tố kiêng kỵ trong những ngày tháng 7 âm này. Nhiều người kiêng làm các việc trọng đại, như động thổ xây nhà, tậu nhà, cưới hỏi, cho tới các việc nhỏ nhặt như không đi chơi xa, không sắm sanh áo quần, không phơi đồ qua đêm, thậm chí kiêng cắt tóc trước Rằm… Tuy nhiên, theo lý giải của các chuyên gia, việc kiêng kỵ này chỉ mang yếu tố vùng miền, chứ không có cơ sở khoa học, vì vậy, chớ nên kiêng kỵ thái quá mà ảnh hưởng tới sinh hoạt và nhịp sống hàng ngày, thậm chí trở thành mê tín dị đoan lạc hậu.
Thùy Liên (tổng hợp)