Vụ Hợp đồng đặt cọc bị giả mạo: Người đặt cọc nói gì?

Google News

Phóng viên đã liên lạc với ông Đô, người đã đặt cọc 11 tỷ đồng mua nhà, đất của bà Mỹ. Nhưng chữ ký, dấu vân tay trên hợp đồng đặt cọc này không phải của bà Mỹ. Ông Đô nói gì về việc này?

Như báo Tri thức và Cuộc sống đã thông tin, bà Nguyễn Thị Mỹ (SN 1990) là chủ sở hữu của bất động sản (nhà đất) tại 1051/4C Hậu Giang, phường 11, quận 6, TP HCM).
Trong 2 năm 2019 và 2022, bà Mỹ 2 lần ký hợp đồng vay vốn tại Vietcombank Tân Bình, sử dụng tài sản trên làm tài sản thế chấp, với dư nợ tín dụng là 13.517.240.000 đồng.
Khi tài sản đang thế chấp tại Vietcombank Tân Bình, ngày 13/9/2023, bà Mỹ bất ngờ phát hiện vào ngày 22/11/2021, Công chứng viên Nguyễn Hồ Phương Nhân của Phòng Công chứng số 7 đã ký chứng nhận Hợp đồng đặt cọc số công chứng 13704, quyển số 11/2021 TP/CC-SCC/HĐGD.
Theo Hợp đồng đặt cọc có số công chứng 13704, bên đặt cọc là ông Nguyễn Hoàng Lam Đô (Bên A) (sinh năm 1992, CCCD số 079.092.002.241, cư trú 135/17/11 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM) đặt cọc cho bà Mỹ số tiền 11 tỷ đồng, để mua tài sản trên của bà Mỹ với số tiền 25 tỷ đồng. Việc ký hợp đồng chuyển nhượng chậm nhất là ngày 31/12/2021.
Bất ngờ với hợp đồng đặt cọc này, bà Mỹ liền làm đơn tố cáo đến Cơ quan CSĐT Công an Quận 6. Cơ quan này sau đó xác định, chữ ký, dấu vân tay trên hợp đồng đặt cọc không phải của bà Mỹ. Tức bà Mỹ bị giả mạo chữ ký, dấu vân trong hợp đồng đặt cọc đó.
Hiện vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an Quận 6 điều tra, làm rõ.
Vu Hop dong dat coc bi gia mao: Nguoi dat coc noi gi?
 Bà Nguyễn Thị Mỹ.
Ông Nguyễn Hoàng Lam Đô nói gì?
Sau nhiều nỗ lực, ngày 27/6, phóng viên đã tìm ra được số điện thoại của ông Nguyễn Hoàng Lam Đô. Tuy nhiên, khi gọi đến, ông Đô nói rằng mình đang học. Cuộc trò chuyện sau đó chuyển sang hình thức nhắn tin.
Khi được phóng viên đề nghị trao đổi một số thông tin, ông Đô nói rằng “cái đó để cơ quan cảnh sát điều tra giải quyết đi anh”, “em sẽ tham khảo luật sư và phản hồi với anh sau”.
Hai nội dung mà phóng viên cần trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Lam Đô là: “(1). Hợp đồng đặt cọc đó là do em lập và mang đến Phòng Công chứng số 7 để chứng nhận, hay được lập tại Phòng Công chứng số 7?
(2). Nếu được lập tại Phòng Công chứng số 7, thì khi em ký, lăn tay vào đã thấy có chữ ký, dấu vân tay chỗ người nhận đặt cọc là bà Mỹ hay chưa?”.
Sau đó, ông Đô phản hồi: “Về vấn đề anh cần trao đổi thì em xin phép sẽ cung cấp thông tin chính thức khi làm việc với cơ quan điều tra”.
Ông Nguyễn Hoàng Lam Đô biết người ký hợp đồng đặt cọc không phải là bà Mỹ?
Mặc dù ông Nguyễn Hoàng Lam Đô từ chối trả lời hai nhóm nội dung trên của phóng viên, tuy nhiên, qua tin nhắn trao đổi, ông Đô đã tiết lộ một sự việc: Trước khi ký hợp đồng đặt cọc tại Phòng Công chứng số 7, ông Đô đã từng gặp và biết mặt bà Mỹ, trong dịp thôi nôi con của bà Mỹ và ông Cường.
Như vậy, lời tiết lộ này của ông Đô cho thấy, nếu ông Đô có mặt tại Phòng Công chứng số 7 ký hợp đồng đặt cọc thì ông Đô không thể không biết người ký vào hợp đồng bên phía người nhận đặt cọc không phải bà Mỹ.
Quan trọng hơn, ông Đô đã đưa 11 tỷ đồng đặt cọc này cho ai, bởi người đó chắc chắn không phải là bà Mỹ? Cũng từ thông tin ông Đô trao đổi với phóng viên, cho thấy giữa ông Đô và ông Cường có mối quan hệ quen biết.
Về nhân vật có tên là “Cường” mà ông Đô nhắc tới có tên đầy đủ là Phan Hùng Cường. Ông Cường chính là người đã đến Vietcombank Tân Bình xuất trình bản photocopy giấy ủy quyền và được ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó Giám đốc Vietcombank Tân Bình ký phát hành văn bản 1233//TB-TBN-KHBL ngày 19/10/2021 gửi Phòng/Văn phòng Công chứng đồng ý cho bà Mỹ tiến hành các thủ tục ký hợp đồng đặt cọc mua bán tài sản.
Văn bản 1233 có nội dung: “Theo đề nghị của bà Nguyễn Thị Mỹ, ngân hàng chúng tôi đồng ý cho ông/bà được tiến hành các thủ tục ký hợp đồng đặt cọc mua bán tài sản trên”.
Tuy nhiên, bà Mỹ khẳng định không hề có bất kỳ đề nghị nào như trên. Khi trả lời báo chí, ông Nguyễn Tuấn Sơn, Giám đốc Vietcombank Tân Bình, lại nói “việc này thực hiện theo đề nghị của ông Phan Hùng Cường”.
Theo tài liệu bà Mỹ cung cấp cho báo, khi trả lời bà Mỹ, ông Sơn xác nhận, Vietcombank Tân Bình nhận giấy ủy quyền do ông Phan Hùng Cường xuất trình là bản photocopy. Câu hỏi đặt ra là Vietcombank Tân Bình căn cứ vào quy định pháp luật nào để phát hành văn bản đồng ý cho đặt cọc mua bán dựa trên giấy ủy quyền là bản photocopy? Hơn nữa, giấy ủy quyền này đã được hủy trước đó khoảng 1 năm.
Cũng xin được thông tin thêm: Trong vụ hợp đồng đặt cọc giả, Công an quận 6 đã trưng cầu giám định chữ ký, vân tay và đã được xác định là giả, không phải của bà Mỹ. Vậy người giả bà Mỹ là ai, cần được các cơ quan chức năng thụ lý làm rõ?
Ngoài ra, trong tin nhắn của ông Đô gửi phóng viên báo Tri thức và Cuộc sống, còn nhắc đến một nhân vật nữa, tuy nhiên, do chưa kết nối được với người này để trao đổi điều ông Đô gợi ý, nên chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi tìm hiểu cụ thể, rõ ràng vấn đề.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
Xuân Thọ