Theo cách hiểu giản đơn thì hằng ngày người già ăn uống chẳng đáng bao nhiêu, cuộc sống ngày nay cũng không còn chật vật về kinh tế. Tuy nhiên, bị “bỏ đói” lại là nỗi sợ của nhiều người già, nhất là những người không có lương hưu, không có bảo hiểm y tế, sức khoẻ sa sút, trong khi lại không nhận được sự quan tâm từ con cháu.
“Đói” vật chất lẫn tinh thần
Khi được hỏi về nỗi sợ hãi lớn nhất của người già, cụ Phan Thị Sửu và cụ ông là Vũ Văn Tình ở Đông Anh, Hà Nội, đều cho biết: "Điều sợ nhất là... chết đói". Cụ Sửu kể, từ lúc còn trẻ, cụ đã được dạy rằng phải cố gắng sinh con trai để sau này có người nuôi dưỡng lúc về già, vì thế cụ đẻ "sòn sòn" sáu người con (hai gái, bốn trai). Mặc dù có đến bốn con trai, nhưng giờ hai cụ không nhờ được gì nhiều vì đứa thì làm ăn ở xa, đứa ở gần thì cuộc sống cũng quá khó khăn nên không giúp đỡ gì được cho hai cụ.
Chui ra chui vào trong căn nhà đã xuống cấp, cụ Sửu kể, ở tuổi này, ăn chả đáng là bao nhiêu, nhưng giờ các cụ đều đã yếu lại không có lương hưu, không có bảo hiểm xã hội, ngừng làm việc là ngừng có cái để ăn. Hơn nữa, cuộc sống ngoài việc ăn uống, các cụ còn có những mối quan hệ làng xã, ma chay cưới hỏi, rồi ốm đau bệnh tật, biết bao nhiêu thứ phải lo vì thế cái cảm giác "chết đói" lúc nào cũng cận kề. Hiện hai cụ vẫn trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà, việc bán mớ rau, quả trứng, cũng giúp các cụ có đồng ra đồng vào, không phải ngửa tay xin con cái.
"Người già lòng tự ái cao nên thấy con cái cãi cọ phân chia trách nhiệm nuôi bố mẹ, chúng tôi rất buồn. Giờ còn chút sức tàn còn làm được việc, sau này nằm một chỗ không biết thế nào", cụ Sửu buồn bã.
ThS Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng mềm cho biết: Trong xã hội hiện đại, những người già có chung hoàn cảnh sống, chung nỗi lo như cụ Sửu, cụ Tình không phải hiếm. Đặc biệt, sự đói ở đây không đơn thuần là đói về mặt vật chất, mà còn là sự đói về mặt tinh thần. Không ít người già thực sự đã bị "bỏ đói" bởi con cái của mình. Ở nhiều nơi, việc con cái phân chia theo kiểu "anh là trưởng thì phải nuôi bố mẹ", hay "mỗi đứa nuôi vài tháng" là chuyện không hề xa lạ.
|
Ảnh minh họa. |
Không ngồi chờ sự hiếu thảo
Theo ThS Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng mềm, với đa số người già khi tiền không làm ra, phải sống phụ thuộc, lại đã từng sống qua thời đói khổ, thời bao cấp, nên ám ảnh về "cái đói" vẫn đeo đẳng vì thế lúc nào cũng lo ki cóp, cất giấu tiền bạc, thức ăn, tiết kiệm thái quá... Rõ ràng việc các cụ tiết kiệm, lo xa, sợ bị đói khổ đều có lý do của nó.
Ở nước ta, các chính sách, chế độ chăm sóc người già còn nhiều vấn đề. Hiện nay, ngoài một số lượng không lớn người già có lương hưu, phần đông người già, nhất là ở nông thôn, không có bảo hiểm, không có lương hưu. Già cả, không làm được việc, lại ốm đau bệnh tật nên phải phụ thuộc vào con cái. Cụ nào may mắn, con cái hiếu thảo và khá giả thì không phải lo.
Nhiều cụ, không may mắn bởi con cái thờ ơ, hoặc bản thân con cái có "lòng" nhưng cuộc sống cũng không dư giả để có thể lo được cho bố mẹ. Vì thế, nhiều cụ khi về già phải sống trong cảnh túng thiếu là điều dễ hiểu.
Đặt mình vào vị trí của cha mẹ già là lời khuyên mà ThS Đinh Đoàn, Công ty TNHH Tư vấn tâm lý, Đào tạo phát triển Cá nhân và Cộng đồng dành cho những người làm con làm cháu. Dù cuộc sống bận rộn đến đâu, khó khăn đến đâu cũng hãy cố gắng dành sự quan tâm cho cha mẹ già. Hãy nghĩ rồi mình cũng sẽ già và đừng quên rằng mình đối xử với cha mẹ già thế nào, con cái sẽ noi gương, đối xử với chúng ta như thế về sau.
Một lời khuyên dành cho các cụ là không nên trao hết tài sản, đem đất đai nhà cửa giao cho con cái rồi ngồi chờ sự hiếu thảo. Trước hết, các cụ hãy làm chủ cuộc sống của mình, khi thấy dấu hiệu của bệnh tật, hãy nói chuyện nghiêm túc với con cái để tìm được những hướng giải quyết hợp lý.
Thực tế cũng không thiếu những cụ dù cuộc sống với con cháu còn nhiều khó khăn, cả gia đình có khi ăn bữa nay lo bữa mai, nhưng tinh thần thì không bao giờ đói, bởi niềm hạnh phúc mà con cháu mang lại. Người làm con dù cuộc sống không đủ đầy, vẫn nên cố gắng dành sự quan tâm, chăm sóc tới cha mẹ trong điều kiện có thể.
ThS Trần Mạnh Hoàng
Đức Anh