Về già, cơ thể lão hóa cũng là lúc bệnh tật "xồng xộc" đến. Tuy nhiên, có một số người già không muốn đến bệnh viện khám vì sợ tốn kém, phát hiện thêm bệnh hoặc ngại làm khổ con cháu trông nom...
Dũng cảm đối mặt
Anh Nguyễn Văn Giang (Kiều Mai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) kể, qua tuổi 70 bố anh bắt đầu gặp nhiều bệnh. Biết mình tuổi già, sức yếu nên cụ rất chăm bồi bổ thuốc men, thậm chí còn "nghiện" uống thuốc, tuy nhiên, nói đến đi viện thì lại sợ. Thấy cụ hay bị cảm, sụt cân, anh đề nghị đưa cụ đi khám sức khoẻ thì liền bị từ chối thẳng thừng với lý do "toàn bệnh nhì nhằng, khám gì cho thêm mệt".
Thời gian vừa qua, bố anh bị đau sưng các khớp, bắt buộc phải đi viện, bác sĩ bảo phải nằm ít nhất chục ngày để theo dõi, nhưng vừa nằm được bốn ngày bố anh đã nhất quyết đòi về với lý do "bệnh tuổi già, có chữa cũng không thể khỏi" và ở đây thì tốn kém, con cháu cũng khổ vì phải chăm nom.
Bà Trần Thị Hà (KTT Vĩnh Hồ, Thái Thịnh, Hà Nội) cũng chia sẻ tâm lý ngại đi viện của người già. Bà kể mình có bệnh về huyết áp, nhưng không muốn đi khám bởi bà ngại làm phiền đến con cháu và nghĩ đi khám bệnh có khi lại phát hiện ra thêm bệnh gì, tự dưng mua thêm lo nghĩ vào người. "Đang khoẻ thế này, chỉ có mỗi tăng huyết áp giờ đi khám mà phát hiện bệnh nan y thì có phải là mua lo vào người không.
Hơn nữa, mình thì già rồi, bệnh có chữa khỏi được thì lại có bệnh khác, đi khám chỉ tốn tiền. Con cái lại đều bận rộn nên tôi cũng ngại nhờ con đưa đi khám", bà Hà kể. Tuy nhiên, hôm vừa rồi bà bỗng tăng huyết áp, méo miệng, con cái vội vã đưa đi viện cấp cứu. Ở bệnh viện bà và con cái bị bác sĩ "mắng" cho một trận bởi nếu được thăm khám thường xuyên thì bệnh đã không "đổ" nặng như thế.
BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên của Bộ Y tế cho biết, người già "né" khám bệnh là bởi tâm lý ngại làm phiền các con, sợ mất thời gian của con cháu. Ngoài ra, người già "sợ" bệnh viện còn bởi tâm lý già rồi, chữa trị làm gì cho tốn kém và có khi đến bệnh viện lại phát hiện thêm bệnh...
Cũng là người già và thông cảm với cách nghĩ của người già, tuy nhiên BS Hoàng Xuân Đại cho rằng, tâm lý này cần được thay đổi bởi nó ảnh hưởng tới chính sức khoẻ của người già. Con người cũng giống như cỗ máy, hoạt động nhiều thì hỏng hóc. Vậy hỏng chỗ nào thì phải chữa chỗ ấy, chữa sớm thì còn kịp, chữa muộn thì bệnh nặng hơn, khó kiểm soát hơn, lúc ấy vừa hại sức khoẻ vừa tốn kém hơn, "làm phiền" con cháu hơn.
|
Việc thăm khám thường xuyên và phát hiện bệnh sớm rất quan trọng, đặc biệt với người cao tuổi. |
Và đừng ngại chia sẻ
Theo BS Hoàng Xuân Đại, việc thăm khám thường xuyên và phát hiện bệnh sớm là rất quan trọng, đặc biệt với người cao tuổi. Vì thế, khi thấy cơ thể có dấu hiệu "lạ", người già cần bình tĩnh, vượt qua nỗi sợ hãi bệnh tật và dũng cảm đối mặt với bệnh tật. Cùng với đó, người già đừng ngại chia sẻ về tình trạng bệnh tật với con cái. Hãy tâm sự, chia sẻ với người thân để đưa ra được kế hoạch chữa bệnh sớm nhất, tốt nhất.
ThS Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng mềm cho biết, người xưa có câu "Trẻ cậy cha, già cậy con", vì thế, khi bố mẹ già yếu, bệnh tật “xồng xộc” đến thì con cái cần phải là người chủ động quan tâm, để ý đến những thay đổi của bố mẹ để có những ứng phó kịp thời. Khi thấy cha mẹ già có những biểu hiện như sụt cân, ít ngủ, kém ăn... cần đưa cha mẹ đi khám thay vì nghĩ đấy là những chứng bệnh thông thường của người già.
Bởi khi về già, cơ thể bị lão hóa, sức chống chọi với bệnh tật cũng kém đi, có khi chỉ một chứng bệnh nhẹ cũng có thể gây ra những biến chứng nặng. Ngoài ra, con cái nên chủ động đưa cha mẹ già đi khám định kỳ để phát hiện bệnh sớm. Đặc biệt, cần khuyên và tránh để cha mẹ tự ý dùng thuốc tại nhà mà không được thăm khám khi có bệnh.
Khi cha mẹ bước vào tuổi già, con cái hãy lập kế hoạch sẵn sàng để ứng phó khi bố mẹ lâm bệnh. Khi cha mẹ bị bệnh, hãy nhanh chóng đưa bố mẹ đến các cơ sở y tế để điều trị. Cùng với đó, con cái cần lắng nghe những khó khăn của cha mẹ già để an ủi, hỗ trợ kịp thời.
ThS Trần Mạnh Hoàng
Đức Anh