Tai biến mạch máu não ít nhiều có thể làm ảnh hưởng tới tới cuộc sống và sinh hoạt của các bệnh nhân. Tuy nhiên, để tránh những di chứng, bệnh nhân cần áp dụng các biện pháp tập, vận động sớm. Một trong những động tác hữu hiệu là tập thở.
|
Ảnh minh họa. |
Bệnh nhân có thể thở bụng hoặc thở ngực. Tập thở tốt giúp tăng lưu thông khí, giảm ùn tắc đờm rãi, phòng được xẹp phổi và viêm phổi, giúp các cơ hô hấp hoạt động tốt. Bệnh nhân liệt nửa người các cơ hô hấp ở người bên liệt cũng bị liệt, do đó hô hấp của bệnh nhân bị giảm. Tập thở là bắt buộc của bệnh nhân dự phòng các biến chứng đường hô hấp, là các biến chứng hay gặp của bệnh nhân sau tai biến.
Thở bụng: Đây là phương pháp thở hiệu quả nhất, vì diện tích cơ hoành khoảng 250cm2, khi cơ hoành di động lên hoặc xuống 1cm đã làm thay đổi thể tích phổi được 250cm3. Bệnh nhân nằm ngửa, người hướng dẫn đặt bàn tay lên bụng bệnh nhân và bảo thở chậm, sâu. Khi hít vào cơ hoành di chuyển xuống, bụng phình lên, khi thở ra cơ hoành nâng lên, bụng xẹp xuống.
Sau vài lần quen, bệnh nhân tự tập. Chú ý động tác hít vào chậm sâu, nhịn thở vài giây rồi thở ra cố, nhịn thở vài giây rồi lại hít vào cố. Một phút chỉ thở 10 - 15 lần. Người bình thường thở 18 - 20 lần trong phút.
Thở ngực: Bệnh nhân nằm ngửa, người hướng dẫn đặt bàn tay lên ngực bệnh nhân, phía trên xương ức, bảo bệnh nhân thở chậm, sâu. Khi hít vào lồng ngực căng lên, cơ hoành không cử động, thành bụng giữ yên không phồng lên. Khi thở ra lồng ngực xẹp xuống, thành bụng không xẹp.
Sau vài lần bệnh nhân quen thì tự làm. Cũng giống như thở bụng, động tác hít vào chậm sâu, nhịn thở vài giây rồi thở ra cố, nhịn thở vài giây rồi lại hít vào cố. Một phút chỉ thở 10 - 15 lần. Mỗi ngày tập thở ít nhất 2 lần ít nhất 30 phút.
PGS.TS Hà Hoàng Kiệm (Chủ nhiệm Bộ môn Phục hồi Chức năng, Bệnh viện 103)