Bà lão 70 tuổi nuôi con, cháu mắc di chứng da cam

Google News

(Kiến Thức) - Đến cuối cuộc đời, bà Phạm Thị Cậy (SN 1949) thôn Hạ, Phù Lưu, Ứng Hòa, Hà Nội vẫn lặn lội từng ngày nuôi con, cháu mắc di chứng chất độc da cam.

Gặp bà Cậy trong căn nhà nhỏ, chúng tôi không cầm được lòng mình khi thấy dáng người bà nhỏ thó đang cặm cụi vừa chăm sóc đứa cháu nội tật nguyền vừa nấu bữa cơm trưa.

Nhiều năm qua, bà Cậy một mình chăm sóc con, cháu khờ dại.

Qua giọng nói khàn khàn, bà Cậy kể lại những nỗi buồn tủi chất chứa bao năm qua: Năm 1970, bà Cậy kết hôn với ông Dư Văn Tèo (SN 1945). Năm 1971, con trai Dư Văn Quý (1971) chào đời trong niềm hân hoan của gia đình họ tộc. Lúc bé anh Quý cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, thế nhưng càng lớn thì tính tình càng khác lạ. Vợ chồng bà bảo gì, nói gì thì anh Quý đều ngơ ngác, không hiểu được. Hai vợ chồng bà đưa anh đi khám bệnh thì bác sĩ kết luận anh bị mang di chứng chất độc da cam từ người bố nên bị thiểu năng. Nỗi buồn nhân lên khi năm 1980 ông Tèo mãi mãi ra đi vì bạo bệnh.

“Ngày ấy, khi ông nhà tôi mất vì bạo bệnh tôi rất suy sụp và lo lắng vì một mình thì làm sao chèo chống chăm sóc được đứa con thần kinh. Có người bảo nên đưa nó vào trại tâm thần nhưng với trách nhiệm của người mẹ, tôi luôn tâm niệm dù có thế nào thì cũng phải chăm sóc nó cho đến hơi thở cuối cùng”, bà Cậy ngậm ngùi nói.

Đến năm 1998, qua nhiều người giới thiệu, anh Quý kết hôn với người phụ nữ cùng xã và năm 2000 sinh hạ được cháu Dư Văn Quỳnh.

Thế nhưng cháu Dư Văn Quỳnh lại cũng bị ảnh hưởng di chứng chất độc màu da cam từ đời trước nên bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ. Năm Quỳnh 1 tuổi thì mẹ cháu bỏ đi, từ đó cháu sống trong sự đùm bọc của bà nội. 

 Bà Cậy trăn trở không biết sau này khi bà mất đi thì ai sẽ chăm sóc cho con trai và đứa cháu điên dại của mình.

Từ khi sinh ra, cháu Quỳnh chỉ biết “ú ớ”, luôn nhìn mọi người xung quanh bằng đôi mắt ngây dại, vô hồn. Hiện nay, khi đã 13 tuổi, cháu cũng chỉ nói được mấy tiếng “bà, bố, đau”. Vì thiếu sữa mẹ từ nhỏ, lại ăn bữa đói bữa no nên thể trạng cháu ốm yếu, gầy còm.

“Số tôi đã khổ rồi, không nói làm gì chú à, tôi chỉ mong cháu Quỳnh nó được ăn no, đủ mặc, khỏe mạnh nói năng như bao đứa trẻ khác là tôi mừng lắm rồi. Nhưng mong ước đó sao mà khó quá chú ơi!”, bà Cậy nói.

Do không nhận thức được những điều xung quanh, những khi ở nhà chỉ có 2 bố con, Quỳnh lại dò dẫm đi ra ngoài. Và không biết bao nhiêu lần bà Cậy phải chứng kiến những vụ tai nạn xảy ra với đứa cháu ngờ nghệch.

Bà Cậy chia sẻ: “Hai lần nó bị xe máy đâm phải. Ngoài ra tôi còn không nhớ nổi số lần nó bị chết đuối hụt, đi lang thang mỗi khi không có tôi ở nhà ”.

Tháng 3/2010, những bước đi vô hồn của cháu Quỳnh đã đưa bé đến trạm biến thế xã rồi bị chập điện gây bỏng nặng toàn thân. Cấp cứu trong Viện Bỏng Quốc gia với tình trạng “thập tử nhất sinh”, cháu rơi vào tình trạng hôn mê kéo dài. 

 Cháu Dư Văn Quỳnh chằng chịt sẹo trên người sau lần bị bỏng chập điện.

Trong thời gian cháu nhập viện, bà Cậy chắt chiu từng đồng tiền lẻ, dành hết tình thương yêu cho đứa cháu chỉ mong nó không phải chịu sự đau đớn của bệnh tật. Việc ăn uống của anh Quý, bà Cậy đành nhờ vào sự giúp đỡ của hàng xóm láng giềng.

Sau 3 tháng ròng tại Viện Bỏng Quốc gia, số tiền chữa trị của cháu Quỳnh lên tới 90 triệu đồng. Số tiền đó bà Cậy vay hoàn toàn ngân hàng chính sách.

Qua nhiều năm vất vả, nay tuổi già bà Cậy lại mắc bệnh sỏi mật. Số tiền hỗ trợ hàng tháng của 2 bố con cháu Quỳnh là 550.000 đồng vừa phải chi phí thuốc thang cho 3 người vừa lo miếng ăn hàng ngày.

Bà Cậy băn khoăn: “Bây giờ, ông trời vẫn cho tôi sức khỏe đủ để tôi có thể cố làm lụng, vay mượn chạy chữa cho bố con nó. Nhưng tôi không biết mình sống được bao lâu nữa…”

Ông Trần Văn Đệ, Trưởng thôn Hạ cho biết: “Hoàn cảnh gia đình bà Phạm Thị Cậy tội nghiệp lắm, ở cái tuổi “gần đất xa trời” mang trong mình trọng bệnh mà một mình bà vẫn phải chèo chống chăm sóc cho con và cháu điên dại. Năm 2010, bà Cậy có vay ngân hàng chính sách 90 triệu đồng để chữa trị cho cháu nhưng tới nay vẫn chưa có khả năng trả nợ. Mong sao qua đây các nhà hảo tâm, các đoàn thể quan tâm, chia sẻ để gia đình bà Cậy qua cơn bĩ cực”.


Trần Toản