Câu chuyện về hoàn cảnh của anh Bùi Văn Quỵnh (SN 1983, xóm Vố, Kim Bôi, Hòa Bình) bị mù cả 2 mắt, vợ con lần lượt bỏ đi để mặc anh sống một mình trong ngôi nhà cấp 4 tềnh toàng, không ai chăm sóc khiến bà con trong thôn Vố ai nấy cũng đều xót thương.
Một chàng trai chăm chỉ được nhiều cô gái yêu quý
Sinh ra trong gia đình nhà nông nghèo, là con thứ 6 trong số 7 anh chị em, ngay từ nhỏ Bùi Văn Quỵnh luôn ý thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, anh không bao giờ ham chơi, đua đòi hay tranh giành bất cứ thứ gì với anh, chị, em với bạn bè. Ngược lại, Quỵnh sống chan hòa, biết kính trên nhường dưới, chăm chỉ lao động để giúp đỡ bố, mẹ.
Học hết cấp 1, thấy gia đình không có đủ tiền cho mình đi học, bản thân lúc đó cũng biết được cái chữ rồi nên Quỵnh đã nghỉ học, ở nhà đi làm thuê.
|
Anh Quỵnh đang sống một mình trong ngôi nhà cấp 4 tềnh toàng. |
“Ngày xưa chú Quỵnh chăm chỉ lắm, chú ấy sống rất biết điều với bố mẹ, với anh chị em trong nhà. Còn đối với bà con hàng xóm trong thôn, chú ấy không gây mâu thuẫn với bất kỳ ai cả, dường như đều được mọi người khen ngợi.
Cũng bởi tính nết chú Quỵnh hiền lành mà nhiều cô gái tuổi 18 đôi mươi trong thôn rất quý, nhưng có lẽ thấy gia đình mình hoàn cảnh quá, nên chú ấy không giám thổ lộ và đón nhận tình cảm của bất kỳ ai…”, ông Bùi Văn Lung (anh trai cả của anh Bùi Văn Quỵnh) chia sẻ.
Một lần sang nhà bạn ở làng bên chơi Quỵnh đã phải lòng chị Bùi Thị Am (SN 1983, Kim Tiến, Kim Bôi, Hòa Bình), sau một thời gian qua lại tìm hiểu, cả hai nhận thấy nhiều điểm tương đồng ở nhau, rồi họ quyết định đi đến hôn nhân (năm 2000). Ngày lễ vu quy của đôi vợ chồng trẻ diễn ra chỉ vẻn vẹn với 2 mâm cơm, gọi là để anh chị em họ hàng biết mặt cô dâu.
Niềm vui chưa được bao lâu thì… tai họa ập đến
Sau khi cưới vợ, Quỵnh xin bố mẹ tách khẩu ra riêng, và nhờ anh, chị, em giúp đỡ, Quỵnh nhanh chóng dựng được ngôi nhà cấp 4 tạm bợ để hai vợ chồng có chỗ “che mưa, che nắng”.
Năm 2002, niềm vui của đôi vợ chồng trẻ được nhân lên khi họ chào đón một thành viên mới – cháu Bùi Văn Hiểu. Có thêm một thành viên mới, đồng nghĩa với việc gia đình anh sẽ phải thêm một miệng ăn, dù là vậy nhưng anh Quỵnh tự nhủ: “Không để vợ con phải nhịn đói, dù chỉ 1 bữa”.
Ngày ngày, anh Quỵnh lao động chăm chỉ hơn, hễ thấy trong thôn ai cần người làm thuê (không kể ngày hay đêm, bất cứ việc gì miễn sao kiếm ra được đồng tiền chính đáng với công sức…) anh lại cấp tốc đi xin và bắt tay vào làm ngay.
|
Đôi mắt của anh Quỵnh vĩnh viễn không còn nhìn thấy mặt trời. |
Đến năm 2003, tai họa bỗng nhiên ập đến, trong một lần đi khai thác thác đá thuê anh Quỵnh đã bị mìn nổ trúng người khiến khuôn mặt bị biến dạng , đôi mắt vĩnh viễn không còn nhìn thấy mặt trời nữa, bàn tay phải chỉ còn lại 3 ngón.
Chàng mù bị vợ, con bỏ lại sống một mình
Thấy chồng bị mù, không còn khả năng lao động nhiều lần chị Am lấy cớ giận dỗi anh Quỵnh, với ý định bỏ chồng để “giải thoát” cho cuộc đời mình. Tuy mắt không nhìn thấy, nhưng trong lòng anh Quỵnh đã sớm nhận ra ý định đó của chị Am. Nghĩ đến tương lai của con, anh Quỵnh cố gắng khuyên vợ ở lại. Nhưng rồi mọi chuyện cũng đã đến, vào một đêm mưa bão (năm 2008) chị Am lặng lẽ thu dọn quần, áo rời bỏ hai bố, con anh Quỵnh ở lại trong ngôi nhà dột nước mưa, để bước đi cùng người đàn ông khác.
Từ ngày mẹ bỏ đi, mọi sinh hoạt cá nhân của bố, cũng như mọi việc trong nhà đều do cháu Hiểu làm hết. Cháu Hiểu phải đi đến các cô, dì, chú, bác họ hàng, hàng xóm xin từng bát gạo, trông chờ thêm số tiền ít ỏi mà nhà nước hỗ trợ (180 nghìn đồng/tháng) để hai bố con sống qua ngày.
Những tưởng suốt quãng đời còn lại anh Quỵnh sẽ được cậu con trai duy nhất chăm sóc, nhưng rồi đứa con ấy cũng bỏ anh ở lại với ngôi nhà tềnh toàng xung quanh mọc đầy cây cỏ dại.
|
Từ ngày vợ, con bỏ đi ngôi nhà anh Quỵnh sống mọc đầy cây cỏ dại làm thức ăn cho trâu, bò. Anh Quỵnh phải mò mẫm làm việc để tự cứu lấy bản thân. |
Anh Quỵnh ngậm ngùi chia sẻ: “Giờ tôi không biết con trai mình đi về xứ nào nữa? Lúc đầu cháu đi làm thuê 1, 2 tháng thì về thăm tôi 1 lần, cháu còn hay mua quần áo mới cho tôi nữa, nhưng mấy cái tết nay rồi chẳng thấy cháu về.
Tôi thèm được nghe thằng Hiểu gọi một tiếng bố quá anh ạ! Tôi biết nó sợ bị bạn bè chê cười, xấu hổ vì có một ông bố mù lòa. Tôi không oán trách gì nó đã bỏ tôi mà đi, chỉ trách tôi không làm tròn bổn phận của một người cha và dù đi bất cứ nơi nào, ở bất cứ nơi đâu tôi cũng mong thằng Hiểu luôn sống bình an, được nhiều người yêu quý.
Nói về hoàn cảnh anh Quỵnh, ông Bùi Văn Ải (Trưởng thôn) cho biết: “Gia đình anh Quỵnh thực sự rất khó khăn, vợ con đều bỏ đi hết giờ phải sống một mình trong căn nhà tềnh toàng. Anh Quỵnh rơi vào hoàn này này trong số anh, chị em có anh Lung là hay quan tâm nhất.
Thấy anh Quỵnh như vậy bà con trong thôn chúng tôi cũng thường xuyên quyên góp tiền, gạo để giúp đỡ, đồng thời làm đơn gửi lên cấp trên mong sẽ được nhà nước quan tâm hỗ trợ.
Hiện tại, anh Quỵnh nhận được 270 nghìn đồng/tháng, đây là số tiền do nhà nước trợ cấp cho”.
Sống một mình trong “tăm tối” anh Quỵnh chỉ có mỗi cây gậy sắt dài hơn 1 mét “làm bạn” và tự mò mẫm mọi thứ để phục vụ cho mình (anh Quỵnh có thể tự nấu được nồi cơm, đun được siêu nước uống…). Đây là một điều cực kỳ khó khăn, nếu không tự mò mẫm thì anh Quỵnh cũng chẳng còn biết nhờ đến ai nữa?
Mạnh Hưng