Nơi lá Ngón sẵn hơn cơm gạo

Google News

(Kiến Thức) - Cây lá Ngón mọc khắp nơi trên những thung lũng của vùng cao Phan Thanh. Có giáo viên mới được chuyển công tác lên đây suýt mất mạng vì nhầm hoa lá Ngón với hoa Thiên lý.

Phan Thanh là 1 xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Lạc, Cao Bằng. Trung tâm xã cách huyện 14 km, từ quốc lộ 34 đi qua thị trấn Bảo Lạc chạy về phía tây.
 Những thung lũng mây trên đường từ trung tâm Thị trấn Bảo Lạc vào xã Phan Thanh
Trên con đường độc đạo dẫn vào xã Phan Thanh, những biển mây nằm chơi vơi dọc các thung lũng, phủ kín các ruộng bậc thang. Phải chờ đến tận trưa, khi mặt trời lên cao, sương tan thì các ngọn núi mới dần hiện ra. Đường vào xã đang được rải đá, thỉnh thoảng gặp những đoạn núi lở chắn ngang cả đường đi.
Dù đã 12h nhưng mây vẫn bao phủ đường đi 
Theo anh giáo bản dẫn đường, mất khoảng 1 tiếng đồng hồ đi xe máy mới đến được trung tâm xã. Trước khi đi khảo sát các thôn trên địa bàn, chúng tôi được ngồi nói chuyện cùng chủ tịch xã và những giáo viên vùng cao Phan Thanh để nắm bắt tình hình địa phương cũng như phong tục tập quán của đồng bào.
"Dân ở đây cái gì cũng cần, cái gì cũng thiếu đồng chí ạ. Cây lá Ngón thì mọc khắp nơi nhưng đất để làm nương rẫy thì ít vì địa hình quá phức tạp. Người dân ở đây thiếu ăn quanh năm, có những hộ dân quanh năm không biết đến cơm, gạo", ông Quan Văn Huy, Chủ tịch xã Phan Thanh chia sẻ.
Xã có tổng diện tích đất tự nhiên là 5.236 ha. Trên địa bàn xã dân chung sống rải rác nhỏ lẻ, có 16 xóm hành chính, gồm 4 dân tộc anh em cùng chung sống: Tày, Nùng, Mông, Dao. Xóm Phần Quang chỉ có mình đồng bào dân tộc Nùng sinh sống.
Nhà ở của giáo viên điểm lẻ Pác Lác 
Người Mông chiếm tỉ lệ 55,43% dân số toàn xã. Có 7 xóm sống xen kẽ, có 8 xóm là dân tộc Mông. Có 16/16 xóm với 517 hộ = 2.868 nhân khẩu, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn với tỉ lệ hộ nghèo còn cao. 292 hộ nghèo trên tổng số 517 hộ dân.
Địa hình núi non khá hiểm trở, chủ yếu là thung lũng, đường đi lại đèo dốc, khúc khuỷu, ngoằn ngoèo. Vì vậy, từ xóm này sang xóm khác chỉ có thể đi bộ. Có những xóm cách xa nhau mấy chục cây số. Thậm chí, từ hộ dân này sang hộ dân khác trong cùng một xóm phải đi hết gần nửa ngày do phải trèo đèo, vượt quá nhiều vách đá.
Xã thường xuyên bị sương mù bao phủ dày đặc. Khí hậu của Phan Thanh luôn luôn thấp hơn ở Bảo Lạc một vài độ. Do đó, người dân luôn phải đón nhận cái rét sớm hơn những vùng khác.
Đồng bào ở vùng cao Phan Thanh chủ yếu sống dựa vào trồng trọt, nương rẫy và chăn nuôi. Do đất có thể canh tác được rất ít, nên thường xuyên xảy ra cảnh thiếu ăn. Các cô giáo dẫn đường cho chúng tôi vào Pác Lác chia sẻ, gia đình được xếp vào hàng có điều kiện nhất của Pác Lác thì ít nhất cũng phải thiếu gạo ăn từ 2 đến 3 tháng trong năm.
 Ngô nương được dự trữ, vừa là lương thực cứu đói khi hết gạo, vừa cung cấp thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiê, đối với nhiều hộ gia đình khó khăn thì ngô đôi khi cũng không đủ ăn.
Đáng chú ý có 9 hộ đồng bào người dân tộc Mông sống trên dãy núi cao, giáp ranh với xã Phi Giáp. Họ sống gần nhau trong thung lũng Po Cố Tản và quanh năm chỉ mong đủ ngô ăn chứ chưa dám nghĩ đến cơm, gạo. Do sống nơi núi đá cao, nên cây lương thực chính của họ không có gì ngoài ngô nương.
Ông Hoàng A Dẻ (người mặc áo nâu), Bí thư chi bộ Pác Lác cho biết: "Người bản địa như chúng tôi, đi từ đây (từ điểm trường Pác Lác) để đến được nơi có 9 hộ gia đình cũng cần khoảng 2 tiếng đồng hồ đi bộ liên tục". 
Trình độ nhận thức của đồng bào ở đây còn lạc hậu. Dó đó, việc học hành của con em cũng ít được họ quan tâm. Đa số các em học sinh nữ sau khi học lớp 9 thường ở nhà chứ không tiếp tục theo học câp 3. Có những em đang học lớp 6, 7 nghỉ học lấy chồng (chủ yếu là những học sinh người Mông).
 Khu nấu ăn của các em học sinh bán trú được người dân và các thầy cô giáo cùng nhau làm.
Hiện tại, toàn xã có 490 em học sinh thuộc diện hộ nghèo, gặp khó khăn trong việc đến trường. Có nhiều em thuộc diện mồ côi, có hoàn cảnh éo le. Riêng THCS có 93 học sinh thuộc diện hộ nghèo trong tổng số 148 học sinh; Tiểu học chia làm10 phân trường, có 283/359 học sinh diện hộ nghèo; Mầm non có 114 em (trên tổng số 145 em) nhỏ thuộc diện hộ nghèo và diện mồ côi, có hoàn cảnh éo le.
Đa phần học sinh thường không có áo ấm và học sinh bán trú có những em không có chăn màn nên tạm thời ghép giường mới đủ chăn màn cho các em. 
Năm nay các em thuộc diện bán trú sẽ được 15kg gạo và 406.000 đồng/tháng. Số tiền này có thể dành để nấu ăn cho các em. Nhà trường đang có kế hoạch tổ chức nấu ăn chung cho học sinh bán trú...
Mong muốn cùng chính quyền và nhân dân địa phương chia sẻ những khó khăn trước mắt, Báo điện tử Kiến Thức cùng nhóm Sống Hướng Thiện tổ chức kêu gọi, quyên góp ủng hộ cho 292 hộ nghèo và 490 em học sinh thuộc diện hộ nghèo của xã Phan Thanh.
Dự kiến: 
Thời gian vận động, nhận quyên góp, ủng hộ: Từ 25/9/2013 – 03/11/2013.
Thời gian đi thăm và trao tặng quà: 01/11/2013

Nhận ủng hộ: Tiền, gạo, muối, quần áo ấm, tất, mũ, khăn, chăn, màn, sách truyện, vở ghi, bút, sáp màu, mì tôm, bánh, kẹo,…

Nơi nhận ủng hộ:

1) Tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức: Số 465B Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội.

Số tài khoản ngân hàng: 126.10.000.119.106 tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Ba Đình (Hà Nội). Chủ tài khoản: Báo điện tử Kiến Thức.

2) Nhóm Sống Hướng Thiện: Số 6 Trấn Vũ, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội.

Tài khoản Vietcombank chi nhánh Chương Dương:  0541001611935 (Lê Thị Bích Thảo)

Lộ trình: Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng – Bảo Lạc – Phan Thanh (435 km)

(Hà Nội – Cao Bằng: 286 km; Cao Bằng – Bảo Lạc: 135 km; Bảo Lạc – Phan Thanh: 14 km)

Lịch trình:

Ngày 01/11:

- 18h00: Một số thành viên Sống Hướng Thiện có mặt tại ô 58, lô 6 Phúc Xá (số 42, ngõ 41 Hồng Hà, Ba Đình, Hà Nội để xếp đồ lên xe.

- 19h30: Đoàn từ thiện Báo Kiến Thức, Nhóm SHT và các nhà hảo tâm tập trung tại Báo điện tử Kiến Thức (465B Hoàng Hoa Thám) xuất phát từ Báo điện tử Kiến Thức (có chỗ để xe máy).

Ngày 02/11

- 05h00: có mặt tại TP.Cao Bằng ăn sáng

- 06h00: xuất phát từ TP Cao Bằng – Bảo Lạc

- 11h00: có mặt tại Bảo Lạc, ăn cơm trưa tại Thị trấn Bảo Lạc

- 12h10: có mặt tại TT xã Phan Thanh. Gặp gỡ, trao đổi với chính quyền địa phương và Lãnh đạo ngành GD xã Phan Thanh.

- 12h20: trao quà tập trung tại điểm trường trung tâm cho 490 học sinh nghèo của xã Phan Thanh (Theo danh sách mà ngành giáo dục địa phương cung cấp: 93 học sinh THCS; 283 học sinh TH; 114 học sinh mầm non). Tặng sách truyện để xây dựng thư viện cho trường TH, THCS.

- Trao tặng cho 292 hộ dân nghèo, khó nhất xã Phan Thanh tại trung tâm xã, mỗi hộ 10kg gạo, 1 thùng mì tôm, quần áo,…

- 13h00: Đoàn từ thiện chia thành 3 Nhóm nhỏ

+ Địa phương bố trí xe máy và cán bộ dẫn đường cho đoàn từ thiện vào bản Phiêng Dịt thăm, tặng quà 4 hộ nghèo (Hoàng Thị Lê; Hoàng A Ngài; Sùng A Vư; Lò A Vàng).

+ Địa phương bố trí phương tiện và cán bộ dẫn đường thăm 2 hộ nghèo ở Thẳm Thon (hộ gia đình Sầm Văn Tuân; hộ gia đình Giàng Thị Khìao).

- 17h00: tất cả thành viên thuộc các Nhóm tập trung tại TT xã, ăn tối

- 19h00: chuẩn bị giao lưu văn nghệ cùng cán bộ, giáo viên, học sinh và bà con nhân dân xã Phan Thanh.

- 19h30: giao lưu văn nghệ, lửa trại

- 21h30: Đoàn nghỉ ngơi để để mai về Hà Nội

Ngày 03/11

- 06h00: Tất cả thành viên đoàn từ thiện dậy chia tay Phan Thanh, chuẩn bị lên đường về Hà Nội.

- 07h30: Ăn sáng tại TT Bảo Lạc

- 08h10: Lên xe tiến thẳng TP Cao Bằng

- 13h00: Tạm nghỉ thăm chợ Xanh Cao Bằng và ăn trưa.

- 14h00: Thành viên đoàn lên xe về Hà Nội

- 22h30: Xe về tới Hà Nội


Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: PHẠM ĐÌNH MẠNH

 

Phụ trách Công tác xã hội Báo điện tử Kiến thức.

 

Số 465B Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội.

 

DĐ: 0974.974.104

 

Email: manhxuandu@gmail.com.

 

 



Đình Mạnh