Xóm “nước đen“

Google News

(Kiến Thức) - Người dân nơi đây gọi thôn Bến Bính B (xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) là xóm "nước đen". 

Trước đây khi chưa có cầu Bính, phà Bến Bính là con đường giao thương duy nhất của vùng, người dân nơi đây bám vào đó để mưu sinh. Nhưng giờ đây bến phà đìu hiu, nhiều người dính vào tệ nạn xã hội...

"Tôm cá bị tận diệt"

Bà Nguyễn Thị Bích Loan, Trưởng thôn Bến Bính B cho biết, toàn bộ thôn hiện có 275 hộ với 876 nhân khẩu. Nhưng không thể tính được tỷ lệ hộ nghèo, dù nhiều gia đình trong thôn nghèo đến mức phải sống trong màn trời chiếu đất. Thôn không xét được hộ nghèo, bởi đa số dân cư ở đây đều là nơi khác đến trú ngụ, đến quê quán nhiều người cũng không biết có gốc gác ở đâu. 

Trước đây trung bình mỗi ngày bến phà Bính chở hàng trăm lượt khách, nhiều nhất vẫn là công nhân các nhà máy, xí nghiệp. Thế nhưng từ khi cây cầu Bính được hoàn thành bến đò trở nên đìu hiu, vắng vẻ hơn bao giờ hết. Lượng khách chỉ còn lèo tèo vài bà bán hàng rong, hay những người muốn đi tắt qua phà về nhà.

Theo bà Loan, tuy cây cầu Bính được xây dựng xa khu dân cư Bến Bính, nhưng nó lại ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân nơi đây. Bởi trước đây gần 100% dân cư sống dựa vào bến phà, người làm xe ôm, người bán nước. Hàng quán, người ra vào đi lại nhộn nhịp. Nhưng từ khi có cầu Bính, bến đò nơi đây rất ít khách đi. 

"Dân cư ở thôn chúng tôi đa số trình độ học thức rất thấp, chỉ học hết lớp 5, lớp 6. Thậm chí có nhiều người còn mù chữ. Vì thế họ không biết làm gì để sống. Trước đây họ còn có nghề đánh bắt cá trên sông Cấm, nhưng rồi tôm cá cũng bị tận diệt khi người ta dùng kích điện để đánh bắt. Chất thải từ các nhà máy trong thành phố thải ra sông, làm cho nguồn lợi thủy sản bị hủy diệt", bà Loan than thở.

Xóm "nước đen" giáp ranh với cầu Bính. 

"Gia đình HIV"

Bà Loan bảo, thôn của bà không khác gì xóm "nước đen" trong phim (của đạo diễn Đỗ Phú Hải, Hãng phim Truyền hình TPHCM sản xuất - PV). Trước đây tập trung nhiều dân anh chị, dạt về đây sinh sống, nên tình hình an ninh trật tự rất phức tạp. Nhiều thanh niên trước đây làm nghề phụ xe đường dài trên bến Bính đã dính vào ma túy. Theo số liệu chưa đầy đủ mà bà Loan cung cấp thì hiện trong thôn có không dưới chục em lứa tuổi thanh niên nghiện hút. 

Bà Loan bảo, trong thôn có gia đình chị Hoàng Thị Hà nghiện ma túy, nhiễm căn bệnh chết người HIV/AIDS. Chị Hà có thâm niên nghiện hút ma túy hàng chục năm. Trước đây vợ chồng Hà thường đi ăn xin, phiêu bạt khắp bến xe bến tàu trong thành phố. Chồng Hà đi theo bọn bụi đời, trộm cắp rồi lao vào con đường nghiện ngập. Oái oăm thay thời gian sau Hà cũng hút hít cùng chồng. Không có tiền hút chích vợ chồng Hà bắt đầu mua ma túy về bán lẻ cho các con nghiện kiếm lời. Nhưng cũng được thời gian Hà bị bắt và chịu mức án 7 năm tù vì tội buôn bán ma túy.

Gia đình bà Thảo. 

Năm ngoái chồng Hà đã qua đời vì căn bệnh thế kỷ, hiện giờ Hà cũng đã bị nhiễm bệnh từ người chồng. Nhiều lần các tổ chức xã hội muốn đến giúp đỡ gia đình Hà, muốn đưa Hà đi trại cai nghiện và điều trị  bệnh nhưng chính quyền không cho phép ra khỏi địa phương, vì đang trong thời gian thi hành án. 

Bà Loan bảo, cả thành phố này chưa có nơi đâu có nhiều người có hoàn cảnh, số phận như thôn bà. Vì thế bà cũng phải chia ngọt, sẻ bùi cùng người dân. Nếu không vì trách nhiệm, tâm huyết trong công việc thì bà đã từ bỏ công việc. Nhiều lúc bà muốn hỗ trợ giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng không thể đưa họ vào danh sách. Vì họ chưa được công nhận là công dân nơi đây. "Khổ nhất là những lúc có người trong thôn mất, gia đình họ nghèo đến mức không có tiền mua quan tài. Tôi phải lặn lội đến các gia đình trong thôn, quyên góp tiền để hỗ trợ cho người thân lo hậu sự", bà Loan tâm sự.

Bến Bính giờ vắng khách hơn trước rất nhiều. 

Ba thế hệ sống trong căn nhà rách nát

Bà Loan dẫn chúng tôi ra một bờ đê, khu dân cư đã tồn tại vài chục năm nay. Nhưng họ là dân ngụ cư, sống không có giấy tờ tùy thân. Tuy mọi sinh hoạt họ độc lập, nhưng họ vẫn nằm trong địa giới hành chính của thôn Bến Bính B. Bà Loan cho biết, khu dân cư này có 14 hộ với gần 50 nhân khẩu. Họ sống bằng đủ thứ nghề, từ ăn xin, đánh giầy đến... ăn vạ. Ông Phạm Trung Dậu, người đã đến định cư nơi đây gần nửa thế kỷ, gia đình ông hiện có 3 thế hệ sinh sống nơi đây. Nhưng họ vẫn không có tên trong danh sách của thôn. 

"Ông Dậu quê gốc ở Thanh Hà, Hải Dương trước đây ông làm nghề chài lưới trên sông. Tôi thì đi ở từ nhỏ, khi bố mẹ nuôi qua đời, anh em không còn ai. Giờ tôi cũng không biết mình quê ở đâu nữa. Chúng tôi gặp nhau trong cảnh bần hàn, rổ rá cạp nhau lại, về ở với nhau thôi chứ cũng không cưới xin gì", bà Nguyễn Thị Thảo, vợ ông Dậu kể.

Căn nhà tranh 2 gian, lợp bằng lá cọ, thứ có giá nhất của gia đình bà Thảo là chiếc bếp gas mini mới được một người hảo tâm bên TP Hải Phòng tặng. Bà Thảo bảo: "Mái nhà tranh gần hai chục mét vuông, là nơi sinh sống 3 thế hệ với 9 người trong nhiều năm qua. Có nơi che gió, che mưa thế này là tốt rồi. Trước đây nhà tôi sống ở ngoài bờ đê, chỉ có túp lều, trời nắng còn đỡ chứ ngày mưa thì sống chung với lũ. Khổ cực trăm bề".

Xóm "nước đen" nằm liêu xiêu mỗi nhà một nơi. 

Bà Thảo cho hay, trước đây khoẻ còn ra sông bắt con tôm con tép, giờ sức khoẻ yếu không làm được gì. Ở nhà chỉ nấu được bát cơm, bế cháu cho các con. Miếng ăn nhờ vào các con bà đi đánh giầy. Tuy nghèo khó, nhưng bà vui nhất là có người con út giờ đã được một tổ chức trên Hà Nội giúp đỡ, cho đi học nghề. "Vậy là cái ước mơ lớn nhất của tôi là con cái có cái nghề để lập nghiệp, thoát khỏi cuộc sống nghèo khó đã được thực hiện", bà Thảo nghẹn ngào nói.

Cụ Đặng Thị Sửu năm nay 70 tuổi, trước đây chuyên đi ăn xin khắp các phố phường. Nhưng cuối năm ngoái cụ bị ngã gãy chân, giờ chỉ nằm một chỗ. Việc ăn uống sinh hoạt của cụ đều trên chiếc giường của mình. Chị Nguyễn Thị Nguyệt con dâu cụ cho biết: "Vợ chồng tôi giờ chỉ chăm sóc cho bà ăn uống hằng ngày, không có tiền để đi chữa chân cho bà đâu. Cơm ăn còn không no, lấy tiền đâu mà đưa bà đi viện. Bà sống ngày nào biết ngày đó". Tôi bước chân ra khỏi căn phòng mà đôi mắt thấy cay cay.

Bà Loan cho hay, có nhiều tổ chức đến hỗ trợ những gia đình khó khăn trong xóm. Họ mang theo cả chăn chiếu, quần áo. Nhiều thứ đắt tiền. Những thứ đó rất quý đối với người dân trong xóm, chỉ có điều vì thế  mà họ ỷ lại không chịu cố gắng, chăm chỉ làm việc. Có những tổ chức đến nghiên cứu thổ nhưỡng, đầu tư con giống cho họ nuôi trồng, nhưng nhiều gia đình không hào hứng. Họ chỉ thích những thứ vật chất mà có thể sử dụng luôn.

"Chúng tôi muốn đề xuất lên xã để mắc dây điện, dẫn nguồn nước cho họ sinh hoạt. Muốn các gia đình ngụ cư có quyền lợi, nhưng không được. Vì họ chưa được công nhận là công dân của thôn. Do đó cần có sự can thiệp từ cấp TP Hải Phòng xuống để đời sống của họ được cải thiện hơn".
Bà Nguyễn Thị Bích Loan (Trưởng thôn Bến Bính B)

BÀI ĐỌC NHIỀU

Đức Lợi