Đề nghị xử lý hình sự việc trốn đóng bảo hiểm xã hội

Google News

Nhiều ĐBQH đề nghị bổ sung chế tài xử lý, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi trốn đóng BHXH như hành vi trốn thuế mới đủ sức răn đe.

Chiều 2/11, thảo luận tại tổ về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ĐBQH Lê Nhật Thành (Hà Nội) đề nghị khoản 3, Điều 37 dự thảo luật bổ sung chế tài xử lý, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với những hành vi trốn đóng BHXH như là hành vi trốn thuế.
"Tại khoản 3 Điều 37, tôi đề nghị bổ sung chế tài xử lý, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật Hình sự đối với những hành vi trốn đóng BHXH như hành vi trốn thuế. Như vậy mới đủ sức răn đe", ông Thành nhấn mạnh.
De nghi xu ly hinh su viec tron dong bao hiem xa hoi
 ĐBQH Phạm Đức Ấn (Hà Nội) phát biểu tại tổ chiều 2/11. Ảnh: Mai Loan.
Cùng quan điểm, ĐBQH Phạm Đức Ấn (Hà Nội) cho rằng, biện pháp xử lý phải hướng vào chủ sử dụng lao động và phải là vấn đề hình sự. Không nên quy định như khoản 2, Điều 37 về cơ quan có thẩm quyền ngừng sử dụng hoá đơn đối với người chậm đóng BHXH.
Bởi nếu ngừng hoá đơn thì doanh nghiệp càng khó khăn hơn, càng ảnh hưởng người lao động hơn. Khoản 4 cũng nói, cơ quan bảo hiểm có quyền khởi kiện. Về mặt công nghệ, chúng ta có thể kiểm soát được việc chậm đóng bảo hiểm. Cứ chậm 1-2 tháng là đưa ra khởi kiện hành chính được rồi.
"Nhưng phải làm thế nào để cưỡng chế được ngay, chứ đợi một vài năm doanh nghiệp phá sản thì lấy đâu ra nộp, mà ảnh hưởng thị trường lao động", đại biểu nói và đề nghị việc xử lý hành vi chậm đóng phải làm cương quyết hơn.
Cũng nêu ý kiến về nội dung trên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, nhiều doanh nghiệp FDI ngoài việc chậm đóng thì còn trốn đóng khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất đã để lại hàng trăm nghìn người lao động vất vả trong thụ hưởng chính sách ốm đau, thai sản.
Nêu biện pháp xử lý, đại biểu cho rằng với tình trạng hiện nay, dự thảo luật không nên quy định việc trốn đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng trở lên thì phải ngừng sử dụng hóa đơn. Bởi khi đã trốn đóng bảo hiểm thì phải áp dụng quy định pháp luật hình sự chứ chỉ dừng ở mức ngừng hóa đơn sẽ không đủ sức răn đe, tác động đến doanh nghiệp. Việc ngừng hóa đơn chỉ áp dụng khi chậm đóng bảo hiểm bắt buộc.
>>> Mời độc giả xem thêm video Biến đổi khí hậu, nhiều nước triển khai bảo hiểm thời tiết:
 
Mai Loan