Bê bối của nữ thần bóng chuyền Hàn Quốc

Google News

Chế độ khen thưởng chỉ tập trung vào thành tích của vận động viên ở xứ củ sâm đang bộc lộ nhiều mặt tối khi các vụ bạo lực, bắt nạt được phơi bày.

Ngày 15/2, CLB bóng chuyền Hàn Quốc Heungkuk Life thông báo đình chỉ thi đấu vô thời hạn đối với chị em sinh đôi Lee Jae-yeong và Lee Da-yeong sau những cáo buộc hai người từng bắt nạt bạn cùng lớp ở trường tiểu học, trung học.

Không chỉ vậy, theo một quan chức của Hiệp hội Bóng chuyền Hàn Quốc, việc loại cặp song sinh khỏi đội tuyển quốc gia cũng đang được xem xét.

Nổi tiếng với tài năng bóng chuyền và vẻ ngoài xinh đẹp, vụ việc của chị em Jae-yeong và Da-yeong khiến nhiều người yêu thể thao bàng hoàng, đồng thời bóc trần mặt tối trong làng thể thao xứ kim chi, theo Korea Herald.

Be boi cua nu than bong chuyen Han Quoc

Chị em họ Lee nổi tiếng trong làng bóng chuyền Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.

Góc khuất làng thể thao

Tại Hàn Quốc, Lee Jae-yeong và Lee Da-yeong được xem là hai nữ vận động viên bóng chuyền hàng đầu, trụ cột của đội tuyển quốc gia và nhiều lần lọt vào danh sách các nữ vận động viên có ngoại hình đẹp nhất làng bóng chuyền châu Á.

Tuy nhiên, vào tuần trước, nhiều người từng bị hai chị em bắt nạt đứng lên tố cáo trên mạng xã hội và cho biết vẫn đang chịu tổn thương vì những ký ức trong quá khứ.

Be boi cua nu than bong chuyen Han Quoc-Hinh-2

Cặp song sinh nổi tiếng nhờ vẻ ngoài sáng và tài năng bóng chuyền.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chị em họ Lee bị tố thường xuyên chửi mắng, vòi tiền, mượn đồ không trả, thậm chí cầm dao đe dọa người khác.

"Nữ thần bóng chuyền" cũng thường ra lệnh cho học viên nhỏ hơn giặt quần áo, bắt nạt và hành hung họ.

Thực tế, những vụ bắt nạt, bạo lực trong làng bóng chuyền nói riêng và giới thể thao Hàn Quốc nói chung không phải là chuyện hiếm gặp.

Ngày 14/2, một nạn nhân giấu tên cho biết trên một cộng đồng trực tuyến rằng cô từng bị bắt nạt khi là thành viên của đội bóng chuyền nữ. Các đồng đội lớn tuổi thường xuyên đánh và chửi bới cô.

Hai vận động viên bóng chuyền chuyên nghiệp, Song Myung-geun và Shim Kyung-seop, mới đây cũng thừa nhận từng bắt nạt bạn học.

Bộ đôi quyết định không thi đấu trong các trận còn lại của mùa giải sau khi bị phanh phui tội ác trên mạng.

Hai năm trước, vận động viên trượt băng tốc độ Shim Suk-hee cũng tiết lộ bị một huấn luyện viên tấn công tình dục trong nhiều năm.

“Nhìn vào hàng loạt vụ bạo lực xảy ra trong thời gian qua, đó không phải là mâu thuẫn giữa các vận động viên. Đó là một cầu thủ có sức mạnh quấy rối, bắt nạt một cầu thủ yếu thế hơn”, Chung Yong-chul, giáo sư tâm lý thể thao tại Đại học Sogang, nói với Korea Herald.

Quyền lực của người “giỏi”

“Thể thao Hàn Quốc là sự hy sinh của 99% cho 1% những người giành huy chương. Vì vậy, miễn là họ giành được huy chương hoặc thể hiện tốt, một huấn luyện viên hoặc cầu thủ có thể nắm giữ quyền lực khổng lồ và bạo lực của họ được xem là chính đáng”, giáo sư Chung nhận định.

Tháng 6/2020, Choi Suk-hyeon, nữ vận động viên 3 môn phối hợp triển vọng, tự sát sau nhiều năm bị bạo hành thể chất và tinh thần bởi huấn luyện viên đội, bác sĩ và hai đồng đội lớn hơn.

Trong cuốn nhật ký và ghi âm của Choi được công bố, Ahn Ju Hyeon, bác sĩ của đội, liên tục đánh cô. "Ngậm mồm vào! Đến đây!", người này hét.

Trước khi tự tử, Choi từng tìm kiếm sự giúp đỡ bằng việc nộp đơn khiếu nại và kiến nghị với chính quyền. Cô đã tố cáo lên Uỷ ban Nhân quyền Quốc gia, Uỷ ban kỷ luật của Liên đoàn 3 môn phối hợp Hàn Quốc, Uỷ ban Thể thao và Olympic Hàn Quốc và cảnh sát ở thành phố Gyeongju - trụ sở của đội.

Be boi cua nu than bong chuyen Han Quoc-Hinh-3

Choi Suk-hyeon bị lạm dụng trong nhiều năm. Ảnh: International Triathlon Union.

Choi cho biết bị ông Ahn tát, đấm và đá hơn 20 lần vào ngày cô thực hiện ghi âm và làm gãy một xương sườn của cô. Nữ vận động viên không dám điều trị y tế vào thời điểm đó vì sợ bị trả thù.

Ngày 6/7, hai đồng đội cũ của Choi cũng cho biết đội như một "vương quốc" được cai trị bởi huấn luyện viên Kim và Jang - vận động viên ngôi sao của đội, nhà vô địch quốc gia, theo New York Times.

Theo một cuộc khảo sát đặc biệt do Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc thực hiện năm 2020 về tình hình của 60.000 vận động viên ở lứa tuổi tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên khắp đất nước, 14,7% nói mình từng bị bạo lực thể chất. Trong khi đó, 80% cho biết họ chỉ có thể phản ứng một cách thụ động, thậm chí không dám tố cáo các vụ tấn công.

Theo giáo sư Chung, trừ khi Hàn Quốc thay đổi cơ bản quan điểm về “chế độ khen thưởng huy chương” - giá trị của một vận động viên chỉ được xác định bằng những huy chương, thành tích mà họ giành được - nếu không, những vụ hành hung, bắt nạt, lạm dụng sẽ còn xuất hiện.

Theo Zingnews