Ngày 3/12, 490.000 lứa học sinh cuối cấp ở Hàn Quốc chính thức bước vào Suneung - kỳ thi đại học nổi tiếng khốc liệt tại xứ kim chi.
Ngưỡng cửa đại học đặt lên vai các sĩ tử gánh nặng khổng lồ, khi điểm số trong kỳ thi còn ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh khác nhau trong tương lai, bao gồm cả triển vọng nghề nghiệp và cả hôn nhân.
Năm nay, “cuộc chiến sinh tử” giữa các sĩ tử càng thêm nhiều khó khăn và mệt mỏi chồng chất khi dịch bệnh kéo dài cả năm.
Sau khi kỳ thi công chức hay kỳ bầu cử diễn ra suôn sẻ trước đó, Hàn Quốc quyết định tổ chức Suneung giữa lúc những ca nhiễm mới vẫn đang xuất hiện mỗi ngày.
|
Dù dịch bệnh đang diễn biến xấu đi, Hàn Quốc vẫn quyết định không hủy kỳ thi đại học vào năm nay. Ảnh: Korea Times.
|
Thí sinh mắc Covid-19 vẫn dự thi như bình thường
Dưới tác động của Covid-19, Suneung chuẩn bị diễn ra theo cách chưa từng có, còn chính phủ Hàn đang đứng trước áp lực để đảm bảo gần nửa triệu thí sinh dự thi được đảm bảo an toàn.
"Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và là người chịu trách nhiệm về kỳ thi Suneung, tôi đề nghị mọi người hạn chế các hoạt động xã hội hàng ngày trong 1 tuần để tạo điều kiện cho những người dự thi và gia đình của họ”, bà Yoo Eun-hae phát biểu.
Một tuần trước ngày thi, các trường cấp 3 và những lò luyện thi trên toàn quốc đều đã chuyển sang hình thức học từ xa, theo yêu cầu của Bộ Giáo dục. Biện pháp này nhằm giảm thiểu rủi ro lây nhiễm giữa các thiếu niên.
Hơn 1.300 điểm thi được thiết lập theo các phương án đảm bảo an toàn. Những bước chuẩn bị cuối cùng đang được thực hiện trước khi thí sinh bước vào phòng thi.
|
Các sĩ tử Hàn Quốc trải qua kỳ thi đại học chưa từng có vào năm nay do tác động của Covid-19. Ảnh: Korea Times.
|
Mỗi phòng thi sẽ chứa tối đa 24 người, so với con số 28 người như mọi khi. Các tấm ngăn bằng nhựa được lắp đặt ở mỗi vị trí ngồi để ngăn chặn virus lây lan.
Tất yếu, không thể thiếu các biện pháp phòng dịch cơ bản như tất cả thí sinh phải kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm bài, mang theo khẩu trang dự phòng.
Tuy nhiên, không giống những năm trước, ngày tập trung nhận phòng thi bị hủy bỏ.
Vì Suneung là cột mốc mang tính quyết định với các sĩ tử, Bộ Giáo dục Hàn Quốc vẫn cho phép bệnh nhân đang mắc Covid-19 tham gia. Những người này chuyển đến các bệnh viện, cơ sở giáo dục được chỉ định vào thời điểm 3 tuần trước kỳ thi và làm bài thi tại đây theo lịch thông thường.
Những học sinh đang nghi nhiễm Covid-19 sẽ tập trung thi ở phòng riêng, với tối đa 4 người/phòng.
|
Học sinh Hàn vốn cày ngày cày đêm cho kỳ thi đại học, song việc ôn thi bị gián đoạn nhiều lần trong năm nay, khiến tâm lý phụ huynh lẫn sĩ tử thêm phần bất an. Ảnh: Ariang.
|
Học sinh nghèo mất nhiều cơ hội ôn thi
“Việc chuyển sang học từ xa mặc dù cần thiết vào thời điểm này, nhưng cũng dễ làm gia tăng khoảng cách thành tích khi nhiều học sinh phải dựa vào năng lực cá nhân để tự học ở nhà mà không có sự giúp đỡ của thầy cô”, một giáo viên ở Seoul nói về khoảng thời gian học trực tuyến 1 tuần trước kỳ thi.
Trên thực tế, khoảng cách giàu nghèo, khác biệt gia cảnh giữa các học sinh Hàn Quốc đã bộc lộ ngay từ khi dịch bệnh tấn công nước này và các trường học chuyển sang hình thức học trực tuyến.
Với những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, việc ôn thi càng áp lực hơn vì không đủ điều kiện vật chất để tham gia đầy đủ các buổi học online. Điều này tạo cơ hội cho những học sinh từ gia đình khá giả hơn vươn lên dẫn trước điểm số.
Ở một kỳ thi mang tính cạnh tranh khốc liệt như Suneung, từng cách biệt nhỏ cũng đủ khiến những đứa trẻ và bậc phụ huynh đau đầu. Và đại dịch đã càng khoét sâu vào nỗi lo đó.
Dù Bộ Giáo dục Hàn Quốc nhận ra sự thiếu công bằng đó và đưa ra các biện pháp khắc phục như bố trí thầy cô giáo phụ đạo thêm, lứa học sinh nghèo cuối cấp tại Hàn vẫn không thể học tập một cách hiệu quả nhất trong thời gian lên lớp trực tuyến.
Theo kết quả khảo sát được chính phủ Hàn Quốc công bố hồi tháng 9, 80% trong số 51.021 giáo viên nhận định rằng khoảng cách điểm số giữa học sinh giỏi nhất và yếu nhất đang có xu hướng gia tăng.
|
Tại Hàn Quốc, việc học giỏi, đỗ đại học quan trọng hơn tất thảy vì kết quả thi quyết định tương lai. Ảnh: SCMP.
|
Trong khi đó, Hagwon - các trung tâm học thêm, luyện thi tư nhân tại Hàn Quốc vốn luôn chật cứng học sinh - cũng nhận lệnh đóng cửa hồi đầu năm. Học sinh đến ôn thi, ngồi san sát nhau ở khoảng cách gần khiến nguy cơ lây nhiễm bệnh càng đáng lo ngại.
Theo thống kê, 75% học sinh Hàn Quốc đều theo học tại các trung tâm hoặc mời gia sư tư nhân. Đáng nói, số tiền các gia đình trung và thượng lưu bỏ ra cho việc học thêm của con cái nhiều gấp 5 lần so với các hộ thu nhập thấp.
Một gia đình trung lưu có thể sẵn sàng đầu tư 2 triệu won/tháng (1.750 USD) cho con cái, chưa kể các chi phí khác. Số tiền đắt đỏ nhưng được cho là xứng đáng, miễn sao đứa trẻ ghi danh vào đại học.
Nhưng con số nói trên là không tưởng với những học sinh nhà nghèo.
Tuy vậy, ngay cả với những học sinh có đủ điều kiện, chuyện dịch bệnh làm xáo trộn mọi thứ ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý.
Trường học buộc phải đóng cửa vì virus lây lan, học đan xen giữa lên lớp và qua màn hình khiến quá trình ôn thi bị gián đoạn. Nhiều em thừa nhận không thể tập trung hết khả năng khi cứ ngồi lì trước máy tính hay vài bữa lại có thông báo nghỉ học.
Theo Zingnews