Su Huawei (sinh năm 1981, Hong Kong, Trung Quốc) được mệnh danh là "người hùng đặc biệt" của Trung Quốc. Anh từng 4 lần tham gia Paralympics (thế vận hội dành cho người khuyết tật) và xuất sắc giành 6 huy chương vàng.
Cuộc đời và sự nghiệp của Su Huawei đã trở thành nguyên mẫu cho bộ phim điện ảnh "Zero to Hero". Phim phát hành ngày 4/9, trùng thời điểm diễn ra kỳ Paralympics Tokyo năm nay đã nhanh chóng gây tiếng vang lớn, nhận được sự ủng hộ từ công chúng.
Bộ phim khiến câu chuyện của Su Huawei gây sốt trở lại, truyền cảm hứng cho không ít khán giả. Nhiều người xúc động khi biết được để có được sự nghiệp đáng ngưỡng mộ, Su luôn có mẹ đồng hành, giúp anh vượt qua mọi chông gai.
|
Su Huawei giành huy chương vàng tại Paralympics 1996. Ảnh: @ 苏 桦 伟.
|
Mẹ chạy cùng con
Theo Sohu, từ khi mới sinh, Su Huawei đã được chẩn đoán mắc chứng vàng da hiếm gặp, gây co cơ, chuột rút, vận động khó khăn, thính lực kém. Khi đó, bác sĩ nói rằng Su sẽ khó tự chủ trong vận động, dù có lớn lên cũng sẽ cần người nhà chăm sóc suốt đời.
Mẹ của anh vốn là một công nhân, bà đã nỗ lực, làm một lúc nhiều công việc để nuôi dạy đứa con yêu quý.
Mang căn bệnh lạ, Su phát triển chậm, đến 4 tuổi anh vẫn chưa biết đi. Mẹ của Su tìm mọi cách giúp con trai đứng lên được, thậm chí đặt con vào tình huống nguy hiểm để ép cậu bé phải đứng dậy.
Nhờ có mẹ, lên 5 tuổi, Su bắt đầu đi được những bước đầu tiên. Lên 8 tuổi, cậu bé có thể cúi xuống tự buộc dây giày.
|
Câu chuyện của Su Huawei và mẹ được tái hiện trên phim. Ảnh: Zero to Hero.
|
Cậu được theo học trường dành cho người khuyết tật ở Hong Kong. Người mẹ cũng khuyến khích Su tham gia khóa đào tạo thể thao cho người khuyết tật để cải thiện thể lực.
Su thể hiện tài năng chạy nước rút. Năm 1994, anh được huấn luyện viên Pan Jianlu lựa chọn tham gia tuyển điền kinh người khuyết tật Hong Kong và bắt đầu "hành trình kỳ diệu" của mình.
Thời gian đầu mới vào đội huấn luyện điền kinh chuyên nghiệp, Su Huawei gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, lớp huấn luyện ở trường chỉ yêu cầu anh tập một buổi/tuần, nhưng khi lên tuyển anh phải tập 3 buổi/tuần.
Vì căn bệnh gây co cơ nên Su bị chuột rút liên tục, giữ thăng bằng kém và các ngón tay của anh không thể hỗ trợ cơ thể khởi động.
Để rèn luyện khả năng giữ thăng bằng, anh tập chống đẩy hàng ngày, đến khi không thể nâng cơ thể được nữa, anh vẫn tiếp tục tập trong tư thế quỳ.
Vì khiếm thính nặng nên Su Huawei khó nghe được tiếng súng ra hiệu khởi động, phản ứng chậm hơn so với người thường và có khả năng “thua ở vạch xuất phát”. Su khắc phục khuyết điểm của mình bằng cách tập luyện tư thế xuất phát liên tục với hy vọng thu hẹp khoảng cách với đối thủ càng sớm càng tốt.
Trong từng bước hành trình của Su luôn có mẹ đồng hành. Mẹ cùng anh tập luyện chạy bộ ở cầu thang, động viên con đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã và luôn nhìn về phía trước.
Trở thành "cậu bé vàng"
Năm 1996, Su lần đầu đại diện cho Hong Kong tham dự Thế vận hội Paralympics và mang về chiếc HCV đầu tiên trong lịch sử. Anh nhận ra chỉ có luyện tập chăm chỉ mới có thể đạt được mục tiêu của mình. Từ đó, Su đã nỗ lực hết mình và kiên trì luyện tập.
Su Huawei nói rằng Thế vận hội Paralympic Sydney 2000 là dấu ấn đặc biệt nhất trong sự nghiệp của anh. Trong cuộc thi năm đó, Su đã thi đấu xuất sắc, giành HCV cá nhân ở các cự ly 100 m, 200 m và 400 m và nắm giữ 3 kỷ lục thế giới.
|
Những hình ảnh từ các cuộc thi Su từng tham gia. Ảnh: @ 苏 桦 伟.
|
Năm 2002, gia đình Su gặp khó khăn lớn về kinh tế. Số tiền trợ cấp cho vận động viên phá kỷ lục thế giới như anh cũng chỉ khoảng 3.000 nhân dân tệ/tháng, không đủ lo cho cuộc sống hàng ngày của gia đình.
Nhưng mẹ Su không muốn con phải vì tiền bạc mà bỏ dở sự nghiệp. Bà một mình cáng đáng, làm nhiều việc hơn để có tiền.
Thấy mẹ làm việc cực khổ, Su còn định giải nghệ để đi giao hàng toàn thời gian. Su đã có lúc phải bán đi cả chiếc huy chương vàng của mình.
Biết được khó khăn của Su, nghệ sĩ Lưu Đức Hoa đã nhận anh làm nhân viên bán hàng, cho phép anh nghỉ để tập luyện mỗi khi có giải đấu. Tài tử điện ảnh Hong Kong còn tài trợ tiền để Su có thể tham gia các cuộc thi lớn.
Tại Paralympic Bắc Kinh 2008, Su giành huy chương vàng cự ly 200 m nam với 24,65 giây, phá kỷ lục thế giới.
Dù đã giải nghệ, Su Huawei vẫn luôn là hình mẫu, tượng đài đối với nhiều thế hệ vận động viên khuyết tật tại Trung Quốc. Anh nêu cao tinh thần chiến đấu, nỗ lực hết mình để đạt tới mục tiêu.
Theo Đinh Phạm/ Zing