Lý lịch trích chéo
- Tên đầy đủ: Bùi Thịnh Đa
- Hiện đang học lớp 11 trường THCS - THPT Việt Anh (TP.HCM).
- Sáng lập thương hiệu búp bê khớp cầu Dadad Dolls.
“Nhập môn” nghệ thuật với búp bê khớp cầu
Thịnh Đa được biết đến với hàng loạt sản phẩm búp bê khớp cầu (ball-jointed doll) “đẹp rụng rời” do chính tay cậu nhào nặn.
Búp bê khớp cầu là một loại búp bê được làm từ đất sét, sứ hoặc nhựa resin, mô phỏng người thật. Các bộ phận của “em í” được gắn với nhau bằng khớp hình cầu đúng như tên gọi và nối dây chuyên dụng bên trong để có thể cử động.
Chia sẻ về quá trình tạo nên một sản phẩm, Thịnh Đa cho biết cậu cần phải thực hiện “sương sương” các giai đoạn như nhào đất, tạo khung xương... Tiếp đó sẽ thêm tóc, make-up cho búp bê... Nghe thì có vẻ dễ dàng nhưng cậu tiết lộ: “Thời gian trung bình để hoàn thành một “bé” sẽ rơi vào tầm 3 - 4 tháng, còn lâu nhất là 3 năm. “Bé” 3 năm là do mình làm bằng sứ và đây cũng là sản phẩm sứ đầu tiên nên mình cần kha khá thời gian để nghiên cứu kỹ”.
Thời gian trung bình để hoàn thành một “bé” sẽ rơi vào tầm 3 - 4 tháng, còn lâu nhất là 3 năm.
Không ít người hiểu lầm búp bê khớp cầu là một loại đồ chơi dành cho trẻ em. Vì vậy, Thịnh Đa đã nhắn nhủ các “tấm chiếu mới”: “Búp bê khớp cầu thường được sử dụng để trang trí. Tuy vậy, vì tính cầu kỳ, tỉ mỉ của sản phẩm nên gọi búp bê khớp cầu là một tác phẩm nghệ thuật thì đúng hơn. Do đó, nguời sở hữu phải có kiến thức để có thể cân nhắc có nên trang trí trong nhà hay không. Ngoài ra, các “em í” còn giúp chúng ta giảm stress sau một ngày mệt mỏi ở ngoài, dành thời gian ra ngắm những tác phẩm này mang đến khả năng sáng tạo rất cao đó!”.
Vì tính cầu kỳ, tỉ mỉ của sản phẩm nên gọi búp bê khớp cầu là một tác phẩm nghệ thuật thì đúng hơn.
Dành cả thanh xuân theo đuổi niềm đam mê “tình cờ”
Vào năm lớp 6, trong một lần lướt mạng, Thịnh Đa đã bị “hớp hồn” ngay bởi nét độc đáo, bí ẩn của các em búp bê, cộng thêm sở thích về giải phẫu - một lĩnh vực gắn liền với quá trình hình thành sản phẩm, và ấn tượng bởi cách các khớp di chuyển mượt nên muốn sở hữu ngay một “bé” cho riêng mình.
Thịnh Đa chia sẻ: “Lúc đó còn nhỏ nên mình không đủ kinh phí mua búp bê, vì thế mình tự mua đất về nặn cho thỏa sở thích thôi, nhưng càng làm thì càng thích và xác định đây chính là đam mê của mình. Búp bê khớp cầu khác so với búp bê sản xuất hàng loạt ở chỗ, mỗi “em” được làm bằng tay và trau chuốt rất tỉ mỉ nên trông có hồn riêng”.
Búp bê khớp cầu khác so với búp bê sản xuất hàng loạt ở chỗ, mỗi “em” được làm bằng tay và trau chuốt rất tỉ mỉ nên trông có hồn riêng.
Để hoàn thiện được một sản phẩm chỉn chu, Thịnh Đa đã chuyên tâm nghiên cứu về giải phẫu, thiết kế thời trang, make-up, làm tóc suốt nhiều năm liền. Tính đến nay, cậu ấy đã có hơn 5 năm theo đuổi và có thu nhập tiền triệu mỗi tháng nhờ vào đam mê nghệ thuật độc đáo này rồi đó!
Với thu nhập từ làm búp bê, Thịnh Đa sưu tầm được các em búp bê phiên bản giới hạn cực hiếm. Nổi bật nhất trong dàn “siêu phẩm” ấy phải kể đến “em” Chinese Opera and Puppet - dòng búp bê cổ được sản xuất vào những năm 1900 (thời Mãn Thanh) với mục đích trình diễn các vở kịch ở Trung Quốc khi xưa. Đặc biệt, khả năng giữ độ bền hơn 100 năm của búp bê này là gợi ý chất lượng để cậu bạn tiến hành nghiên cứu ứng dụng cho các sản phẩm của mình.
Để hoàn thiện được một sản phẩm chỉn chu, Thịnh Đa đã chuyên tâm nghiên cứu về giải phẫu, thiết kế thời trang, make-up, làm tóc suốt nhiều năm liền.
Búp bê truyềnthông điệp tôn trọng sự khác biệt
Thịnh Đa chia sẻ rằng, thời gian đầu ba mẹ không ngừng lo lắng vì sở thích của mình có đôi phần “khác người”, cũng như không ít lần cậu bạn phải đối mặt với những bình luận có phần tiêu cực từ bạn bè và mọi người xung quanh. Thế nhưng, Thịnh Đa dành thời gian kiên nhẫn giải thích, cộng thêm việc các sản phẩm nhận được sự yêu mến từ cộng đồng mạng, mang đến công việc kinh doanh thuận lợi, từ đó chiếm trọn sự tin tưởng từ bố mẹ.
Đối với những ý kiến trái chiều kiểu “Búp bê gì mà kinh dị thế”, “Nhìn đáng sợ thật!”..., Thịnh Đa cho biết ban đầu có buồn đôi chút thôi, dần dà cậu bạn học cách làm thinh và dùng sản phẩm mình tạo ra để chứng minh rằng đây hoàn toàn là những tác phẩm nghệ thuật vô cùng ý nghĩa.
Phần lớn các tác phẩm của Thịnh Đa truyền những thông điệp xã hội như những lời cổ vũ cho sự tự tin về cơ thể tự nhiên của con người. Cậu bạn tâm sự: “Mình có một “em” búp bê thích nhất đó là búp bê bạch biến. Những bạn có làn da bạch biến thường phải chịu sự kỳ thị, chọc ghẹo không hay từ nhiều nguời nên thông qua sản phẩm này, mình thật sự mong muốn có thể lan tỏa sự động viên đến những bạn ấy, giúp các bạn tự tin hơn và kêu gọi sự tôn trọng đối với những điều khác biệt trong cuộc sống từ mọi người”.
Thịnh Đa chân thành nhắn nhủ rằng: “Búp bê mình nặn ra không theo quy chuẩn nào. Nó có thể ở hình dạng hay kích thước “khác người”, và qua đó, mình muốn nói rằng búp bê còn có khuyết điểm về cơ thể thì huống chi đến con người chúng ta, nên mọi người hãy tự tin lên nhé!”.
Theo Nhà Bơ / Hoa học trò