Cô gái Việt làm việc tại Bộ Tư pháp Pháp

Google News

Nơi làm việc của Thùy Anh không có nhiều người trẻ châu Á. Cơ hội này đến với cô sau hàng loạt lời từ chối từ những công ty khác.

Co gai Viet lam viec tai Bo Tu phap Phap

Co gai Viet lam viec tai Bo Tu phap Phap-Hinh-2

 

Co gai Viet lam viec tai Bo Tu phap Phap-Hinh-3

Co gai Viet lam viec tai Bo Tu phap Phap-Hinh-4

Co gai Viet lam viec tai Bo Tu phap Phap-Hinh-5

Đào Thùy Anh (28 tuổi) là nhân viên quản lý kiểm soát tại Bộ Tư pháp, Pháp. Cô đã chia sẻ với Zing về hành trình học tập và tìm kiếm cơ hội việc làm của mình tại "kinh đô ánh sáng".

Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi sang Pháp theo học bậc cử nhân tại Đại học Paris Est-Créteil (Paris 12). Những năm đầu tiên tại Pháp, tôi ở nhà một người họ hàng, trường học cũng có rất nhiều sinh viên người Việt Nam nên tôi không thấy bỡ ngỡ nhiều.

Vào năm 2017, tôi hoàn thành chương trình học Thạc sĩ ngành Kiểm soát quản lý - Kiểm toán tại Học viện Quản lý doanh nghiệp (IAE). Tính đến hiện tại tôi đã ở Pháp hơn 10 năm

Co gai Viet lam viec tai Bo Tu phap Phap-Hinh-6

Thời điểm ra trường, như nhiều bạn trẻ khác, tôi lo lắng tìm kiếm cơ hội việc làm tại những công ty của Pháp. Tôi đã gửi hồ sơ đến rất nhiều công ty, cũng tham gia không ít cuộc phỏng vấn, tuy nhiên kết quả không mấy khả quan. Các công ty tôi gửi hồ sơ chủ yếu muốn chỉ ký hợp đồng ngắn hạn.

Lúc đó, tôi đã suy nghĩ đến việc về nước.

Cơ hội làm việc tình cờ

Cho đến năm 2018, tôi tình cờ đọc được thông tin tuyển dụng của Bộ Tư pháp. Tôi quyết định nộp hồ sơ nhưng không nghĩ rằng mình sẽ trúng tuyển. Sau 2 vòng phỏng vấn, tôi đã rất hạnh phúc khi biết rằng mình được nhận.

Hiện tôi là nhân viên quản lý kiểm soát, nhiệm vụ chính là đo lường và theo dõi các chỉ số cũng như khối lượng công việc của tất cả tòa án trên lãnh thổ Pháp.

Các bản báo cáo và số liệu này phục vụ cho cuộc đối thoại hàng năm giữa người đứng đầu tòa án và lãnh đạo Bộ Tư pháp.

Những ngày mới làm việc, tôi cảm thấy khá khó khăn bởi chưa nắm rõ các khái niệm và từ ngữ chuyên ngành. Tuy nhiên sau đó, tôi đã được các cô chú, anh chị đồng nghiệp chỉ dẫn. Mọi người rất thân thiện, luôn giúp đỡ và hướng dẫn tôi tận tình.

Co gai Viet lam viec tai Bo Tu phap Phap-Hinh-7

Tháng 6 vừa qua, tôi đã được ký hợp đồng tại Bộ Tư pháp với thời hạn 2 năm, thay thế những hợp đồng 6 tháng trước đó.

Công việc của tôi khá bận rộn, làm từ 9h30 đến 18h, có 1,5 tiếng nghỉ trưa. Tuy nhiên tôi không phải làm việc ngoài giờ.

Vào cuối tuần, không ai mở máy tính cả, đó là văn hoá làm việc tại Pháp.

Trong thời gian rảnh, tôi thường học làm bánh và thậm chí nghĩ rằng có thể sẽ mở một tiệm bánh nhỏ.

Trong các đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Paris, tôi luân phiên làm việc tại nhà theo quy định của địa phương.

Đừng nản lòng

Bộ Tư pháp có nhân sự là người châu Á nhưng không nhiều, phần lớn là các cô chú đã sang đây từ rất lâu. Khoảng một năm gần đây tôi mới thấy có nhiều người trẻ hơn một chút.

Tôi biết nhiều bạn cảm thấy sốt ruột, lo lắng khi tìm kiếm công việc, đó là tâm lý chung. Như tôi là một ví dụ. Trước khi làm việc tại Bộ Tư pháp, tôi đã thử tất cả các cơ hội việc làm khác có thể và nhiều lần thấy nản. Tôi chưa từng nghĩ đến cơ hội làm việc cho chính phủ.

Nhưng kinh nghiệm tôi rút ra là các bạn không được nản chí, dù có bị nhiều công ty khác từ chối đến 10 lần đi chăng nữa thì bạn vẫn có thể tìm được công việc như ý.

Co gai Viet lam viec tai Bo Tu phap Phap-Hinh-8

Tôi đang sống tại nhà riêng ở Pháp và có dự định vẫn làm việc tại đây lâu dài. Ở Paris 10 năm, tôi đã rất quen với những chuyến tàu điện ngầm hối hả hàng sáng.

Trước đó vào năm 2017, khi đang là Tổng Thư ký Hội sinh viên Việt Nam tại Paris, tôi cùng các anh chị trong Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp đã thành lập dự án "Réussir en France - Thành công tại Pháp".

Đây là dự án nhằm tạo điều kiện phát triển sự nghiệp, nâng cao nhận thức về môi trường làm việc và giúp đỡ mở rộng mạng lưới nghề nghiệp tại Pháp cho người Việt trẻ trên tất cả các lĩnh vực.

Đã lâu tôi chưa được về Việt Nam vì ảnh hưởng của Covid-19.

Tôi mong muốn dịch bệnh sớm kết thúc để có thể về thăm ba mẹ. Nếu có điều kiện, tôi thực sự muốn về Việt Nam nhiều hơn vì đó là nhà.

Theo Thục Hạnh/ Zing