Thời đại số đã mở ra một không gian mạng rộng lớn, nơi thông tin được sản xuất và tiêu thụ với tốc độ chóng mặt. Song song với những lợi ích, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là các cuộc khủng hoảng truyền thông.
Năm 2024 chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng đến từ các thương hiệu đình đám. Câu chuyện về chuỗi Cà Phê KATINAT và con số nhạy cảm “1000 đồng” đã từng khiến mạng xã hội xôn xao một thời gian. Theo đó, chiến dịch "1.000 đồng/ly nước" của Katinat vào tháng 9/2024 nhằm hỗ trợ đồng bào miền Bắc bị lũ lụt đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng mạng, thậm chí dẫn đến làn sóng đòi tẩy chay thương hiệu. KATINAT sau đó đã phải lên tiếng đính chính, xin lỗi đồng thời bù đắp khi chuyển 1 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bão lũ.
SKIN1004, một thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc được nhiều người tin dùng tại Việt Nam năm qua cũng vướng vào khủng hoảng truyền thông nghiêm trọng khi bị cáo buộc vi phạm bản quyền thiết kế trong chiến dịch quảng bá sản phẩm tại Việt Nam. Một nhà thiết kế đã lên tiếng tố cáo SKIN1004 sao chép ý tưởng thiết kế của anh. Sự việc này gây nên một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng sáng tạo và người dùng. Trước làn sóng chỉ trích, SKIN1004 đã phản hồi nhanh chóng chỉ trong một ngày, giải thích toàn bộ sự việc, đồng thời chân thành xin lỗi đến khách hàng và công chúng.
Gen Z, thế hệ sinh ra và lớn lên cùng mạng xã hội, đang chứng kiến những biến động trên không gian mạng như những cuộc khủng hoảng truyền thông nói trên một cách trực tiếp. Nhiều bạn sinh viên với mong muốn theo nghề truyền thông, hoặc có hứng thú với truyền thông hiện đại rất mong muốn được học hỏi làm sao có thể "xử lý mượt" những biến cố không may xảy đến như vậy, cũng như phòng tránh khủng hoảng hiệu quả nhất.
Cùng chung mục tiêu đó, nhiều bạn trẻ đã cùng nhau tổ chức các workshop, chiến dịch để nâng cao nhận thức quản trị truyền thông. Chiến dịch “Crisis Atmosphere", do sinh viên PR1 ngành Quan hệ công chúng Học Viện Thanh Thiếu Niên Việt Nam thực hiện, là một sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng quản trị khủng hoảng cho sinh viên và những người làm trong lĩnh vực truyền thông.
Sự kiện thu hút không chỉ các bạn sinh viên của riêng Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, mà còn của nhiều trường khác trên địa bàn Hà Nội như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Kinh tế Quốc dân.
Điểm nhấn của sự kiện là talkshow “Chìa khóa quản trị khủng hoảng trong môi trường số", với sự tham gia của các chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông, mang đến bài học thực tiễn và giải pháp đột phá. Sự kiện cũng tạo cơ hội để sinh viên giao lưu, tiếp thu kinh nghiệm, giải đáp các thắc mắc về quản trị khủng hoảng truyền thông trong thời đại số.
|
Các diễn giả đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau đối với các case study về khủng hoảng truyền thông nổi bật. |
|
Nhiều câu hỏi thú vị được các bạn sinh viên đặt ra đã mang đến không khí sôi nổi cho sự kiện. |
Sự kiện là cơ hội để các bạn sinh viên được áp dụng kiến thức vào thực tiễn, đồng thời có cái nhìn thực tế và chuyên sâu hơn về cách đối mặt với khủng hoảng từ những người đi trước, để sẵn sàng hành trang trước khi chính thức bước vào thị trường lao động.
Trầm Phương