Zing trích dịch bài đăng trên Vice nói về sự bất mãn của giới trẻ Trung Quốc với văn hóa làm việc 996.
Văn hóa làm việc 996 (làm việc từ 9h đến 21h, 6 ngày/tuần) đang hủy hoại giới cổ cồn trắng ở Trung Quốc. Một số người trong số họ đang tự hỏi: Cuộc sống sẽ như thế nào nếu mọi người chỉ làm việc 8 giờ/ngày?
Một câu trả lời được đăng trên nền tảng Zhihu bởi những người lao động thành thị Trung Quốc, đang thu hút sự quan tâm của công chúng trong tuần này.
“Cuộc sống sẽ bình thường.
Khi chúng tôi về đến nhà, mặt trời vẫn chưa lặn. Hành lang sẽ tràn ngập hương thơm của thức ăn. Một số gia đình sẽ xào gà, số khác có vẻ chuẩn bị kho cá. Sau bữa tối, chúng tôi có thời gian để đi dạo.
Trong công viên, các ông bố thường dạy con mình đi xe đạp. Bọn trẻ sẽ cầm đèn pin chạy xung quanh, chiếu những chùm sáng qua bụi cây và tiếng lá xào xạc.
Những gói hàng của chúng tôi sẽ không phải hoãn đến ngày hôm sau. Các ứng dụng sẽ không có nhiều chức năng kỳ lạ như bây giờ. Các trung tâm mua sắm ở thành phố sẽ không bị phá hủy. Sẽ không có nhiều người đột nhiên trở nên giàu có.
Chúng tôi sẽ có thời gian để chơi bóng rổ với bạn bè. Sau giờ làm, chúng tôi sẽ không phải quay lại văn phòng vì việc đột xuất. Khi ai đó đến thăm nhà, chúng tôi sẽ không còn thấy khó chịu.
Đây là cuộc sống của chúng ta trước khi có 996”.
Tiếc nuối quá khứ
Bài đăng này hiện nhận được hơn 73.000 lượt chia sẻ và 1,7 triệu lượt thích trên Weibo. Câu chuyện khơi dậy nỗi hoài niệm về cuộc sống cũ trong tầng lớp lao động thành thị, những người đang phải vật lộn với văn hóa làm việc 996.
Những dòng mô tả về cuộc sống màu hồng trong quá khứ đã phản ánh nỗi thất vọng chung của thế hệ trẻ Trung Quốc với thực tại khi sự phát triển kinh tế, công nghệ chóng mặt không làm họ hạnh phúc hơn.
Sống trong môi trường làm việc khắc nghiệt và áp lực kinh tế lớn, một số thanh niên Trung Quốc đang hồi tưởng về cuộc sống của thế hệ cha mẹ họ, khi 996 ít phổ biến hơn.
Họ nuối tiếc những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, khi phần lớn lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nhà nước. Những người thành thị lúc đó làm việc ít giờ, ít áp lực hơn nhưng được hưởng nhiều lợi ích về giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Con cái của họ cũng không mắc kẹt trong lịch trình dày đặc các hoạt động ngoại khóa để có thể ghi danh vào trường top.
|
Bất mãn với thực tại, nhiều người Trung Quốc hồi tưởng cuộc sống những năm 80, 90 khi chưa có 996. Ảnh: SCMP.
|
"Đây là thời thơ ấu của tôi, nhưng không phải là tuổi thơ của thế hệ sau", một bình luận nhận được hơn 27.000 lượt thích.
“Đó là cuộc sống của tôi khi còn nhỏ,” một bình luận khác viết. “Không căng thẳng, áp lực. Cha mẹ thường xem TV với tôi sau giờ làm”.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Trung Quốc trong 4 thập kỷ qua đã giúp hơn 700 triệu người thoát khỏi đói nghèo và cải thiện đáng kể trình độ học vấn cũng như tuổi thọ của người dân.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng không đồng đều và khoảng cách giữa nhóm siêu giàu và tầng lớp lao động bình thường đang ngày càng nới rộng. Hàng trăm tỷ phú được sản sinh, nhưng các nhân viên, mặc dù được trả lương cao hơn, vẫn phải làm việc nhiều giờ và sống trong tình trạng căng thẳng nặng nề.
Một trong những biểu hiện chống đối văn hóa 996 là hướng sự chỉ trích vào giới siêu giàu. Jack Ma, người từng được tôn sùng là một tỷ phú tự thân, đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội trên mạng sau khi ông gọi 996 là “phước lành” mở đường cho thành công.
Theo Zingnews