Huy chương vàng hạng mục bơi bướm nữ 100 m của Mac Neil thu hút sự chú ý sau khi dư luận Trung Quốc phát hiện cô là người gốc Hoa, trang VICE đưa tin.
Chiến thắng của cô nhắc nhở mọi người về quá khứ đen tối dưới thời chính sách một con.
|
Margaret Mac Neil, VĐV người Canada gốc Hoa, được nhận nuôi khi còn nhỏ. Ảnh: AFP.
|
Bỏ bé gái là chuyện phổ biến
Không rõ Mac Neil được nhận nuôi ở hoàn cảnh nào. Nơi cô sinh ra - thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây - là khu vực kém phát triển ở miền Đông Trung Quốc.
Khi chính quyền nước này thực thi nghiêm khắc chính sách một con trong những năm 80-90, không có gì lạ khi nhiều cặp vợ chồng tại địa phương này bỏ con gái để có một bé trai. Tỉnh Giang Tây là nơi có hàng chục trại trẻ mồ côi cho phép nhận con nuôi quốc tế.
Một số gia đình sẽ bỏ thai nhi nếu biết mang giới tính nữ, thậm chí giết các bé gái mới sinh, dù đây là trường hợp hiếm.
Với tỷ lệ giới tính khi sinh chênh lệch nhất thế giới, vào năm 2020, số nam giới ở Trung Quốc nhiều hơn nữ gần 35 triệu người, theo dữ liệu điều tra dân số.
Những bé gái bị bỏ rơi thường được người nước ngoài, chủ yếu từ Mỹ, nhận làm con nuôi. Nhiều đôi vợ chồng xứ cờ hoa có nhu cầu làm cha mẹ. Các chương trình nhận con nuôi xuyên quốc gia cũng khá phổ biến.
Hiện, vợ chồng Trung Quốc được phép có 3 con thay vì một. Việc bỏ con gái đã trở nên ít phổ biến hơn khi dân số nước này ngày càng giàu có.
Đồng thời, nhiều phụ nữ bắt đầu lên tiếng chống lại sự phân biệt giới tính, bao gồm cả việc thích có con trai vẫn phổ biến ở nhiều vùng của Trung Quốc.
|
Nhiều gia đình ở Trung Quốc vẫn chuộng con trai, gây chênh lệch tỷ lệ giới tính. Ảnh: East Asia Forum.
|
"Nguồn gốc của tôi không liên quan sự nghiệp"
Sau chiến thắng của Mac Neil, nhiều dân mạng đã chỉ trích truyền thông Trung Quốc vì đã đưa gốc gác của nữ VĐV lên tiêu đề. Họ cho rằng câu chuyện cuộc đời cô chỉ là lời nhắc nhở về quá khứ đáng xấu hổ của đất nước.
“Đừng gọi cô ấy là người Trung Quốc nữa. Thành tích của cô ấy không liên quan gì đến nước ta”, một người bình luận trên Weibo.
“Hy vọng cha mẹ đẻ của cô ấy không đi tìm con. Họ không xứng đáng với vinh dự này”, một bình luận khác chỉ trích.
Trong cuộc họp báo sau chiến thắng tại Thế vận hội, nữ VĐV cho biết nguồn gốc Trung Quốc không liên quan đến sự nghiệp bơi lội của cô.
“Tôi sinh ra ở Trung Quốc và được nhận làm con nuôi khi còn rất nhỏ. Đó là tất cả những gì đất nước ấy để lại trong tôi.
Tôi lớn lên ở Canada và là người dân nơi đây. Vì vậy, nguồn gốc chỉ là một phần rất nhỏ trong hành trình tôi đã trải qua để đạt được vị trí ngày hôm nay. Nó không liên quan đến sự nghiệp bơi lội của tôi", nhà vô địch Olympic phát biểu.
|
Nữ VĐV người Canada cho rằng nguồn gốc không định hình con người mình. Ảnh: Getty.
|
Chiến thắng của Mac Neil cũng thúc đẩy một số phụ nữ chia sẻ trải nghiệm của họ về vấn đề phân biệt giới tính.
Trên mạng xã hội của xứ tỷ dân, một phụ nữ đến từ Giang Tây (Trung Quốc) cho biết các thành viên trong gia đình cô phàn nàn về việc thiếu người thừa kế nam và phá thai nhi khi biết đó là nữ.
Cha mẹ cô từng gửi con gái cho một người họ hàng nuôi để có bé trai. Vì khóc quá nhiều, cô đã bị đuổi về nhà.
“Nhiều người nói Mac Neil thật may mắn. Cô ấy chỉ là một trong hàng chục nghìn bé gái bị bỏ rơi. Số phận của họ hầu hết là nỗi đau và sự mất mát", người phụ nữ viết trong một bài báo được chia sẻ rộng rãi.
Theo Mai Hoàng/Zing