Một cậu bé ở Trung Quốc nặng đến 90 kg ở tuổi lên 6 do bà nội để cháu ăn uống vô tội vạ, theo Sohu.
Vì bận rộn với công việc, người mẹ tên Xiaowen thường gửi con trai đến nhà chồng để mẹ chồng giúp cô cho đứa trẻ ăn uống đầy đủ. Bà nội của cậu bé cũng vốn yêu quý và hết mực chăm sóc cháu.
Ở tuổi lên 6, một cậu bé Trung Quốc đã chạm cột mốc 90 kg, lớn hơn nhiều bạn cùng tuổi. Ảnh: Sohu.
“Ba bữa một ngày do bà chuẩn bị vốn đã rất tươm tất. Nửa đêm nếu thấy cháu chưa ngủ, bà sẽ lại gần và hỏi thằng bé có đói không. Nếu câu trả lời là có, bà sẽ không ngại ngần vào bếp nấu nướng cho cháu”, người mẹ kể lại.
Mặc dù Xiaowen thường xuyên nhắc mẹ chồng không được cho cậu bé ăn quá nhiều, bà nội vẫn bỏ ngoài tai lời của con dâu và tiếp tục “vỗ béo” cháu trai.
“Dù thằng bé đang trong thời kỳ cơ thể phát triển, hệ tiêu hóa sẽ không hấp thụ được nếu ăn quá nhiều. Tiêu thụ thức ăn quá mức sẽ sớm sinh ra bệnh. Tôi đã lặp đi lặp lại điều này không biết bao lần nhưng mẹ chồng không hề để tâm”, cô kể lại.
Lối sống ăn uống vô tội vạ do bà nội chiều chuộng kéo dài trong hơn 2 năm. Đến thời điểm con trai vào tiểu học, Xiaowen mới nhận ra cân nặng của cậu bé ở mức đáng báo động.
Trẻ em Trung Quốc bị thừa cân, béo phì vào hàng cao nhất thế giới. Ảnh: AFP.
Mới 6 tuổi, con trai cô đã nặng 90 kg. So với những đứa trẻ khác cùng trang lứa, cậu bé có thân hình mập mạp, thừa cân hơn hẳn.
Vì lo sợ béo phì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, người mẹ đã đưa con trai đến bệnh viện để kiểm tra. Chỉ đến khi bác sĩ kết luận cậu bé bị đơn giản tích mỡ lâu ngày và cần kiểm soát cân nặng hợp lý, Xiaowen mới nhẹ lòng.
Sau đó, người mẹ buộc phải tạm thời để con trai xa rời vòng tay chăm sóc của bà nội để cậu bé thực hiện chế độ ăn uống, giảm cân nghiêm ngặt và tập thể dục thường xuyên hơn.
Không riêng gì câu chuyện của nhà Xiaowen, thừa cân, béo phì đang là vấn đề đáng báo động ở lứa tuổi trẻ em lẫn thanh thiếu niên tại Trung Quốc.
Nỗ lực đưa môn Thể dục vào danh sách bài kiểm tra vượt cấp được coi là cách thúc đẩy học sinh ở Trung Quốc chăm vận động hơn. Ảnh: Getty.
Tracy Gao, mẹ của một học sinh lớp 6 ở Thượng Hải (Trung Quốc), mang tâm trạng lo lắng về thể lực của con trai mình.
“Nó ăn rất nhiều và không thích vận động gì cả. Ngay cả khi đi bộ vài trăm m hay chạy bộ một đoạn đường ngắn, thằng bé cũng hụt hơi”, cô nói và cho biết cậu bé cũng bị cận.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2016, 35% trẻ em 5-9 tuổi ở Trung Quốc bị thừa cân hoặc béo phì, so với con số 32% ở Hàn Quốc, 18% ở Nhật Bản và 8% ở Ấn Độ.
Một nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh được công bố vào năm ngoái cho thấy trong năm 2014, 21% trong số một triệu trẻ em và thanh thiếu niên bị thừa cân hoặc béo phì, tăng 5% so với năm 1995.
Nếu không có các biện pháp can thiệp hiệu quả, đến năm 2030, con số mắc nguy cơ xấu về sức khỏe liên quan đến tình trạng cân nặng sẽ lên đến 50 triệu người.
Bộ Giáo dục nước này đã buộc phải đưa Thể dục vào kỳ thi chuyển cấp 3 để cứu vãn tình hình. Theo đánh giá của một số giáo viên cấp 2, bài kiểm tra thể thao dễ vượt qua hơn các môn học khác và hầu hết học sinh đều có thể đạt điểm cao.
Theo Zing