Theo The Travel, món mỳ này thực chất có tên là Mie Goreng Pedas Mampus, xuất phát từ quán ăn đêm Abang Adek, Jakarta. Loại cay nhất có tên là Pedas Mampus, được chế biến từ 100-150 trái ớt xay nhuyễn phủ trên những sợi mỳ.
Ở Indonesia, món ăn này được khuyến cáo không nên dùng cho người không ăn được cay. Khi ăn, món mỳ siêu cay khiến thực khách đổ mồ hôi, cảm giác như đang ở trong một đám cháy.
Đây là món ăn được phục vụ trong các nhà hàng bình dân và quán ăn đêm tại thủ đô Jakarta.
Khi nấu bình thường, món mỳ này có vị khá hài hòa, phù hợp cho mọi người. Tuy nhiên, ở mỗi nhà hàng, mỳ được chế biến theo nhiều công thức riêng, đa dạng cho thực khách lựa chọn.
|
Mỳ được chế biến theo nhiều công thức riêng, đa dạng cho thực khách lựa chọn.
|
Tên gọi “mỳ tử thần” xuất hiện vào năm 2016. Khi đó, một blogger ẩm thực người Đức tên là Ben Sumadiwiria bị mất thính giác tạm thời khi thử món ăn này. Một đĩa mỳ xào cay khiến anh ta đổ mồ hôi, chóng mặt và không nghe thấy gì trong 2 phút. Thậm chí, Ben đã xả nước lạnh lên đầu và uống vài cốc sữa nhưng tình hình không cải thiện.
Để hình dung độ cay khủng khiếp của món mỳ này, các chuyên gia sử dụng thang đo Scovill. Loại ớt cay nhất được kỷ lục Guinness ghi nhận là Carolina Reaper đạt 2,2 triệu Scoville, một trái ớt có độ cay vào khoảng 200.000 Scoville. Do đó, một bát "mỳ tử thần" được đánh giá có độ cay khoảng 20 triệu Scoville, bởi nó chứa ít nhất 100 trái ớt.
Dù nhiều người cảm thấy đau đớn và sợ hãi khi ăn "mỳ tử thần", đây vẫn là món ăn không thể thiếu của người dân thủ đô Jakarta. Đặc biệt, đây cũng là món ăn để thử thách lòng dũng cảm của du khách khi đến với vùng đất này.
|
Một người đàn ông bị chóng mặt, mất thính giác tạm thời khi ăn món mỳ xào cay.
|
Theo Zingnews