Tác giả Keerthana Kumarasen của AsiaOne đã có cuộc trò chuyện thú vị với Mary Victor (một người ủng hộ theo hướng trung lập, đồng thời là nhà sáng lập các phong trào về cơ thể tại Singapore như #TheBodyWithin và #YOUBEYOU) về tính tích cực độc hại trong trào lưu yêu cơ thể.
Việc nói ra mặt độc hại khi nhìn nhận cơ thể quá tích cực khiến Keerthana cảm thấy như đang cướp đi hạnh phúc của người khác. Tuy nhiên, cô cho rằng đó là vấn đề cần được phân tích.
Keerthana cho rằng phong trào đề cao vẻ ngoài riêng biệt đã không tính đến những yếu tố xã hội liên quan.
|
Không dễ để một người có thể yêu hết những đặc điểm trên cơ thể mình. Ảnh: @Maryvictorofficial.
|
Câu chuyện "yêu cơ thể của bạn bất chấp nó trông thế nào" không tính đến sự kỳ thị vẫn đang tồn tại với một số kiểu cơ thể nhất định như ngoại cỡ, da màu, cơ thể khuyết tật...
Trải qua nhiều thập kỷ cai trị thuộc địa, đến tiếp thị tư bản và truyền thông xã hội đã khiến con người tin rằng có những chuẩn mực nhất định của cái đẹp. Với nhiều người, cái đẹp đó không tồn trên cơ thể họ.
Vì vậy, việc nhồi nhét những triết lý không liên quan và thiếu thực tế có thể tạo nên sự căng thẳng lớn đối với những người đang phải chịu sự điều khiển của tâm lý xã hội, khiến họ thấy ghét cơ thể của mình.
Sắc thái độc hại
Mary Victor nói rằng cách nhìn nhận tích cực về cơ thể có thể biến thành tích cực độc hại theo nhiều cách khác nhau.
Trong giai đoạn đầu quá trình hoạt động, Mary ủng hộ sự tích cực về cơ thể: tất cả những gì cô muốn là tạo ra một không gian an toàn cho các cá nhân phát triển "mối quan hệ lành mạnh với cơ thể của chính mình".
"Nhưng rồi tôi nhanh chóng nhận ra mình bị buộc phải yêu thích cơ thể của mình, đó là điều thực sự không bền vững", Mary nói.
Luôn suy nghĩ tích cực là một điều khó khăn với bất kỳ ai. Áp lực phải tích cực sẽ nhanh chóng biến thành độc hại. Sự tích cực độc hại này có thể không giúp một người cải thiện bản thân hoặc hình ảnh của họ.
|
Luôn suy nghĩ tích cực về cơ thể có thể trở thành áp lực với nhiều người. Ảnh: Unplash.
|
Trên thực tế, sự tích cực còn có khả năng phản tác dụng, có thể biểu hiện thành các triệu chứng tâm thần như trầm cảm, rối loạn cơ thể hoặc rối loạn ăn uống về lâu dài.
Tư tưởng của những người ủng hộ và có ý thức xã hội trên nhiều lĩnh vực khác nhau, những người nỗ lực làm việc để đảm bảo tính đa dạng là một cách để thúc đẩy "sự hòa nhập và biết chấp nhận" trong cuộc trò chuyện về cơ thể.
Trung lập về vẻ đẹp của cơ thể có thể là một giải pháp bền vững hơn.
Trung lập về cơ thể bắt nguồn từ ý tưởng cơ bản rằng bản sắc cá nhân đến từ khía cạnh cảm xúc và tinh thần nhiều hơn là mặt thể chất. Như vậy, ngoại hình không còn sức nặng khi chúng ta nói về một người. Điều này làm giảm áp lực phải tìm kiếm nét đẹp cơ thể theo một cách nhất định.
Nhiều đặc điểm ngoại hình từng bị con người gắn ý nghĩa. Ví dụ tông da sẫm màu, các đặc điểm cơ thể không phải của người Tây bị thực dân coi là xấu xí để thể hiện họ là người ưu việt.
Vì vậy, muốn có cái nhìn trung lập về ngoại hình, cần "tháo dỡ" những ý nghĩa bị gắn mác lên từ ngữ miêu tả chúng. Đó cũng sẽ là lăng kính bền vững để mỗi người nhìn thấu cơ thể mình.
Theo tác giả, phải trải qua nhiều thế hệ nữa, con người mới có thể loại bỏ những định kiến đã được nhồi nhét về ngoại hình.
Thay vào đó, chúng ta có thể ngừng dùng vẻ ngoài để định nghĩa bản thân và giá trị của mình - đó là sự trung lập về cơ thể.
Không cần phải nói khoa trương về "yêu bản thân", không cần sợ ánh mắt dè bỉu khi bạn không làm đúng. Không có khuôn mẫu nào cố định nên mọi người có thể thay đổi và cải thiện bản thân theo những cách khác nhau.
Theo Đinh Phạm/ Zing