Võ sĩ Nhật Bản vừa giành HCV Olympic bị mỉa mai khó lấy chồng

Google News

Sena Irie, nữ VĐV giành huy chương vàng đầu tiên cho Nhật Bản trong môn quyền anh tại Olympic, phải đối mặt với những bình luận phân biệt giới.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 8/8, Isao Harimoto, cựu VĐV bóng chày, không ngừng chê bai khi nói về tấm huy chương vàng đấm bốc của VĐV Sena Irie.
"Thậm chí có những phụ nữ thích đánh nhau. Mục đích của việc xem nó là gì? Một cô gái trẻ bị đấm vào mặt trước khi đi lấy chồng. Ngay cả phụ nữ đánh nhau cũng có người thích sao. Tôi đoán chúng ta phải thể hiện sự cảm kích vì đó là tấm huy chương vàng", Harimoto nói.
Bình luận của Harimoto đã khiến Hiệp hội Quyền anh Nhật Bản gửi thư đến đài truyền hình TBS để thể hiện sự phản đối và kêu gọi TBS chỉnh sửa nội dung phát sóng.
"Boxing không chỉ đơn giản là một cuộc đấu tay đôi. Chúng tôi muốn bạn hiểu rằng đó là một môn thể thao đòi hỏi kỹ năng toàn diện. Những bình luận rằng phụ nữ không nên tập quyền anh là phủ nhận sự đa dạng. Chúng tôi yêu cầu đài truyền hình đưa ra một bản chỉnh sửa cho khán giả", hiệp hội cho biết.
Vo si Nhat Ban vua gianh HCV Olympic bi mia mai kho lay chong
Sena Irie trở thành nữ VĐV giành huy chương vàng đầu tiên cho Nhật Bản trong môn quyền anh tại Olympic. Ảnh: Kyodo News.
Ngoài bức thư chính thức của hiệp hội, một số vận động viên Nhật Bản cũng bày tỏ sự thất vọng đối với nhận xét của Harimoto.
Hôm 12/8, VĐV giành huy chương marathon người Nhật Bản Yuko Arimori cho biết cô không thể tin rằng Harimoto được phép đưa ra những bình luận đó ngay trên sóng truyền hình.
"Nó hoàn toàn không phù hợp với thời đại của chúng ta," cô nói trên kênh Abema của Nhật Bản.
TBS đã đưa ra lời xin lỗi và cho biết họ đang xem xét việc chỉnh sửa.
"Như các bạn đã chỉ ra, có một phần nhận xét của ông Harimoto có thể bị xem là 'coi thường phụ nữ và thi đấu quyền anh'. Nếu có, chúng tôi nên xử lý nó trong chương trình. Chúng tôi thành thật xin lỗi tất cả vận động viên và người xem quyền anh đã không thoải mái với chương trình này", TBS đưa ra thông báo.
Trong khi đó, cựu cầu thủ bóng chày Harimoto vẫn chưa lên tiếng về vụ việc.
Phân biệt giới
Quyền anh nữ trở thành một phần của Thế vận hội từ năm 2012, trong khi quyền anh nam là môn chủ lực của Olympic từ năm 1904.
Quyền anh nữ từng không được chính thức công nhận một phần vì sự phân biệt giới tính khi cho rằng phụ nữ không nên biết đấm bốc.
"Trong sâu thẳm, tôi nghĩ phụ nữ không nên đánh nhau", võ sĩ chuyên nghiệp người Anh Amir Khan nói vào năm 2009, sau khi Ủy ban Olympic quyết định đưa bộ môn này vào Thế vận hội London 2012.
Sena Irie đặt mục tiêu tham dự Olympic sau khi xem một trận quyền anh nữ ở Thế vận hội London. Lúc đó, cô mới học lớp 6.
Nữ VĐV đến từ Tottori, một tỉnh phía nam của Nhật Bản, bắt đầu học đấm bốc từ năm lớp 2 sau khi đọc Ganbare Genki, bộ truyện tranh về một võ sĩ quyền anh đầy tham vọng.
Vo si Nhat Ban vua gianh HCV Olympic bi mia mai kho lay chong-Hinh-2
Quyền anh nữ từng không được công nhận vì những định kiến giới. Ảnh: AFP.
Sau khi Irie đề cập đến việc bộ truyện tranh có ý nghĩa như thế nào đối với mình, họa sĩ Yu Koyama đã vẽ một bức tranh về nữ võ sĩ để kỷ niệm chiến thắng của cô.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó, nhà vô địch hạng dưới 57 kg nói rằng cô muốn phá bỏ những hiểu biết thiên lệch về môn thể thao này.
"Tôi muốn người Nhật hiểu rằng họ có thể cảm nhận được sự dũng cảm và tích cực thông qua quyền anh của phụ nữ", cô nói vào tháng trước.
Theo VICE, nhận xét của Harimoto phản ánh tình trạng phân biệt giới tính phổ biến trong xã hội Nhật Bản, đặc biệt khi nói đến một môn thể thao do nam giới thống trị từ lâu như quyền anh.
Các nhà tổ chức Olympic đã ca ngợi Thế vận hội Tokyo 2020 là kỳ Olympic cân bằng giới tính nhất từ trước đến nay, với gần 49% trong số 11.000 vận động viên là nữ.
Thế nhưng, định kiến về giới vẫn còn rất sâu sắc. Vài tháng trước lễ khai mạc Thế vận hội, chủ tịch Olympic Tokyo 2020 Yoshiro Mori đã buộc phải từ chức sau khi cho rằng phụ nữ nói quá nhiều trong các cuộc họp.
Theo Lê Vy/Zing