"Mọi người đều có quyền tự do thể hiện bản thân và không bị biến thành đối tượng kích thích tình dục hoặc bị chế giễu", Tòa án Tối cao tuyên bố khi bác bỏ phán quyết của tòa án cấp dưới trong vụ án quay lén phụ nữ mặc quần legging gây xôn xao dư luận Hàn Quốc 2 năm trước, Joongang Daily đưa tin.
Người đàn ông khoảng 30 tuổi bị bắt quả tang quay lén một phụ nữ mặc quần legging trên xe buýt vào tháng 5/2018. Anh ta đã quay từ phía sau nạn nhân trong khoảng 8 giây mà cô ấy không hề hay biết.
“Người phụ nữ mặc quần legging đen và áo phông xám cỡ lớn. Phần lớn cơ thể cô ấy được che phủ bởi quần áo, nhưng hình dạng của đôi chân bị lộ ra do chiếc quần bó sát”, hồ sơ tòa án viết.
Bị cáo khai rằng anh ta quay phim người phụ nữ vì nghĩ "cô ấy có một thân hình tuyệt vời". Trong lời kể trước tòa, nạn nhân nói rằng cô cảm thấy "ghê tởm" trước những gì người đàn ông đã làm.
Bị cáo bị truy tố vì vi phạm Đạo luật trừng phạt Tội phạm tình dục, cấm mọi người chụp ảnh hoặc quay phim cơ thể của người khác.
Người này đã bị kết tội trong phiên tòa đầu tiên, bị phạt 700.000 won (643 USD) và buộc tham gia 24 giờ học về phòng chống bạo lực tình dục.
|
Vụ án quay lén phụ nữ mặc quần legging trên xe buýt được đưa ra xét xử lần 3.
|
Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm ở Tòa án quận Uijeongbu vào năm 2019, bị cáo được tuyên trắng án. Tòa án phán quyết rằng vì đối tượng bị quay phim đã lựa chọn mặc quần legging nên rất khó để xác định liệu nạn nhân có cảm thấy bị sỉ nhục hay không.
"Việc bí mật quay các bộ phận cơ thể có thể khiến nạn nhân khó chịu, nhưng đó không phải là lạm dụng tình dục vì ngày nay phụ nữ mặc quần legging hàng ngày. Không chỉ mặc như đồ thể thao, cô ấy đã mặc nó trên phương tiện giao thông công cộng".
Tòa án cũng nói rằng video chỉ cho thấy mắt cá chân trần trụi của người phụ nữ và được quay từ một góc độ mà ai ở trên xe buýt cũng “có thể nhìn thấy” được. Bị cáo không tập trung vào những bộ phận cơ thể thường được coi là kích thích tình dục.
Trong những trường hợp tương tự trước đây ở Hàn Quốc, những bộ phận được gọi là kích thích tình dục trên cơ thể thường là ngực, bộ phận sinh dục và mông.
Hiểu sai về tội phạm quay lén
Phán quyết này bị chỉ trích là dung túng cho tội phạm tình dục và đổ lỗi cho nạn nhân bằng cách tập trung vào chiếc quần legging thay vì hành động quay lén.
"Cho dù nạn nhân mặc quần legging hay trang phục gì khác, vấn đề là hắn ta đã quay phim cơ thể phụ nữ mà không có sự đồng ý và hành động đó là bất hợp pháp", một nhân viên văn phòng họ Kim nói.
Lee Mi-kyoung, giám đốc Trung tâm cứu trợ bạo lực tình dục Hàn Quốc, cho rằng phán quyết của tòa án có thể khiến công chúng hiểu sai về tội phạm quay lén.
"Với phán quyết này, nhiều người có thể nghĩ rằng việc quay phim, chụp lén người khác có phạm pháp hay không còn tùy vào từng loại trang phục nạn nhân mặc", Lee nói.
|
Phán quyết của tòa phúc thẩm bị chỉ trích là dung túng cho tội phạm quay lén.
|
Ngày 7/1, Tòa án Tối cao đã tuyên bố rằng phán quyết của tòa phúc thẩm là không đúng và yêu cầu xét xử lại vụ án.
Tòa án Tối cao nói rằng việc một người cảm thấy bị quấy rối hay không không phụ thuộc vào việc bộ phận cơ thể nào của họ bị quay, mà phụ thuộc nhiều hơn vào thực tế là cơ thể của người đó đã bị quay phim bí mật.
Vụ án đã được gửi lại cho Tòa án quận Uijeongbu. Theo luật ở Hàn Quốc, một người chụp ảnh hoặc quay video cơ thể của người khác mà không có sự đồng thuận có thể bị bỏ tù 5 năm hoặc bị phạt tới 30 triệu won.
Tranh cãi về quần legging
Sau vụ việc, chủ đề “Phụ nữ mặc quần legging như trang phục hàng ngày liệu có ổn?” xuất hiện trên một diễn đàn, thu hút nhiều ý kiến tranh luận từ dân mạng Hàn Quốc.
Một số phụ nữ cho biết dù họ muốn mặc quần legging như trang phục thường ngày nhưng cảm thấy khó chịu với những ánh mắt soi mói của người xung quanh.
Park Jee-eun, một nhân viên văn phòng 25 tuổi ở Seoul, nói: "Tôi cũng thường mặc quần legging nhưng nhiều người lại nhìn chằm chằm vào tôi".
|
Quần legging ngày càng phổ biến trong giới trẻ Hàn Quốc.
|
Tuy nhiên, số khác, bao gồm cả phụ nữ, nói rằng legging và các loại quần áo bó sát không phù hợp để mặc nơi công cộng.
Choi In-ha, dược sĩ 33 tuổi ở Seoul, cho biết cô không hiểu tại sao phụ nữ lại coi quần legging là trang phục dạo phố.
"Chiếc quần không có vấn đề nhưng mặc nó ở nơi công cộng là điều không thể hiểu được. Đối với tôi, những người mặc quần legging cũng giống khỏa thân vậy", Choi nói.
Những ý kiến trái chiều về chiếc quần legging không chỉ diễn ra ở Hàn Quốc.
Năm 2017, hãng United Airlines (Mỹ) từng bị chỉ trích mạnh mẽ sau khi nhân viên kiểm soát của hãng này không cho hành khách mặc quần legging lên máy bay.
Hãng giải thích rằng đây là một trong những quy định trang phục của mình trong khi đó nhiều người nói rằng chính sách này thể hiện sự phân biệt đối xử theo giới tính, vì legging thường chỉ được phụ nữ mặc.
Theo Zingnews