Đèn led có thể gây mù

Google News

(Kiến Thức) - Mới đây có nghiên cứu cho rằng, việc tiếp xúc liên tục, kéo dài với ánh sáng của đèn led có thể đủ để gây hại cho võng mạc mắt người.
 

Ảnh hưởng của đèn led đối với mắt người
Nghiên cứu của TS Celia Sánchez - Ramos đến từ Đại học Complutense (Madrid, Tây Ban Nha) khám phá ra rằng, bức xạ của đèn led gây tổn hại đáng kể đến các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc. Ánh sáng của các đèn led bắt nguồn từ dải màu xanh lam và tím, vốn có năng lượng cao và sóng ngắn của quang phổ nhìn thấy được. Theo nghiên cứu này, việc tiếp xúc liên tục và kéo dài với dạng ánh sáng này có thể đủ để gây hại cho võng mạc của mắt người, được cấu tạo gồm các tế bào nhạy cảm ánh sáng, chịu trách nhiệm phát hiện ánh sáng và cho phép con người nhìn thấy xung quanh. 
TS Nguyễn Phan Kiên, Viện Điện tử Viễn thông, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, thực tế đã có nhiều nghiên cứu chứng minh khả năng ảnh hưởng của đèn led đối với mắt người. TS Kiên phân tích: Về cơ bản, ánh sáng led được tạo ra nhờ kích các dao động có tần số đủ lớn để tạo ra dao động của các tinh thể bán dẫn, từ đó phát ra dao động có phổ nằm trong dải nhìn thấy và tạo ánh sáng. 
Hiện nay, để giảm thiểu việc sử dụng năng lượng, người ta dùng đèn led để tạo ra các loại bóng có ánh sáng trắng gần với ánh sáng được tạo ra bởi các bức xạ của Mặt Trời. Tuy nhiên, do bản chất led không giống quá trình phát sáng của bóng sợi đốt nên mắt người liên tục bị tác động và dao động theo các tần số phát ánh sáng phát ra của bóng đèn. Tuy nhiên, do các tần số này khá cao nên mắt người không kịp phản ứng lại, gây những ảnh hưởng nhất định đến mắt. 
Trong các nghiên cứu của thế giới, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, bóng đèn led sẽ cực hại khi người ta nhìn trực tiếp vào nó. Ví dụ đơn giản mọi người có thể nhìn các đèn led trên các biển quảng cáo một lát sẽ thấy mỏi mắt dù nó là màu gì đi nữa. Chính vì thế, nếu nhìn đèn led nhiều sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp tới mắt và thậm chí bị mù lòa theo thời gian là chuyện có thể hiểu được. Tuy nhiên, TS Kiên nhấn mạnh góc độ xét đến ở đây chỉ là nhìn trực tiếp.
Bóng đèn led sẽ cực hại khi người ta nhìn trực tiếp vào. 
Chú ý chỉ số hoàn màu của thiết bị
TS Nguyễn Phan Kiên khuyến nghị, ánh sáng tạo ra từ đèn chỉ để giúp người nhìn thấy chứ không phải để con người nhìn trực tiếp. Nếu nhìn trực tiếp vào bóng đèn thì dù đèn nào cũng gây hại cho mắt. Khi chọn đèn, dù là đèn led, compact hay bất kể loại đèn nào cũng phải để ý tới chỉ số/độ hoàn màu của đèn (chỉ số CRI) - là chỉ số so sánh trung thực về màu sắc của không gian và vật thể được chiếu sáng dưới ánh sáng của bóng đèn so với ánh sáng tự nhiên của Mặt Trời. 
Chỉ số CRI càng cao thì việc phản ảnh màu sắc vật thể, không gian... đều trở nên trong suốt và làm cho mắt người có cảm giác dễ chịu nhất. Chính vì thế, việc chọn đèn không chỉ làm cho không gian ánh sáng trong nhà đẹp hơn mà còn đảm bảo không bị ảnh hưởng đến mắt người. 
Cụ thể, bóng đèn tròn, bóng halogen, có độ hoàn màu cao nhất: Khoảng 98 - 100%; tùy vào vật liệu mà các bóng đèn huỳnh quang, đèn tuýp, compact có độ hoàn màu từ 50 - 80%, thậm chí có một số sản phẩm bóng đèn huỳnh quang chuyên dụng có độ hoàn màu lên tới 90 - 95% tuy nhiên giá thành khá cao. Các loại đèn led trôi nổi trên thị trường thường có độ hoàn màu rất thấp và chắc chắn ảnh hưởng đến thị giác. Tốt nhất là nên chọn các đèn led của các hãng có uy tín với chỉ số hoàn màu cao sẽ an toàn hơn cho mắt. 
Xét về hiện tượng thì chắc chắn người sử dụng bóng đèn tròn sợi đốt sẽ ít mỏi mắt hơn so với người dùng các loại bóng đèn khác, như đèn compact, đèn led.
Lê Lan