Hàng không Việt Nam thử nghiệm hộ chiếu sức khoẻ điện tử

Google News

Nhiều quốc gia đã chính thức đồng ý cho phép hành khách sử dụng “hộ chiếu sức khoẻ điện tử” khi nhập cảnh. Đây được cho là “chìa khóa” giúp mở cửa thông thương đường hàng không quốc tế. 

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho ra đời ứng dụng hộ chiếu sức khoẻ điện tử IATA Travel Pass (ITP) tích hợp một số giải pháp số như: Du lịch không tiếp xúc, dữ liệu sinh trắc học, chứng nhận sức khoẻ điện tử như kết quả xét nghiệm, tiêm vắc xin COVID-19, đặc biệt thuận tiện và hiệu quả khi có thể thay thế cho các loại thủ tục bằng giấy tờ hiện nay.
Theo IATA, đây là ứng dụng an toàn, đảm bảo thông tin nhất quán giữa các bên gồm chính phủ, cơ sở xét nghiệm, hãng hàng không và hành khách. Đây là giải pháp tạo điều kiện cho du lịch quốc tế trong thời kỳ đại dịch, mang lại sự sự yên tâm và đảm bảo rằng hành khách đáp ứng tất cả các yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19 khi nhập cảnh. ITP nắm giữ “chìa khóa” để tái khởi động ngành du lịch và lữ hành - một ngành đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.
Hang khong Viet Nam thu nghiem ho chieu suc khoe dien tu
Ảnh minh họa. 
Hiện tại, Singapore, Panama và Estonia là ba quốc gia đã chính thức đồng ý cho phép hành khách sử dụng ứng dụng ITP khi nhập cảnh. Ngoài ra, có hơn 30 hãng hàng không đã công bố thử nghiệm ITP, bao gồm: Singapore Airlines, Qatar Airways...
Đánh giá về ứng dụng ITP, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ITP là một trong những app chứng nhận điện tử về tiêm chủng vắc-xin COVID-19 của một người, chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính hoặc đã khỏi sau nhiễm COVID-19. Điều quan trọng là Chính phủ cho phép ứng dụng app nào.
Tháng 3/2021, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo các cấp có thẩm quyền về việc triển khai cơ chế với ứng dụng ITP, nhằm đẩy nhanh việc mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách đến Việt Nam - yếu tố cần thiết để chuẩn bị cho sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường hàng không tại Việt Nam.
Ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Tổng Cty Hàng không Việt Nam cho biết, ITP là một trong những giải pháp được kỳ vọng nhất để Việt Nam mở cửa biên giới nhanh chóng, an toàn, hỗ trợ ngành du lịch và hàng không sau một năm bị ảnh hưởng nặng nề do COVID-19. Giải pháp này nên được các chính phủ cho phép và công nhận rộng rãi, giúp nhanh chóng khôi phục vận tải hành khách quốc tế thường lệ. “Chúng tôi có kế hoạch thử nghiệm ITP triển khai ngay trong tháng 6 này với sự hỗ trợ của IATA”, ông Hà thông tin thêm.
Dưới góc độ là chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, ông Trần Tuấn Linh - Phó Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam cho rằng, Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước nên vào cuộc. Áp dụng hộ chiếu vắc xin hay hộ chiếu sức khỏe sẽ tạo ra sự chuyển mình, tạo thuận lợi trong thông thương quốc tế, vận tải quốc tế, khơi thông tắc nghẽn hai chiều của đường hàng không.
Hang khong Viet Nam thu nghiem ho chieu suc khoe dien tu-Hinh-2
Ảnh minh họa. 
“Hộ chiếu vắc-xin hay hộ chiếu sức khỏe thì cuối cùng đó cũng chính là một loại hộ chiếu điện tử mà người dùng có thể chứng minh được là mình khỏe mạnh. Tôi thấy rằng, các nước triển khai hoạt động gì cũng rất nhanh, tích cực và mạnh mẽ, theo chiều hướng giải quyết mọi tắc nghẽn. Ở châu Âu, việc áp dụng hộ chiếu vắc xin, hộ chiếu sức khỏe không phục thuộc vào con số bao nhiêu phần trăm người dân đã tiêm vắc-xin, cũng không phải họ không tính toán tới yếu tố miễn dịch cộng động, mà vì áp dụng càng sớm càng tốt” - ông Linh đánh giá về hiệu quả của các ứng dụng điện tử trong bối cảnh COVID-19.
Theo ông Linh, khi IATA triển khai ITP tới các hãng hàng không thành viên nghĩa là chắc chắn họ đã có sự phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề y tế. Vì vậy, ITP hoàn toàn có cơ sở để ứng dụng hợp lệ.
“Ít nhất là khách đến Việt Nam đã có hộ chiếu sức khỏe và code QR trên điện thoại di động, nên từ sân bay nước ngoài các hãng chỉ cần kiểm tra tại cửa lên tàu bay là đã ghi nhận được tình trạng sức khỏe của hành khách có đủ điều kiện để vận chuyển hay không, kiểm soát được tình hình hành khách ngay từ nơi khởi hành” - ông Linh bình luận.
Về kỳ vọng ITP là “chìa khóa” để thông thương đường hàng không quốc tế, theo quan điểm của Phó Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam, trong ngắn hạn sẽ khó đánh giá hết hiệu quả của ITP, nhưng triển khai khoảng 2-3 năm thì khả năng đạt được những ích lợi toàn diện. Bởi loại hộ chiếu này liên quan đến cả dữ liệu sinh trắc học, nhưng hiện tại ở các sân bay Việt Nam chưa triển khai và sẽ phải có thời gian để xây dựng cơ sở này.
“Trước mắt, ITP sẽ tạo thuận lợi cho chiều bay từ nước ngoài vào Việt Nam, khách đi ở các nước đã được công nhận hộ chiếu sức khỏe thì đến Việt Nam sẽ có dữ liệu cập nhật, đảm bảo kiểm soát về dịch Covid-19 với khách nhập cảnh” - ông Linh cho biết thêm.
*** Bài tuyên truyền thực hiện Nghị định 84/NQ-Cp ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Thùy Dung