Tôi cũng thấy buồn cười quá!
Tại hội nghị tổng kết năm học 2012 - 2013 vừa được tổ chức tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã thông báo một quyết định của Bộ: "Toàn ngành giáo dục đã quyết định tỷ lệ tốt nghiệp THPT không được vượt quá tỷ lệ tốt nghiệp những năm trước". Dư luận thấy khó hiểu, thậm chí buồn cười. Ông có bình luận gì về điều này?
Khi tôi nghe thông tin này, tôi cũng bật cười. Chính lời giải thích của Bộ GD&ĐT làm cho người ta buồn cười. Trước đây có một cuộc họp tuyệt mật của Bộ với 63 tỉnh, thành về vấn đề thi tốt nghiệp. Bộ bắt các địa phương cam kết năm nay tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT không được cao hơn năm ngoái. Ai vi phạm thì bị phạt. Đó là điều hiển nhiên thôi. Anh đã cam kết mà làm không đúng thì tôi phạt.
Rõ ràng cái sự buồn cười ở đây nó rất chua xót?
Tôi thấy lạ là ở chỗ làm sao chưa thi mà lại bảo người ta cam kết đỗ bao nhiêu, trượt bao nhiêu được. Đưa ra cam kết như vậy thì vô hình trung Bộ đã công nhận kết quả thì là không thực chất. Trong khi đúng ra thì các sở phải cam kết tổ chức thi cử nghiêm túc. Nếu sau khi thi xong, có khâu nào đó không nghiêm túc thì xử phạt. Thế thì dư luận mới thấy thoả đáng chứ.
Sau đó Bộ đã tiến hành chấm lại ngẫu nhiên 17.000 bài thi của 16 tỉnh, theo ông đó có phải là cách "sửa sai" nên làm?
Sau đó Bộ trưởng có nói Bộ sẽ xem lại những trường có điểm thi quá cao để xem xét chấm lại. Nếu chưa có chứng cứ về tiêu cực thì chưa thể xử lý ai, chưa thể khen, chê ai cả. Còn nếu địa phương nào cũng tốt cả thì sẽ được khen. Trường hợp chấm lại ngẫu nhiên mà phát hiện ra có vấn đề thì địa phương đó sẽ bị xử lý. Còn tự dưng cắt thi đua của địa phương một cách bất ngờ như vậy, làm sao họ không phản ứng cho được.
Cái việc họp kín kia nếu là tuyệt mật thì sao lại công bố ạ?
Thì do chính Bộ trưởng nói như thế mà. Trong cuộc họp đó các Sở cũng đã cam kết năm nay tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT không cao hơn năm ngoái. Bản thân các Sở khi cam kết như vậy cũng là không đúng luật.
|
TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: "Nếu còn giữ mãi cách làm này, câu chuyện cười ra nước mắt của ngành giáo dục vẫn cứ còn mãi". |
Hợp lý đến chua xót!
Theo giải thích của một lãnh đạo Bộ thì việc khống chế tăng tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT là điều hoàn toàn không vô lý?
Biết bao nhiêu tiền đầu tư cho giáo dục, cải tiến chất lượng dạy và học để phát triển lên, cớ làm sao mà lại không cho tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn năm ngoái? Trong khi kết thúc kỳ thi, Bộ vẫn kết luận là kỳ thi diễn ra trong an toàn, nghiêm túc, thành công. Thế hoá ra anh thừa nhận kỳ thi năm ngoái là không tốt.
Việc này đã có trong tiền lệ của ngành giáo dục chưa ạ?
Tôi chưa thấy. Làm như thế là không đúng, các địa phương phản ứng, dư luận phản ứng là đương nhiên thôi. Đó là những việc làm, lời nói khó hiểu. Nhưng có lẽ nó lại dễ hiểu, là bởi cả hệ thống giáo dục mải miết chạy theo thành tích, nó thành bệnh vụ thành tích. Thế nên cái câu chuyện địa phương nào tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cao bị cắt thi đua, bình thường thì là mâu thuẫn, vô lý, bất thường, nhưng xét trong tổng thể cả cái guồng đó, nó lại là điều rất hợp lý. Hợp lý đến chua xót!
Ông vừa nói bản thân ngành giáo dục cũng biết nếu thi thực chất thì kết quả sẽ thế nào?
Vâng, biết chứ. Nhưng cách thi cử như hiện nay thì không thể tránh được. Thi là một cuộc đánh giá. Mà đánh giá một con người thì phải đánh giá bằng cả quá trình, chứ không thể chỉ đánh giá trong một thời điểm. Năm nay có việc học sinh xé đề cương môn Sử khi biết môn đó không nằm trong danh sách môn thi tốt nghiệp, thì nó cũng như vậy.
Đó cũng là điểm yếu, cái lỗi trong cách tổ chức thi hiện nay?
Đánh giá học sinh chỉ trong một thời điểm và dựa vào một số môn sẽ dẫn đến những cách đối phó. Có thể trong suốt cả quá trình, học sinh không cần học hành gì, đến sát ngày thi chúng mới bắt đầu nhồi nhét một vài kiến thức cần thiết. Thế thì kỳ thi nó mang tính may rủi nhiều hơn là tài năng. Bởi thế, Bộ phải thay đổi cách làm. Bộ không tin ở người thầy, không tin ở cán bộ quản lý, nên cuối cùng phải tổ chức một kỳ thi phổ thông, sau đó là kỳ thi đại học. Chứ còn cứ làm như hiện nay thì chẳng khác nào gà mắc tóc, càng gỡ càng rối.
Phải chăng là không cần thi tốt nghiệp THPT nữa?
Nếu để một tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đến gần 100% thì tốn hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng để tổ chức kỳ thi này để làm gì? Để loại ra vài trăm em học sinh thì có đáng để làm không? Trong khi đó huy động toàn xã hội để làm. Việc đó không đáng làm. Nhưng nó cũng là sự mâu thuẫn. Cả ngành giáo dục như vậy mà không tổ chức được một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc thì làm sao có một kỳ thi đại học nghiêm túc được. Còn nếu chỉ đạo được kỳ thi đại học nghiêm túc thì cớ gì không tổ chức được kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc. Đấy, nó cứ mâu thuẫn trong những điều đó.
Tôi không muốn năm nào cũng nói chuyện cũ
Dư luận bất bình với nhiều câu chuyện của ngành giáo dục, mà không phải ngành nào cũng thế. Gần đây nhất là quy định cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học. Từng lãnh đạo ngành giáo dục, ông có thấy buồn vì điều đó?
Năm nào cũng thế, cứ trước, sau mỗi kỳ thi, nhiều nhà báo lại cứ hỏi tôi. Năm nào cũng là những chuyện cũ, đến hẹn lại lên. Mà tôi thì thấy chán lắm rồi, tôi không muốn năm nào cũng phải nói những chuyện cũ nữa. Mà nói mãi không thay đổi gì, nói mãi cũng đến thế thôi. Gần đây nhất là cái thông tư không chút thực tế nào về việc cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Không hiểu là người soạn ra cái thông tư ấy nghĩ gì nữa. Rồi khi thấy mình sai thì lại đưa ra những lý do đầy nguỵ biện.
Chuyện đó nó có giống như chuyện cắt thi đua vì tỷ lệ tốt nghiệp cao không ạ?
Thi tốt nghiệp cao hay thấp là do người chỉ đạo. Anh chỉ đạo như thế nào thì người ta làm nó như thế. Thấy có điều gì không đúng thì phải thổi còi ngay đi chứ. Còn khi sự việc đã xong xuôi rồi, thì cách nào cũng chỉ là để đối phó mà thôi.
Theo ông thì đến thời điểm nào ta sẽ chấp nhận được kết quả thi thật là cao?
Nếu có sự cải cách nền giáo dục một cách thực sự thì có thể chấp nhận được ngay thôi. Tôi nhấn mạnh, nền giáo dục cần có cuộc cải cách, chứ không phải là đổi mới. Cái thay đổi cần thiết đầu tiên chính là tư duy của người lãnh đạo. Lãnh đạo phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, đừng quá bảo thủ, lạc hậu nữa.
Xin cảm ơn ông!
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, với các yếu tố của quá trình dạy học còn nhiều hạn chế hiện nay, ai cũng hiểu được rằng tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng chạm ngưỡng tối đa là thực chất hay chưa thực chất. Nếu tỷ lệ quá cao của năm trước đã không thực chất thì việc tiếp tục tăng thêm nữa vào năm sau càng thể hiện sự thiếu quyết tâm "thi thực chất". Bởi vậy, việc Bộ GD&ĐT bàn bạc trao đổi và thống nhất không tăng tỷ lệ tốt nghiệp là không hề vô lý.
Tô Hội (Thực hiện)